Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án môn Lịch sử khối C của kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) 2012, nhiều giáo viên môn Lịch sử và các chuyên gia đầu ngành đã phản ánh về đáp án và thang điểm bài làm chưa hợp lý. Tiếp đó, ngày 15/7, Bộ GD&ĐT có thông báo sửa đổi đáp án câu 4a đề thi môn Sử. Tuy nhiên, điều chỉnh của Bộ vẫn bị phê phán chưa thật sự hoàn thiện.
Nhiều thí sinh lo lắn với đáp án đề thi môn Sử khối C. (Ảnh Bảo Lâm)
Đáp án môn Sử vừa sai, vừa thừa
Theo nhiều giáo viên, trong bộ đáp án đề thi môn Lịch sử khối C năm nay có nhiều điểm bất hợp lý. Một số nội dung và thang điểm trong đáp án chưa thật chính xác, kể cả học sinh giỏi cũng khó có thể đạt được điểm cao nếu giám khảo chấm “máy móc” theo đáp án của Bộ.
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc ra đề thi tuyển sinh CĐ, ĐH cũng như chấm thi các cấp, trao đổi về đáp án môn Lịch sử năm 2012, PGS.TS Đặng Thanh Toán nhận định: 3/4 câu trong đáp án của Bộ có sai sót. Trong đó, việc phân chia điểm giữa các ý vô lý. Đáng chú ý ở câu 4a, đề thi ĐH đưa ra: "Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kì chiến tranh lạnh". TS.Đặng Thanh Toán không tán thành mốc thời gian trong đáp án của Bộ là 1973 - 1989 mà phải là mốc năm 1973 - 1991 theo đúng lịch sử đã chia. Bởi vì sách giáo khoa ban nâng cao viết: “Tình trạng chiến tranh lạnh chỉ thực sự kết thúc sau khi Liên bang Xô viết tan rã” (tr.92). Đáp án của Bộ chưa nêu rõ được điều này”.
Bên cạnh đó, đáp án của Bộ nêu: “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mĩ - Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam và các cuộc chiến tranh theo mùa... luôn diễn ra mạnh mẽ”. Trong khi đó, TS.Toán cho rằng, phong trào đấu tranh của nhân dân Nhật (chính trị) lại không thuộc chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Đó là một ý thừa.
Còn ở câu 4b (chương trình nâng cao): “Từ năm 1950 đến năm 2000, vị thế ngày càng nâng cao trên trường quốc tế của Ấn Độ được thể hiện như thế nào trên lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật và chính sách đối ngoại”. Đáp án của Bộ nêu: “Từ năm 1950, Ấn Độ đã thực hiện nhiều kế hoạch dài hạn, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, đối ngoại, đã từng bước nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế”. Theo phân tích của các giáo viên Lịch sử khác, đáp án của ý này (0,5 điểm) khá lộn xộn và thừa.
Nhiều thí sinh... bị “oan”
GS.TS Đỗ Thanh Bình lấy làm thất vọng cho cách ra đề môn Lịch sử năm nay của Bộ. Theo GS. Bình, sau khi xem đề thi môn Lịch sử và đáp án, nhiều thầy cô ở trường phổ thông và cả ĐH đều sửng sốt và ngỡ ngàng. “Tôi cho rằng, điểm Lịch sử thấp năm nay là do chúng ta bắt chưa đúng bệnh. Chúng ta phải nhìn vào tình hình cụ thể. Nếu chúng ta cứ đổ lỗi cho thầy cô, cho sách giáo khoa là không khách quan. Tôi nghĩ vấn đề ở đề thi” – GS.Bình cho biết.
Trong quá trình chấm thi môn Sử năm nay, GS Bình cho biết, mặc dù biết là thí sinh làm đúng ý của câu hỏi nhưng trong đáp án của Bộ không có vẫn phải cho điểm 0. “Lâu nay, chúng ta chấm theo quy định là không có thảo luận. Ngay quy chế của Bộ cũng yêu cầu chấm theo đáp án của Bộ. Chúng tôi rất muốn sửa để cứu các thí sinh nhưng không được sửa” – GS.Bình chia sẻ.
GS.TS Đỗ Thanh Bình cũng cho biết thêm, trong quá trình chấm thi, chủ yếu học sinh viết lạc đi so với đáp án, chứ không phải học sinh để giấy trắng. Những lúc chấm phải bài thi của thí sinh có cùng suy nghĩ của người chấm, bản thân ông rất lấy làm tiếc vì thí sinh này trượt oan.
Còn TS.Nguyễn Mạnh Hưởng, ĐH Sư phạm Hà Nội, kiêm giáo viên dạy Sử, Trường THPT bán công Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho hay: “Môn Sử năm nay tỉ lệ điểm thấp chiếm rất nhiều. Tôi cho rằng, kết quả điểm thi tuyển sinh đại học môn Lịch sử năm nay quá thấp có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, nhưng cơ bản nhất vẫn là khâu ra đề thi và đáp án. Nếu các từ ngữ trong mỗi câu hỏi của đề thi chính xác hơn, chặt chẽ hơn, không mập mờ thì nhiều thí sinh sẽ không bị điểm kém “oan uổng”.
Nhiều giáo viên bộ môn Sử cho biết: Nếu Hội đồng chấm thi của các trường không kịp thời điều chỉnh và linh hoạt trong quá trình chấm, chúng tôi có thể khẳng định: Rất nhiều thí sinh sẽ mất từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm của bài làm. Hệ lụy của vấn đề còn lớn hơn khi đó là một trong những yếu tố tác động quan trọng đối với tâm lý, tinh thần học và thi ĐH của các em.
Điều chỉnh “vớt vát”, thí sinh và giáo viên vẫn... kêu trời
Ngay sau khi nhận được nhiều thông tin phản ánh về các sai sót trong đáp án và thang điểm đề thi khối C, chiều 15/7, Bộ GD&ĐT đã phải chính thức thông báo điều chỉnh đáp án, trong đó câu 4a được sửa lại theo hướng có lợi cho thí sinh.
Nội dung câu số 4a là: “Khái quát chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh lạnh”. Đáp án điều chỉnh phần từ năm 1952 đến năm 1973: Nhật Bản tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mỹ. Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật được kéo dài vĩnh viễn (0,5 điểm). Năm 1956, Nhật Bản đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Liên Xô và tham gia Liên hợp quốc (0,5 điểm). Theo đáp án trước đây, nếu làm được cả hai phần này cũng chỉ đạt 0,5 điểm, thí sinh phải nêu được nội dung: “Tuy vậy, phong trào nhân dân Nhật Bản chống Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật lên cao, phong trào chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và các cuộc đấu tranh diễn ra mạnh mẽ” mới có thêm 0,5 điểm nữa. Đáp án điều chỉnh đã bỏ nội dung này.
Phần từ năm 1973 đến năm 1989 được điều chỉnh: “Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua học thuyết Fukuda (1977)” (0,5 điểm). Theo đáp án trước đây, ngoài học thuyết Fukuda thí sinh phải nêu được cả học thuyết Kaiphu, cụ thể là: “Với tiềm lực kinh tế tài chính ngày càng lớn mạnh, Nhật Bản bắt đầu đưa ra chính sách đối ngoại mới, thể hiện qua các học thuyết Fukuda và Kaiphu.”
Ngay sau đó, Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD&ĐT gửi các trường đáp án và phiếu chấm môn Lịch sử đề nghị các trường sử dụng đáp án và phiếu chấm này. Tuy nhiên, điều mà hầu hết các thí sinh và giáo viên bộ môn Sử mong chờ về sự điều chỉnh của Bộ cho câu này nhưng Bộ vẫn “án binh bất động”, đáp án lần 2 vẫn không thay đổi. “Theo tôi, có 2 phương án cho sự điều chỉnh hợp lý nhất, logic nhất cho câu này: Một là, gộp 3 ý đầu tiên thành một ý ngắn gọn với thang điểm 0,5 điểm và phương án 2 là chia lại thang điểm cho mỗi ý của 3 ý đầu tiên, mỗi ý 0,25 điểm (tổng 3 ý cộng lại là 0,75 ). Ý thứ 4 là 1,25 điểm và đây chính là nội dung kiến thức trọng tâm nhất, cơ bản nhất của câu này”, thầy Giang, giáo viên môn Sử cho biết.
Chiều 16/7, trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã nghe phản ánh về thông tin về đáp án đề thì môn Sử chưa được hợp lý từ mấy hôm trước. Cũng phải nói thẳng, trong thời gian gần đây, Bộ GD& ĐT đã mắc phải một số điểm điều chỉnh chưa được phù hợp từ quy chế thi đến đề thi, đáp án chấm thi. Tôi cũng mới nhận được thông tin, trong chiều thứ 6 tuần này (ngày 20/7), Bộ GD&ĐT có mời một số người trong ngành đến dự cuộc họp do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ trì. Nội dung cuộc họp sẽ trao đổi về một số điểm hạn chế cần khắc phục của ngành giáo dục. Tôi nghĩ trong đó có cả việc sơ xuất lỗi trong đáp án đề thi môn Sử khối C năm nay”.
Ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Sau khi một số trường ĐH tổ chức chấm thi, nhiều cán bộ chấm thi đã có phản ánh cho rằng một số điểm trong đáp án, thang điểm chưa hợp lý. Cục đã yêu cầu tổ ra đề thảo luận, thống nhất trả lời các ý kiến thắc mắc liên quan đến đáp án, thang điểm. Sau khi kiểm tra lại, tổ ra đề cho biết, đáp án không sai nhưng đã quyết định chỉnh sửa đáp án câu 4a cho rõ ý hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của thí sinh”. |
Cao Tuân