Chính sách bảo mật mới được Google đưa ra hồi tháng 3/2012 cho phép hãng liên kết các dữ liệu của một người sử dụng qua các dịch vụ đa dạng của mình như công cụ tìm kiếm, YouTube hay Gmail...
Điều này khiến chính sách bảo mật của Google đơn giản, dễ hiểu hơn, đồng thời hãng có thể tạo ra một hồ sơ đa dạng của người dùng. Hồ sơ này sau đó được Google bán lại cho các công ty quảng cáo nhằm giúp họ nhắm vào một số khách hàng mục tiêu dựa trên sở thích và lịch sử tìm kiếm của người sử dụng Google.
Google hiện đang gặp rắc rối về chính sách bảo mật với các nước châu Âu. |
Đến tháng 10 năm ngoái, 27 nước thành viên EU cảnh báo rằng chính sách bảo mật mới của Google đã không tuân theo pháp luật châu Âu về bảo vệ dữ liệu cá nhân và cho hãng này 4 tháng để thay đổi chính sách hoặc phải đối mặt với các hành động pháp lý.
Khi thời hạn 4 tháng kết thúc vào tháng 2/2013, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh đã thiết lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm mở một cuộc điều tra đối với Google và cách hãng này quản lý dữ liệu riêng tư của khách hàng.
Cơ quan giám sát dữ liệu CNIL của Pháp cho biết, trong cuộc họp giữa lực lượng này với đại diện Google ngày 19/3, hãng tìm kiếm khổng lồ đã không cho thấy “bất kỳ thay đổi nào”.
Theo CNIL, ngày 2/4, 6 nước nêu trên đã bắt đầu có những hành động pháp lý để chống lại Google.
Thông tin do CNIL đưa ra vào đúng thời điểm giám đốc bảo mật của Google, bà Alma Whitten, tuyên bố từ chức. Bà Whitten được bổ nhiệm làm giám đốc bảo mật đầu tiên tại hãng vào năm 2010 sau khi một loạt sai lầm của Google khiến dữ liệu cá nhân của người sử dụng bị lộ.
Theo Tuổi trẻ