Năm 2025, hàng loạt trường đại học chính thức bỏ phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (học bạ).
Đại học Bách khoa Hà Nội không sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT trong năm 2025. Trường có 3 phương thức gồm xét tuyển tài năng (20%), xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (40%) và xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024). Từ năm 2024, đại học này đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ để giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.
![Nhiều trường đại học "nói không" với xét tuyển học bạ- Ảnh 1. Nhiều trường đại học "nói không" với xét tuyển học bạ- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/thumb_w/640/84137818385850368/2025/2/10/nhieu-truong-dai-hoc-noi-khong-voi-xet-tuyen-hoc-ba-1739162512804929861725.png)
Ảnh minh họa.
Năm nay, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết sẽ bỏ phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT (xét học bạ) từ năm 2025. Năm nay, trường chỉ còn xét tuyển theo 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội và Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực - SPT năm 2025.
Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM mới đây cũng đã công bố các thay đổi quan trọng trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025. Theo đó, trường sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) trong xét tuyển và chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) bỏ 2 phương thức sử dụng điểm học bạ để xét tuyển đầu vào năm nay. Theo đó, năm nay trường tuyển sinh theo các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên; xét học sinh dự bị đại học; dùng kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng thông báo sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT độc lập. Năm ngoái nhà trường dành 15% chỉ tiêu cho phương thức này. Dự kiến từ năm 2025, thí sinh xét học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phải kết hợp điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi.
Theo Sức khỏe & Đời sống, năm nay Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Tp.HCM, Trường Đại học Luật Tp.HCM... dự kiến vẫn không xét tuyển bằng học bạ THPT trong năm 2025 như các năm trước.
Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm 1 buổi thi, 2 môn thi
Theo báo Chính Phủ, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 24 năm 2024 về Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Bên cạnh việc kế thừa nội dung của các Quy chế đã được triển khai thực hiện thuận lợi, ổn định các năm qua, nhất là năm 2023 và 2024, Quy chế vừa ban hành có một số điểm mới đáng chú ý.
Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. Như vậy, so với những năm trước, kỳ thi từ năm 2025 giảm 1 buổi thi, 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Để xét công nhận tốt nghiệp, Quy chế quy định sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi theo tỉ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số. Việc tăng tỉ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% nhằm đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết). Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Điểm thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
Trúc Chi (t/h)