Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 cũng thuộc Điều 8 của TT 25/2020, cơ sở GDPT phải tổ chức xét chọn rất công phu: tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên (GV) nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn SGK; cơ sở GDPT “tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn 01 (một) SGK cho mỗi môn học”.
Tuy vậy, toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng SGK rất có thể bị một HĐ chỉ gồm 15 người bác bỏ. Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển SGK, một bộ SGK thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy có nghĩa là toàn bộ các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 bị vô hiệu hóa bằng khoản 4.
Cũng từ đó, không ít ý kiến cho rằng, đây là kẽ hở cho việc thiếu minh bạch, khách quan trong việc lựa chọn SGK. Dẫn tới việc dư luận ồn ào, phản ứng trong thời gian qua. Ngay cả trong nghị trường, Quốc Hội cũng “nóng” lên bởi nhiều ý kiến chất vấn ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bởi những sự việc liên quan khiến dư luận quan tâm.
Cần tôn trọng ý kiến giáo viên ở các cơ sở giáo dục
Người Đưa Tin đã liên hệ với ông Đỗ Duy Hưng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương về vấn đề trên.
Ông Hưng cho hay: “Giai đoạn đầu khi triển khai Thông tư 25, trên địa bàn một huyện có thể lựa chọn nhiều bộ sách khác nhau. Tuy nhiên, đối với học sinh chuyển trường sẽ gặp những khó khăn để làm quen sách mới.
Bên cạnh đó, việc chỉ đạo chuyên môn cần có thống nhất, mỗi một bộ sách sẽ triển khai những kế hoạch khác nhau, điều này cũng dẫn đến những khó khăn.
Để hạn chế vấn đề trên, các huyện trên địa bàn chúng tôi đã có những Hội thảo chia sẻ phân tích giữa các trường để chọn chung một bộ sách, còn cả tỉnh thì có thể có nhiều bộ sách”.
“Theo tôi, hiện tại chúng ta có ít sự lựa chọn nên vẫn dễ thực hiện, nhưng nếu có nhiều bộ để lựa chọn thì sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, các cán bộ của Sở để có đủ thời gian, trình độ để nghiên cứu các bộ sách nhằm tham mưu cho các trường cũng là việc khó triển khai.
Cần phải có ý kiến của nhà quản lý và chuyên gia. Nên kết hợp nhiều đội ngũ cùng tham gia lựa chọn. Ở Hải Dương, việc lựa chọn sách giáo khoa thống nhất giữa các trường và Sở GD&ĐT với chính quyền", Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương bày tỏ.
Về sự bất cập của TT25, ông Hưng cũng đề xuất giải pháp : “Lựa chọn SGK vẫn phải lấy trường và giáo viên làm cốt lõi và được ủng hộ, xem xét ở cấp Sở và Tỉnh. Làm như vậy, việc chọn sẽ được xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, khách quan và hiệu quả hơn”.
Cũng về việc này, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên đã có những thông tin về việc chọn sách của địa phương: “Trong quá trình triển khai TT 25, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn bất cập. Tuy nhiên để có hiệu quả, các thầy cô phải người đọc và nghiên cứu các bộ sách, đây cũng chính là đội ngũ so sánh và lựa chọn. Trên cơ sở ý kiến của các thầy cô, hội đồng ở tỉnh sẽ đồng thuận các bộ sách mà đa số các giáo viên chọn.
Theo tôi, trong quá trình chọn, Hội đồng tỉnh phải lắng nghe ý kiến từ các trường. Quan điểm giáo dục của địa phương chúng tôi, sách giáo khoa là tài liệu tham khảo chính, nên sẽ chọn những bộ sách mà các giáo viên thấy phù hợp”.
Thông tư 25/2020 đã thể hiện những bất cập
Trao đổi với Người Đưa Tin, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên Phạm Việt Đức cho biết, TT 25/2020 đã thể hiện rõ những bất cập.
Theo ông Đức, nếu như TT 01/2020 giao cho các trường chọn SGK và quyết định, mọi việc triển khai rất tốt, thì TT 25 ban hành sau TT 01 hơn nửa năm xác định quy trình lựa chọn sách bắt đầu từ các trường, sau đó Hội đồng của tỉnh sẽ dựa vào dữ liệu của các trường để lựa chọn.
Năm vừa qua, khi bắt đầu triển khai TT 25, một số tỉnh dựa theo kết quả lựa chọn của đa số các trường, chỉ chọn 1 bộ sách để dễ quản lý về mặt chuyên môn. Nhưng điều này lại dẫn đến bất cập là các bộ sách khác không được chọn, SGK thiếu đa dạng.
“Quy định của Bộ GD&ĐT là mở, các tỉnh có thể chọn nhiều bộ sách giáo khoa. Nếu các tỉnh tôn trọng ý kiến của cơ sở một cách tuyệt đối, chọn tất cả các bộ sách thì Thông tư 25 không để làm gì”, ông Đức nêu bất cập.
Về mặt lý thuyết, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho rằng, các bộ sách đã được Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT xem xét và được Bộ trưởng phê duyệt để sử dụng đều đạt yêu cầu về các tiêu chí cho các cơ sở giáo dục địa phương sử dụng trong năm học. Tiêu chí chủ yếu để chọn là đánh giá xem sách có phù hợp với địa phương không. Để biết có phù hợp không, phù hợp đến mức nào thì trường lựa chọn là phù hợp nhất. Nên để tỉnh lựa chọn cũng không hợp lý.
Từ đó, vị Giám đốc Sở đưa ra giải pháp: “Một là giao cho trường, hoặc là giao cho tỉnh chọn sách. Chứ Hội đồng tỉnh đi hợp pháp hóa lựa chọn các trường là không có ý nghĩa”.
Ông cũng không ngần ngại chỉ ra rằng “do bị tác động từ nhiều phía”, các Sở thường chọn phương án an toàn, vì có thể lựa chọn “1 hoặc 1 số bộ”.
Ông Đức cũng đặt ra “bài toán” về việc lựa chọn SGK hiện nay, Bộ GD&ĐT với vai trò của mình cần sớm “giải cho địa phương”. Ông nói: “Theo quan điểm của Bộ, năm nay chọn bộ SGK này, sang năm chọn bộ SGK khác được vì về mặt lý thuyết, sách nào cũng theo chương trình. Trên thực tế, mỗi NXB sẽ mạnh về từng môn, từng khối lớp, cho nên, có năm địa phương chọn bộ này, sang năm chọn bộ kia. Nhưng điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu tính hệ thống, tính nhất quán. Còn nếu năm sau phải chọn đúng như năm trước thì quy trình không cần nữa. Chỉ cần chọn 1 bộ sách cho lớp 1, rồi dùng cho các năm sau thì lại không cần hội đồng”.
Như vậy, các ý kiến của lãnh đạo các Sở GD&ĐT, như đã nêu ở trên, đều đồng tình với việc ủng hộ việc lựa chọn SGK ở các trường. Bởi chính họ mới là người thực hiện chương trình SGK mới, biết bộ SGK nào phù hợp với địa phương và học sinh trên địa bàn. Nếu như GV chọn SGK một đằng, Sở hoặc Tỉnh , Thành chọn một nẻo...thì đằng sau đó, là những bất cập về sự minh bạch, khách quan trong lựa chọn SGK. Điều đó, cũng dễ dẫn tới việc độc quyền SGK mà Quốc Hội và xã hội đang quan tâm, có ý kiến.
Công Luân - Hồng Bích