Thông tin mới nhất từ cục Thú y – bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại đã có 7 tỉnh thành trên cả nước có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi, gồm: Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam.
Tại tỉnh Hưng Yên, địa phương đầu tiên phát hiện dịch tả lợn châu Phi, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 41 hộ, ở 9 thôn, 7 xã thuộc TP.Hưng Yên và các huyện: Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi, Mỹ Hào phát hiện có bệnh dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn tiêu hủy hơn 1,7 nghìn con, tương ứng hơn 156 tấn lợn hơi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên, ngành chuyên môn, các địa phương trong tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi như: Thành lập ban chỉ đạo; thành lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành, chốt kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn giáp ranh; tăng cường công tác tuyên truyền về tính chất, mức độ nguy hại của bệnh dịch; vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột tại các khu vực chăn nuôi, tiêu hủy lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Toàn tỉnh đã cấp phát gần 18 nghìn lít hóa chất, 158 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng.
Tại tỉnh Thái Bình, đến ngày 3/3, sau xã Đông Đô (huyện Hưng Hà), Lô Giang (huyện Đông Hưng), đến nay dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát tại các xã Tây Đô, Duyên Hà (huyện Hưng Hà), Dục An, Đông Hải (huyện Quỳnh Phụ). Đến 16h ngày 28/2, toàn tỉnh đã tiêu hủy tổng cộng 613 con lợn các loại, của 54 hộ chăn nuôi ở 19 thôn, 6 xã thuộc 3 huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ với tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 37.245 kg.
Để “khoanh vùng, dập dịch”, tỉnh Thái Bình đã lập 50 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các xã có dịch và vùng bị uy hiếp. Hằng ngày thực hiện việc rắc vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Trong đó, 17,9 tấn hóa chất, hơn 402 tấn vôi bột đã được tỉnh sử dụng phun, rải tại địa bàn có dịch và vùng bị uy hiếp.
Nhằm ngăn chặn mầm dịch phát sinh ra từ tỉnh Thái Bình, lây lan từ các tỉnh ngoài vào, trong chiều ngày 1/3, tỉnh Thái Bình lập chốt kiểm soát tại cầu Tân Đệ, cửa ngõ nối với tỉnh Nam Định. Trước đó, tỉnh đã cho lập 4 chốt kiểm soát tại Cầu Nghìn, Cầu Hiệp (huyện Quỳnh Phụ); lập các chốt tại Triều Dương, La Tiến (Hưng Hà) nhằm kiểm soát dịch bệnh từ phía các tỉnh thành Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng...
Một trong những khó khăn của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch hiện nay là số đông hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ (không kể trang trại, toàn tỉnh hiện có gần 7.500 gia trại và 75.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ), mật độ chăn nuôi cao, môi trường ô nhiễm, gây khó khăn cho công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm... Một số địa phương có dịch có các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua nên việc kiểm soát ổ dịch gặp khó khăn.
Tại TP.Hải Phòng,tính đến 18h30, ngày 3/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 59 hộ, 17 thôn, 9 xã, 3 huyện ( Thuỷ Nguyên, Tiên Lãng, An Dương). Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 1.298 con; số lượng tiêu huỷ (tạm tính) 67.011kg.
Hiện đàn lợn còn lại trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm tiếp tục được thành phố chỉ đạo giám sát chặt chẽ, công tác khử trùng được thực hiện theo quy định phòng chống dịch bệnh hiện hành.
Tại tỉnh Hải Dương, huyện Kinh Môn là địa bàn phát sinh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến 13h30 ngày 2/3, tổng số lợn đã tiến hành tiêu hủy của 2 hộ dân ở xã Hiến Thành là 169 con với trọng lượng 7492kg.
Hiện nay, công tác kiểm soát dịch bệnh đang được UBND huyện Kinh Môn cùng các cơ quan chức năng tập trung thực hiện để ngăn chặn không để dịch lây lan và bùng phát thêm điểm mới.
Tại tỉnh Hà Nam, ngày 27/2, đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại hộ gia đình ông Chu Văn Vĩ, (thôn Chanh, xã Văn Xá, huyện Kim Bảng). Ngay sau đó, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh tỉnh đã chỉ đạo địa phương và các ngành liên quan triển khai khẩn cấp các giải pháp chống dịch; tổ chức tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh; thành lập 3 chốt giám sát các lối ra vào thôn Chanh - Trung Đồng, phun hóa chất khử trùng tiêu độc toàn bộ ổ dịch và khu vực xung quanh.
Tại hội nghị trực tuyến do bộ NN&PTNT chủ trì sáng 4/3 về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngành chăn nuôi nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đó là công tác kiểm soát bệnh, dịch bệnh chưa chặt chẽ, trong lúc đó điều kiện khí hậu nóng ẩm, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, mật độ cao và xen lẫn trong khu dân cư nên các loại dịch bệnh dễ phát sinh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành liên quan cần vào cuộc để tổ chức ngăn chặn, khống chế, siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lậu lợn, sản phẩm lợn cũng như xử lý ngay ổ dịch khi xuất hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người chăn nuôi, người tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển và cả xã hội cùng tham gia kiểm soát tốt, không để dịch bệnh lây lan.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kịch bản cho các tình huống dịch bệnh xuất hiện ở quy mô và phạm vi khác nhau để tổ chức thực hiện, phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lây lan trên diện rộng tại địa phương. Mặt khác, tiếp tục tổ chức, hướng dẫn xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.