Mới đây, Bộ VH, TT&DL tổ chức việc lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo lần 2 “Thông tư quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim”. Theo đó, Ban soạn thảo đã đưa ra nhiều tiêu chí để phân loại phim được phép phổ biến rộng rãi, trong đó việc cấm phổ biến phim có cảnh nóng cho khán giả dưới 18 tuổi gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng, việc cấm phim có cảnh nóng ngoài rạp cho khán giả nhỏ tuổi liệu có khả thi và triệt để khi các mạng xã hội cũng tràn ngập phim đủ các lứa tuổi và liệu các nhà làm phim đưa rạp có nghĩ ra “chiêu trò” gì để lách luật hay không?
Có đúng là “lứa tuổi nào xem phim ấy”?
Theo dự thảo mới này, cách phân loại sẽ chia ra theo 4 mức độ: Phim dành cho mọi lứa tuổi, phim cấm khán giả dưới 13 tuổi, phim cấm khán giả dưới 16 tuổi và phim cấm khán giả dưới 18 tuổi. Nội dung của phim cũng như những yếu tố kinh dị, bạo lực, tình dục là yếu tố dựa vào để phân loại ra các phim này.
Trong dự thảo cũng nêu rõ, với những phim dành cho khán giả trên 18 tuổi có nội dung phim phản ánh những vấn đề của người trưởng thành, như các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý, tội phạm tình dục nhưng không phù hợp với nhận thức, tâm lý, sinh lý của khán giả dưới 18 tuổi. Đồng thời, không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ tả thực cảnh bạo lực gây tác động mạnh cho người xem, trừ trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim và không khai thác sâu.
Tiếp đó, dự thảo còn nêu rõ: Không chấp nhận hình ảnh khỏa thân toàn phần, trừ trường hợp hình ảnh khỏa thân toàn phần đó phù hợp với nội dung phim, không miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục, không có hình xăm phản cảm, không có thời lượng kéo dài. Không chấp nhận các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện lộ liễu, miêu tả chi tiết hoạt động tình dục, trừ các trường hợp hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ đó phù hợp với nội dung phim, không có thời lượng kéo dài.
Đạo diễn Việt Dũng cho biết: “Nếu quản lý và phân loại được phim như trên thì tốt quá, vì ở nước ngoài việc quản lý phim ảnh được làm từ lâu và rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn rằng, có thật sự “lứa tuổi nào được xem phim ấy không”? Ai quản lý điều này? Nhất ở thời đại công nghệ số này, nếu khán giả không được xem tại rạp, họ có thể lên mạng xã hội hay vào internet để xem. Trẻ em bây giờ lớn rất nhanh, có em 15 tuổi mà không khác gì 19 - 20 tuổi, có quầy vé nào yêu cầu các em trình chứng minh thư hay thẻ học sinh như thông báo rồi mới bán vé không? Thật sự, nếu không quản lý tốt, đây cũng có thể là... bất cập...”.
Nhà sản xuất phim Linh Bùi thẳng thắn: “Tôi đồng ý với cách phân loại phim khi đưa ra rạp nhưng thấy đây là việc làm khá... cứng nhắc. Ở nhiều nước trên thế giới, hệ thống phân loại của Hiệp hội Điện ảnh bao gồm các bậc như G (chiếu rộng rãi, không hạn chế tuổi), PG (cha mẹ nên hướng dẫn cho con khi xem), PG-13 (nên có người lớn đi kèm nếu dưới 13 tuổi), R (dưới 17 tuổi phải có người lớn đi kèm) và NC-17 (cấm trẻ em dưới 17 tuổi). Trong khi đó, với những phim cần khuyến cáo thì Cục Điện ảnh VN chỉ đưa ra một mốc duy nhất là “cấm trẻ em dưới... tuổi” mà không có lời cảnh báo nào thêm. Nếu khán giả không đến rạp xem mà ngồi nhà lướt internet xem thì sao?”
Chiêu trò làm phim, gắn mác để bán vé?
Trao đổi với pv báo Người Đưa Tin, đạo diễn Bình Trọng bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng, nên phân loại phim để khuyến cáo khán giả chứ không nên cấm đoán, bởi nếu cấm như trên thì các nhà làm phim sẽ phải cắt hết các đoạn phim có “cảnh nóng”, nếu đoàn làm phim ấy không tự lựa chọn được khán giả thì coi như... lỗ. Việc đưa ra được dự thảo về quy định phân loại phim là rất cần thiết. Cả thế giới đều thực hiện việc phân loại phim như thế, như đi xem phim phải mang chứng minh thư là một việc đương nhiên, nhưng ở Việt Nam thì khó làm được điều ấy. Nghệ thuật là một lĩnh vực cần tự do dựa vào cảm xúc nên theo tôi, chỉ nên phân loại rồi khuyến cáo thôi, không nên cấm. Vì thực tế là nếu không ra ngoài rạp xem phim, các em nhỏ có thể lên internet xem phim cơ mà...”.
Theo đạo diễn Bình Trọng, những quy định về hình ảnh nhạy cảm trên màn ảnh theo độ tuổi sẽ làm cho người xem không được thưởng thức những tác phẩm hay. Mặt khác, sản xuất điện ảnh ngày càng đa dạng, các quy định thô sơ, cứng nhắc sẽ không chỉ làm khó nhà quản lý mà còn cản trở tư duy nghệ thuật vốn đầy sáng tạo của nghệ sỹ, sản xuất phim...
Vị đạo diễn này còn chỉ ra, nếu những quy định này “cứng nhắc” quá sẽ tạo nên việc “lách luật” cho các nhà làm phim như việc “cố tình” gắn nhãn mác để làm “chiêu trò”, thu hút sự tò mò của khán giả. Ví dụ như những bộ phim chỉ ở mức “nhàng nhàng”, cảnh cũng không “nóng” lắm, nhưng trước khi chiếu, nó sẽ được PR (quảng cáo – pv) một cách bí hiểm, không dành cho khán giả dưới 18 tuổi sẽ gợi sự tò mò, thế là phim không có ảnh nóng, lại được dán mác “cấm trẻ em dưới 18 tuổi”, vô hình trung thì nhà sản xuất phim được lợi, chứ khán giả thì lại bị “ăn” quả lừa.
Nhà biên kịch Lê Diệu Hương chia sẻ: “Muốn phân loại phim theo độ tuổi cần phải làm tốt khâu kiểm soát khán giả. Nhiều cụm rạp hiện nay thường tuyển nhân viên kiểm soát vé trẻ, tuổi đời từ 18 – 22 nên họ có thể phát hiện được những khách hàng nhỏ tuổi “trà trộn” vào xem phim. Tuy nhiên, đấy là những cụm rạp có sự làm ăn chuyên nghiệp, chứ những rạp nhỏ lẻ thì đa phần nhân viên soát vé sẽ “ngó lơ”, không kiểm soát độ tuổi của khán giả vì... doanh thu. Hơn nữa, việc kiểm tra chứng minh nhân dân cũng khiến nhân viên mất thêm thời gian, nếu có thực thi cũng không chắc kiểm soát được hết lượng khán giả chưa đủ tuổi. Vì vậy, chuyện phim cấm trẻ em theo độ tuổi có khả quan được không còn tùy vào “lương tâm” của người bán vé và ý thức của người mua vé...”.
Lạc Thành