Đến khoảng 10h30 sáng ngày 25/11, bão số 9 đang tiến gần tỉnh BR-VT nên người dân cũng như du khách có mặt tại tỉnh này đã bắt đầu lo lắng. Hiện tại các phương án phòng chống bão trên địa bàn đã hoàn tất, du khách ngưng tắm biển, chợ ngưng họp và học sinh được nghỉ học,...
Lực lượng chức năng cũng "trực chiến" khắp mọi nơi, nhất là các khu vực trọng yếu để xử lý kịp thời khi bão vào. Ngành điện, ngành y tế cũng đang "căng não" làm việc để đảm bảo phục tốt, khắc phục sự cố,... khi có sự cố xảy ra.
Trao đổi với PV, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện công tác ứng phó với bão đã được hoàn tất. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang lên kế hoạch ứng phó khi bão đổ bộ đất liền. Chính quyền đã yêu cầu người dân không ra đường để tránh các thương vong đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo ghi nhận của PV, thời điểm này, tại TP. Vũng Tàu (tỉnh BR-VT) trời đang mưa to, gió đã mạnh nên đường phố vắng vẻ người qua lại. Các du khách chọn cách lưu trú tại khách sạn để tránh bão và nhiều người dân cũng tìm đến khách sạn để tránh trú bão. Nhiều khách sạn trên địa bàn tỉnh BR-VT đã mở cửa đón khách miễn phí nên nhiều người dân nghèo được trú bão an toàn.
Bà Lê Giang (một người dân đang được trú bão miễn phí tại khách sạn trên đường Thuỳ Vân, TP. Vũng Tàu) cho biết, bà rất vui khi được trú bão miễn phí ở khách sạn. Ngoài trú bà và gia đình còn được ăn uống miễn phí, trú bão an toàn chờ hết bão mới trở về nhà. "Trong bão mới biết tình người ấm áp đến lạ, chỉ mong chúng tôi đều bình an", bà Giang chia sẻ
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Út (người dân ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT) cho biết, do địa phương rất ít khi bão vào nên không quen với việc có bão. Hôm qua, bà hy vọng bão chuyển hướng nên vẫn cố bám trụ tại nhà nhưng hôm nay khi bão đã chỉ cách bờ hơn 40km nên bà đã đến khách sạn (miễn phí) để trú bão.
"Chỗ tôi cán bộ đến vận động đi trú bão nhưng tôi nghĩ bão không vào ai ngờ nó vào thật. Chỉ mong chúng tôi đều an toàn qua bão", bà Út nói.
Còn ông Bùi Văn Tư (76 tuổi, người dân TP. Vũng Tàu) cũng cho biết: "Rất ít khi bão vào, thường sẽ suy yếu thành áp thấp hoặc lệch hướng nhưng ai ngờ bão giờ vào thật. Ngần này tuổi nhưng tôi chả có kinh nghiệm chống bão chỉ biết bão thì ở trong nhà cho an toàn".
Cũng theo ghi nhận của PV, ở thời điểm hiện tại, do mưa lớn cộng gió mạnh đã khiến cây xanh tại khu vực ven biển của TP. Vũng Tàu đã gãy đổ. Tại một số tuyến đường ở trung tâm TP đã xảy ra tình trạng ngập nước.
Tại TP.HCM, theo thông tin ghi nhận, hầu hết các quận, huyện của TP.HCM đều đã xảy ra mưa. Tuy nhiên, mưa lớn chỉ tập trung tại huyện Cần Giờ, còn các quận, huyện còn lại chỉ có mưa vừa và nhỏ.
Tại khu vực trung tâm, nhịp sống của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Cao (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết, mặc dù dự báo bão sẽ vào TP.HCM. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu vực trung tâm TP chỉ có mưa nhưng không lớn, ông Cao và những người hàng xóm vẫn mở cửa hàng kinh doanh như thường ngày.
“Tôi dự đoán bão sẽ không ảnh hưởng TP.HCM gì nhiều, ngoài khu vực Cần Giờ. Hiện tôi vẫn theo dõi báo đài để nắm tình hình bão để ứng phó”, ông Cao nói thêm.
Tại khu vực huyện Cần Giờ, huyện có biển duy nhất của TP.HCM, hiện tại ở khu vực này đang có mưa lớn, kèm gió giật. Hầu hết người dân ở ven biển đều đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Thông tin với PV, ông Lê Minh Dũng, chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, đến thời điểm hiện tại, tất cả người dân ở khu vực ven biển đều đã được sơ tán đến nơi an toàn. Tàu thuyền của bà con ngư dân cũng đều vào khu vực trú bão. “Huyện đang chủ động để ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão số 9”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ghi nhận của PV, tại khu vực Tiền Giang và Bến Tre, mưa cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, tại khu vực huyện ven biển Bình Đại của tỉnh Bến Tre thì ngoài mưa lớn thì có thêm gió mạnh.
Thông tin với PV, ông Trần Văn Hào (ngư dân tại huyện Bình Đại) cho biết: “Tại huyện bây giờ đang có mưa lớn kèm gió mạnh. Tuy nhiên, cường độ vẫn chưa lớn. Do huyện đã tuyên truyền mấy ngày qua nên ngư dân chúng tôi đều đã đưa tàu thuyền vào khu vực tránh bão, còn người dân thì sơ tán đến nơi an toàn”.
Theo thông tin ghi nhận của PV từ UBND tỉnh Bình Thuận thì đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã có những con số thiệt hại đầu tiên do bão số 9 gây ra. Theo đó, tại đảo Phú Quý có một tàu công suất 707 Cv bị hư hỏng và 1 chiếc xuồng 20 Cv bị chìm. Tại huyện Tuy Phong 1 lồng bè có 8.000 con cá bị đứt neo trôi ra biển, ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Tại TP. Phan Thiết: Sạt lở 3 km bờ biển tại phường Hàm Tiến khiến 7 tàu cá bị cuốn trôi, 2 nhà dân có nguy cơ sập, 15 thuyền bị hư hỏng do bị sóng đánh va vào nhau. Tại phường Thanh Hải có 8 ngôi nhà bị sập, hư hỏng do sạt lở bờ biển.
Nhóm PVTS