Ngày 10/4, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ghi nhận gần 25.000 ca Covid-19 ngoài cộng đồng. Trong số đó, 1.006 ca có triệu chứng và 23.937 ca không có triệu chứng. Con số này vượt xa kỷ lục 13.436 ca nhiễm mà Tp.Vũ Hán từng ghi nhận ngày 12/2/2020.
Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/4, ông Ngô Tôn Hữu, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nói rằng đối với thành phố 26 triệu dân như Thượng Hải, nếu đợt xét nghiệm PCR toàn thành phố hoàn tất chỉ trong 2 - 3 ngày và có tối đa 4 đợt xét nghiệm liên tiếp nhau thì có thể dập tắt đợt dịch trong cộng đồng sớm nhất là 10 - 15 ngày. Trong bối cảnh nhiều người bắt đầu lo lắng không biết có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải và các khu vực khác của Trung Quốc hay không, thì ông Ngô bày tỏ niềm tin vào chiến lược "zero Covid" của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trịnh Quân Hoa, tổng chỉ huy bệnh viện dã chiến tại Trung tâm triển lãm quốc tế Thượng Hải, cho biết Thượng Hải là thành phố có tốc độ già hóa dân số nhanh. Người già tại đây là bộ phận dân cư có tỉ lệ mắc các bệnh nền cao như tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa..., nếu mắc Covid-19, các bệnh này sẽ nặng thêm. Do đó, nếu chọn "nằm yên và mặc kệ" (tức sống chung với dịch), tình hình sẽ vô cùng đáng sợ đối với cả người già và trẻ nhỏ.
Hiện, Thượng Hải đang thực hiện lệnh phong tỏa trên diện rộng trong nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chỉ nhân viên y tế, tình nguyện viện, nhân viên giao hàng hoặc một số đối tượng có giấy phép đặc biệt mới được ra khỏi nhà.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác khi nhiều siêu thị phải đóng cửa.
Trước tình hình này, lãnh đạo một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng và công ty thương mại điện tử đã cam kết đảm bảo nguồn cung không bị đình trệ.
Tập đoàn thương mại điện tử JD.com cho biết đang chú trọng vào các thực phẩm cơ bản và đồ dùng cho trẻ em. Công ty cung cấp dịch vụ giao hàng Ele.me thông báo đã bổ sung thêm 2.800 nhân viên giao hàng trong tuần qua để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.
Trước đó, Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết đã có cuộc gặp với các cơ quan chính phủ khác để bàn về tiêu chuẩn hóa các trạm giám sát đại dịch trên đường cao tốc, bởi các biện pháp siết chặt tại nhiều địa phương khiến chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.
Ngày 9/4, chính quyền thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với một khu vực có nguy cơ cao sau khi ghi nhận 8 ca mắc mới Covid-19 trong 2 tuần qua.
Thành phố cảng Ninh Ba gần Thượng Hải, ngày 10/4 thông báo dừng toàn bộ dịch vụ ăn uống trong khách sạn và nhà hàng, đồng thời những người sống trong khu phong tỏa phải thực hiện xét nghiệm hằng ngày trong 3 ngày.
Thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam cho biết sẽ xét nghiệm toàn bộ 12,6 triệu dân sau khi ghi nhận vài ca nhiễm không có triệu chứng. Tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc, toàn bộ 11 quận đã phát thông báo xét nghiệm PCR cho người dân vào ngày 8/4 và 9/4.
Theo Hãng tin Reuters, Công ty Nomura tuần này ước tính 23 thành phố ở Trung Quốc - chiếm 193 triệu dân và 22% GDP của Trung Quốc - đã bị phong tỏa toàn diện hoặc bán phong tỏa.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ, Thanh Niên)