Mới đây, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã đưa ra ý tưởng đẩy đê ra sát bờ sông Hồng. Theo đó, đê mới sẽ được đẩy sát bờ sông và khu dân cư cả bên tả lẫn bên hữu sẽ được mở rộng và bảo vệ tuyệt đối…
Tuy nhiên, khi được hỏi nhận xét về ý tưởng trên, nhiều chuyên gia về đê điều và thủy lợi đã bày tỏ lo ngại với PV Người Đưa Tin. Nhìn chung, các chuyên gia này cho rằng: Việc lùi đê ra sát sông Hồng là ý tưởng táo bạo, nếu thực hiện sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho nhiều tỉnh thành khác cùng chung hệ thống đê.
GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng bộ Thủy lợi (nay là bộ NN&PTNT), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng đây là "ý tưởng chưa từng có", song đánh giá việc lùi đê ra sát bờ sông đồng nghĩa với việc thu hẹp bờ sông, thu hẹp không gian thoát lũ. "Lùi đê ra sát sông Hồng sẽ làm mực nước lên trong khi đó cao trình mực nước tối đa theo quy định là 13,4m. Do đó, nếu chuyển đê vào thì có đảm bảo được không?”, GS. Hồng đặt câu hỏi.
GS. Vũ Trọng Hồng cũng cảnh báo: “Nếu Hà Nội lùi đê ra bờ sông sẽ tác động đến một loạt các tỉnh thượng lưu và hạ lưu sông Hồng như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình... Việc điều chỉnh đê như thế sẽ làm các tỉnh thượng lưu sông Hồng có nguy cơ ngập lụt vào mùa lũ, đồng thời làm các tỉnh hạ lưu có nguy cơ xói mòn. Ngoài ra, việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp khi các cánh đồng ven sông Hồng bị úng ngập.
"Việc phòng chống lũ lụt vẫn phải nhờ vào đê điều, không thể ỉ lại vào các đập thủy điện bởi bài học đắt giá vừa qua khi hồ Hòa Bình phải xả 8 cửa làm mực nước hạ lưu các sông dâng cao, đe đọa nhiều vùng", GS. Vũ Trọng Hồng đánh giá.
GS Hồng nhấn mạnh: ”Các tỉnh thành phố chung một dòng sông đều phải tuân theo quy định chung của Thủ tướng Chính phủ. Việc lùi đê như đề cập phải được sự đồng ý Chính phủ và cần phải nghiên cứu kỹ”.
Đồng quan điểm GS. Nguyễn Ty Niên - Nguyên cục trưởng cục Đê điều - PCLB bộ NN&PTNT cũng bày tỏ: “Tất nhiên với khoa học, công nghệ tiên tiến như hiện nay thì việc đắp đê, lùi đê, mở rộng đê là điều không khó làm. Tuy nhiên, để ý tưởng này được thực hiện là cả một vấn đề”.
Theo GS Nguyễn Ty Niên, để có được một tuyến đê đảm bảo tiêu chuẩn thì kinh phí sẽ rất tốn kém, đó là còn chưa kể vị trí lùi đê như thế nào. Bên cạnh đó, việc lùi đê ra sát bờ sông Hồng cũng đồng nghĩa với việc hành lang thoát lũ bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xả lũ, thoát lũ từ thượng nguồn.
Được biết, triển khai Quyết định số 257/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội cũng đề xuất bộ NN-PTNT xây dựng 7 tuyến giao thông kết hợp đê bao bảo vệ khu dân cư, khu đô thị vùng bãi, với cao trình bảo đảm chống lũ ở mức báo động II (tương ứng cao trình mặt đường ở Trạm thủy văn Hà Nội là 11m). Đó là các tuyến Chu Phan - Đại Độ, Tầm Xá - Xuân Canh, Chương Dương - Xuân Quan... Các tuyến đường sẽ được làm với tiêu chuẩn đường giao thông cấp đô thị rộng 50m, nối cả đến những vùng bãi chưa phát triển. Theo Thứ trưởng bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, việc xây dựng các tuyến đường kết nối phải bảo đảm nguyên tắc không gian chứa lũ. Đối với khu vực bãi sông không được phép xây dựng có thể sử dụng làm công viên cây xanh. Đối với khu vực cho phép xây dựng, cần nghiên cứu bảo đảm theo hướng an toàn. |