Trước quy định mới trong Nghị định 52 của Chính phủ về xử phạt người nghe điện thoại ở cây xăng, Đại tá Nguyễn Văn Lâm - Trưởng phòng cảnh sát PCCC quận Hoàng Mai (Hà Nội) thừa nhận: "Quy định nộp phạt là như thế nhưng chưa có chế tài buộc người ta phải thực hiện".
Việc xử phạt người mua xăng khi sử dụng ĐTDĐ dù đã có luật nhưng vẫn còn bất cập vì chưa có chế tài. Mặc dù, theo Đại tá Lâm, việc sử dụng điện thoại tại cây xăng rất nguy hiểm vì nguy cơ gây cháy nổ cao.
Từ trước đến nay hầu như chưa có trường hợp nào gọi điện thoại ở cây xăng mà bị phạt, mặc dù đã có quy định nhưng cũng chưa quản lý gắt gao. Để đưa Nghị quyết 52 vào thực tiễn, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ tăng cường hơn nữa việc này, có biện pháp xử phạt nặng để răn đe với khách hàng, kể cả nhân viên bán xăng.
Đội PCCC sẽ là cơ quan chính thực hiện việc xử phạt người vi phạm nhưng cũng chỉ có thể kiểm tra định kỳ chứ không thể túc trực thường xuyên vì số lượng cây xăng nhiều trong khi lực lượng chức năng còn quá mỏng.
Với các cây xăng - cơ sở nguy hiểm, có nguy cơ cháy nổ cao theo danh mục của Chính phủ, đội PCCC phải kiểm tra định kỳ mỗi năm 2 đợt, bên cạnh các đợt kiểm tra đột xuất.
Ngoài ra, còn kết hợp với việc đôn đốc nhắc nhở, tự kiểm tra, giám sát nhau cũng như tích cực trang bị kiến thức để PCCC.
Nhiều người dân cho biết vẫn chưa nắm được quy định xử phạt khi sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng.
Lực lượng cảnh sát PCCC chưa đủ người để có thể kiểm tra nhiều hơn. Quy chế xử phạt vi phạm muốn làm được phải có một ban bệ riêng thường xuyên theo dõi, chứ nhân viên cây xăng chắc sẽ không thể giám sát để rồi gọi người tới xử phạt được.
Nhân viên bán hàng còn phải lo quán xuyến tất cả mọi việc xảy ra tại cây xăng từ an toàn phòng tránh cháy nổ, tới tiền nong, sổ sách... giờ lại thêm một việc nữa là trông coi việc nghe điện thoại của khách thì không thể đủ người".
Do vậy, biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền cho mọi công dân, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình để bảo vệ tài sản Nhà nước khi tới những nơi có nguy cơ cháy nổ cao. Tự giác chấp hành không sử dụng điện thoại di động.
Nói về quy định xử phạt trong Nghị định 52, các chuyên gia pháp lý cho rằng, quy định người vi phạm phải nộp tiền, nhưng chưa có chế tài nào bắt buộc người dân chấp hành.
Ví dụ cảnh sát giao thông có chế tài giữ bằng lái xe hoặc giữ xe buộc người đi xe phải thi hành. Còn đối với đội PCCC, quy định của Bộ Công an có những điều chưa rõ ràng, do đó còn quá nhiều bất cập trong khâu xử lý.
Từ đó đặt ra nhiều câu hỏi mà người làm luật cần phải trả lời như: Nhân viên bán xăng có được sử dụng ĐTDĐ hay mang theo ĐTDĐ nhưng vẫn để ở chế độ sử dụng hay không? Nếu có hoặc không thì ai là người xác định?
Ngoài ra, người vào mua xăng tại cây xăng có phải tắt ĐTDĐ trước khi vào mua xăng không? Ai có quyền kiểm tra? Còn nhiều điểm bán xăng lẻ của cá nhân trên địa bàn thành phố không kiểm soát được, thì người sử dụng ĐTDĐ tại nơi đó có bị phạt?...
Hơn nữa, quy định hành vi nghe và gọi ĐTDĐ tại cây xăng là hành vi vi phạm, không phân biệt chủng loại và nhãn hiệu ĐTDĐ, nhưng lại với mức phạt tiền rất khác nhau: Mức phạt 2 triệu đồng sẽ do Trưởng công an hoặc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) ra quyết định xử phạt; Mức 5 triệu đồng sẽ do Trưởng phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, đường thủy, Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm và môi trường..., ra quyết định xử phạt.
Như vậy, ai là người định mức phạt tiền đối với người vi phạm khi mà chỉ với cùng một hành vi là gọi hay nghe ĐTDĐ tại cây xăng. Mức phạt chênh lệch ở đây là 3 triệu đồng.
Để xử phạt trong tình huống này thì sẽ phải huy động cán bộ với số lượng rất lớn. Thời gian mua xăng là rất ngắn, chỉ diễn ra trong khoảng vài phút đến vài chục phút thì khi bị phát hiện người vi phạm đã "cao chạy xa bay".
Liệu mỗi cây xăng đều có thể có một người trực để viết phiếu phạt tiền. Nhân viên bán xăng chỉ là người bán hàng cho nên không thể có quyền giữ hoặc ngăn cản người mua xăng đã sử dụng điện thoại di động tại cây xăng của mình. Hơn nữa, cây xăng, cung cấp xăng là cố định.
Người mua xăng là bất kỳ ai và bất kỳ ở đâu đến nếu nhân viên cung cấp xăng mà ngăn cản họ, phê bình họ thì điều gì có thể xảy ra nếu người vi phạm bị phạt tiền do nhân viên bán xăng khai báo? Trong khi đó, ý thức của người dân chưa thể mạnh dạn trong phê bình người vi phạm theo tâm lý an phận vì sợ rắc rối.
Còn quá nhiều bất cập trong cách xử lý vi phạm, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải xem xét lại trước khi áp dụng rộng rãi, tránh trường hợp vừa đưa ra luật đã bị vô hiệu hóa ngay sau khi đưa vào thực hiện.
Điều quan trọng là tuyên truyền trong nhân dân để hình thành ý thức chấp hành, đồng thời xây dựng chế tài hợp lý, nhằm xử phạt nghiêm khắc các tình huống vi phạm. Nếu để xảy ra trường hợp cháy nổ, người sử dụng điện thoại đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, dù biết hay không biết.
Khi không may xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, khách hàng đó không chỉ vi phạm luật hành chính, luật PCCC mà còn vi phạm luật hình sự.
Công Thư - Cao Tuân