Nhiều sai phạm chưa được trả lời thỏa đáng

Nhiều sai phạm chưa được trả lời thỏa đáng

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Trao đổi cùng PV Người đưa tin, phó chủ tịch UBND xã Phụng Châu Phạm Quang Định cho rằng trách nhiệm chính liên quan đến di tích chùa Trầm là do… người tiền nhiệm!?

Hiện tại, bản hợp đồng với cá nhân ở khu sông Sen bị xâm hại đã bị hủy, tình trạng một số cá nhân tự in phiếu, đặt hòm công đức và thu vé tham quan di tích trái phép cũng đã bị đình chỉ. Tuy nhiên, sau cuộc trả lời PV Người đưa tin, một lần nữa, dư luận lại phải đặt ra nhiều câu hỏi về sự tắc trách trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Pháp luật - Nhiều sai phạm chưa được trả lời thỏa đáng

Những cơ sở sản xuất, đục đẽo đá trái phép ngay trước cổng vào chùa Trầm

Trách nhiệm thuộc về... người tiền nhiệm

Trao đổi với PV Người đưa tin trước loạt bài phản ánh về tình trạng chùa Trầm, một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia được công nhận từ năm 1962, "đang bị xẻ thịt", ông Phạm Quang Định, phó chủ tịch UBND xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) cho biết: "Về vấn đề sông Sen trước cửa chùa có thuộc quần thể di tích chùa Trầm hay không, thì đến nay, chúng tôi cũng không rõ bởi hồ sơ di tích chùa Trầm mà huyện Chương Mỹ bàn giao cho chúng tôi cũng chưa nêu rõ diện tích là bao nhiêu, địa giới hành chính như thế nào. Ngay cả Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng vậy, chưa xác định được ranh giới đâu là thuộc quần thể di tích chùa Trầm nên vừa qua để xảy ra trường hợp một số người dân lợi dụng để lấn chiếm đất, san lấp mặt bằng, xây quán bán hàng trái phép và một số sự việc không hay xảy ra".

Cũng theo ông Định giải thích, thì một phần diện tích sông Sen đang bị san lấp và gây biến dạng di tích là bởi sai phạm một phần do hợp đồng đấu thầu chăn thả giữa ông Nguyễn Đình Tuấn với UBND xã Phụng Châu, mà ông Nguyễn Kim Quảng lúc đó là phó chủ tịch UBND xã ký vào tháng 6/2010 là vượt quá thẩm quyền. Ông Quảng ký hợp đồng đấu thầu với ông Tuấn vào tháng 6/2010, hợp đồng có thời hạn đến năm 2016. Trong khi đó, nhiệm kỳ của ông Quảng chỉ đến hết ngày 31/10/2010. Giá trị của hợp đồng là 2 triệu đồng/năm, số tiền này sẽ được nộp về Hợp tác xã nông nghiệp để tổ chức xây dựng phúc lợi nhân dân. Hợp đồng về việc cho ông Tuấn được chăn thả cá và cải tạo tại ao sen trước cổng chùa.

Ông Định cũng khẳng định: "Nếu như sông Sen trước cổng chùa thuộc di tích nhà chùa thì ông Quảng không được phép ký cho ông Tuấn cải tạo.để thả cá, cho xây trang trại nuôi lợn ngay phía trước một di tích quốc gia. Ngay sau khi có công văn của huyện Chương Mỹ kết luận về việc có sai phạm tại khu vực đất di tích chùa Trầm, UBND xã đã thông báo hủy hợp đồng đối với ông Nguyễn Đình Tuấn và đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không được chăn thả, nuôi trồng cây ăn quả đến hết năm 2012. Trách nhiệm thuộc về ông Quảng, phó chủ tịch UBND xã Phụng Châu nhiệm kỳ trước đã ký cho phép ông Tuấn được cải tạo trong khi đó không biết phần đất đó có thuộc diện tích đất chùa hay không.

Dung túng hay không biết?

Liên quan đến phản ánh của báo Người đưa tin về việc nhiều du khách đến đây tham quan, vãn cảnh, lễ phật bị một số đối tượng thu tiền một cách trắng trợn, bên cạnh đó là giá vé trông giữ xe "cao ngất trời", Ông Phạm Quang Định khẳng định: "Chúng tôi cũng nhận được một số phản ánh của bà con về vấn nạn này, song do không có đủ chứng cứ nên không thể bắt được người vi phạm. Chúng tôi cũng giao cho Hội cựu chiến bình trực tiếp quản lý và chỉ cho phép trông giữ xe chứ không được thu bất cứ một khoản nào khác của khách đến lễ chùa. Trưởng Ban văn hóa xã giám sát và quản lý vấn đề này, nếu để điều đó xảy ra sẽ mời ông Chủ tịch Hội lên để làm việc".

Mỗi năm Nhà nước đều dành một khoản nhất định cho việc tu bổ và trung tu đối với các di tích đã được xếp hạng. Tuy nhiên, theo cách giải thích của vị lãnh đạo UBND xã Phụng Châu, thì việc để ngôi đền Long Mẫu (thuộc di tích quốc gia chùa Trầm) bị bán đấu thầu cho ông Quyên với giá 1 triệu đồng/năm, và chính ông này tự ý in phiếu công đức để thu tiền của nhân dân là do ngôi đền đã xuống cấp trầm trọng và không có nguồn kinh phí nên để ông Quyên tu sửa và thu tiền.

Bản thân ông Phạm Quang Định, phó chủ tịch UBND xã Phụng Châu thừa nhận: "Việc ông Quyên tự ý in phiếu công đức là sai so với quy định. Ngay như hòm công đức của ông này nếu kiểm tra cũng có nhiều biểu hiện mập mờ, chúng tôi đã đình chỉ và giao lại cho địa phương quản lý". Tuy nhiên trước đó, cá nhân ông Quyên tự ý in phiếu công đức và thậm chí hoạt động "mê tín dị đoan" diễn ra trong một thời gian khá lâu và dài nhưng mãi đến khi người dân phán ảnh UBND xã mới có biện pháp đình chỉ.

Những người đã từng đến đền Long Mẫu (thuộc di tích chùa Trầm) và công đức ở đây sẽ phản ứng thế nào khi tiền họ công đức vào đền không phải dành để xây dựng, tu bổ đền mà rơi vào túi của một cá nhân. Giải thích về việc để tình trạng này xảy ra nhiều năm nhưng chính quyền sở tại vẫn lặng im cho đến khi sự việc vỡ nhẽ thì đổ cho công việc bận, không thường xuyên kiểm tra được, không biết việc thỏa thuận giữa ông Quyên với các cụ trong làng, ông Thanh bày tỏ: "Tôi không phủ nhận trách nhiệm trong việc quản lý di tích trong thời gian qua, nhưng thật sự ngôi đền đã xuống cấp trầm trọng cần tu sửa và bản thân ông Quyên có xin tu sửa và làm con nhang trông nom đền nên được các cụ đồng ý".

Trước việc quần thể di tích chùa Trầm bị xâm hại nghiêm trọng, xung quanh chân núi Trầm, rất nhiều xưởng sản xuất, đục đẽo đá, hàng quán mọc lên như nấm sau mưa thu tiền du khách vào thăm quan di tích, để xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm, một lần nữa vị lãnh đạo xã lại cho rằng ranh giới di tích không rõ ràng, nên vẫn để tình trạng người dân vi phạm. "Thực tế, nhiều người dân rất thiếu ý thức, lạm dụng quá mức. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu người dân dỡ bỏ các công trình vi phạm nhưng hôm sau đâu lại vào đấy, công an cũng không thể chỉ đi làm những việc như vậy", ông Định nói.

Diện tích chùa Trầm đang bị lẫn với đất nông nghiệp

Ông Trịnh Văn Thanh, trưởng ban di tích xã Phụng Châu cho biết: "Di tích chùa Trầm được xếp hạng từ năm 1962, cho đến nay cũng không có số liệu cụ thể xác định chùa Trầm phần đất phía Đông giáp đâu, phía Tây giáp đâu, vị trí từ đâu đến đâu, dài rộng thế nào. Hiện nay diện tích chùa Trầm đang lẫn lộn với diện tích đất nông nghiệp của người dân bởi không có hồ sơ lưu. Chính bởi việc không thể xác định được đâu là ranh giới giữa đất di tích với đất nông nghiệp nên dẫn đến việc ông Nguyễn Đình Tuấn được cải tạo dẫn đến mất cảnh quan phá vỡ nguyên dạng di tích chùa Trầm ban đầu và gây mâu thuẫn giữa người dân trong xã với nhau".

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.