Đứng đầu trong danh sách ô nhiễm là các con suối thuộc các huyện, thị xã đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp như suối Linh, suối Săn Máu (chảy qua địa bàn thành phố Biên Hòa), suối Điệp, suối Nước Trong (huyện Long Thành),…
Ảnh minh họa.
Nước tại các suối trên không thể sử dụng được cho sinh hoạt cũng như tưới tiêu kể cả giao thông thủy và những mục đích tương đương khác vì hàm lượng Fe, E.coli, Col iform,… vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép.
Nguồn nước của sông Buông tại vị trí gần Khu du lịch Giang Điền (huyện Trảng Bom) và cầu An Viễn (huyện Long Thành) qua quan trắc cũng bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất độc hại, gây bệnh tăng cao.
Trên sông Đồng Nai, nguồn nước tại những vị trí ở vùng miền núi như bến đò Nam Cát Tiên hay nơi hợp lưu giữa sông Bé và sông Đồng Nai có chất lượng tốt, hầu hết các thông số quan trắc đạt tiêu chuẩn cho phép, nước sử dụng tốt cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, chất lượng nước trên sông Đồng Nai đoạn qua thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành lại bị ô nhiễm do các chất hữu cơ, Fe và vi khuẩn gây bệnh.
Tại những vị trí như Làng cá bè Tân Mai, cống thải Nhà máy giấy Tân Mai nước bị ô nhiễm nên chỉ có thể sử dụng để tưới tiêu.
Theo kết quả quan trắc, nguồn nước tại 13/16 hồ ở Đồng Nai không bị ô nhiễm hoặc bị ở mức độ nhẹ. Đặc biệt, ở tất cả các điểm lấy mẫu, nước của hồ Trị An (hồ lớn nhất ở Đồng Nai) đều đạt chuẩn. Riêng sông Thị Vải, dù nguồn nước tốt, song diễn biến độ mặn dao động từ 19,2‰ - 30,6‰.
Đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai cho biết, độ mặn trên sông Thị Vải ở mức trung bình 25,6‰, đây là mức cao. Điều này cho thấy tốc độ xâm nhập mặn đang có xu thế ăn sâu vào đất liền. Thời gian tới, song song với việc theo dõi độ xâm nhập mặn trên sông Thị Vải, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng sẽ có những biện pháp nhằm khắc phục những nơi chất lượng nước mặt bị ô nhiễm./.
Theo TTXVN