Theo số liệu Bộ GD&ĐT cho thấy, vẫn còn trên 100.000 thí sinh trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học. Do đó, nguồn xét tuyển bổ sung vẫn còn dồi dào cho các trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu ở nhiều ngành.
Theo quy định trong quy chế tuyển sinh, điểm chuẩn xét tuyển đợt bổ sung không thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển đợt 1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng chưa thể dự báo được mức điểm chuẩn đợt này bởi còn tùy thuộc vào lượng hồ sơ và điểm của các thí sinh đăng ký xét tuyển.
Khác với đợt 1, trong đợt xét tuyển bổ sung này, thí sinh muốn xét tuyển vào trường nào phải đăng ký trực tiếp với trường đó chứ không qua hệ thống chung. Vì thế, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về chỉ tiêu, điểm "sàn" của các trường, ngành để thực hiện đúng hướng dẫn và yêu cầu của mỗi trường.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, cả nước có 567.018 thí sinh trúng tuyển, trong tổng số 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung (91,4%); tính đến 17h ngày 30/9, có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống (81,7% số thí sinh trúng tuyển).
Các năm trước, tỷ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh cũng thông báo xét tuyển bổ sung 95 chỉ tiêu ở 6 ngành đào tạo do trường cấp bằng và hơn 900 chỉ tiêu ở 25 ngành đào tạo chương trình liên kết với đại học nước ngoài.
Đợt xét tuyển bổ sung này, nhà trường sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển từ ngày 1-6/10, kết quả sẽ được công bố ngày 8/10.
Đại học Nông lâm Tp.Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung 175 chỉ tiêu cho 4 ngành đào tạo hệ đại học ở cơ sở chính, 118 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo đại học ở Phân hiệu tại Ninh Thuận và 90 chỉ tiêu cho 3 ngành đào tạo ở Phân hiệu tại Gia Lai. Trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đến ngày 10/10.
Học viện Cán bộ Tp.Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung 151 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo bằng 2 phương thức xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt bổ sung từ 3-7/10.
Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục dành hơn 500 chỉ tiêu xét tuyển đợt bổ sung vào các ngành. Thí sinh có nguyện vọng học tại trường đăng ký xét tuyển từ ngày 3-8/10…
Trường Đại học Giao thông vận tải Tp.Hồ Chí Minh thông báo tuyển sinh bổ sung 500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 9 chuyên ngành thuộc 5 ngành (chương trình chất lượng cao). Ở đợt xét tuyển bổ sung này, nhà trường thực hiện 2 phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ. Tân sinh viên trúng tuyển vào trường ở đợt xét bổ sung sẽ nhập học muộn hơn nhưng vẫn học chung với thí sinh trúng tuyển đợt 1. Trường Đại học Giao thông vận tải Tp.Hồ Chí Minh cũng là một trong những trường đầu tiên không tăng học phí trong năm học này nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh và sinh viên.
Tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh cho hay tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học của trường gần 98%. Năm trước là 101%.
Trường Đại học Thủy lợi: TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, cho biết, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào trường đã xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT đạt khoảng 93%, cao hơn so với những năm trước. Những năm trước, tỷ lệ này của trường thường dao động khoảng 85-91%.
Kỳ tuyển sinh đại học 2022, toàn hệ thống hơn 300 cơ sở đào tạo, 18.000 mã xét tuyển (theo ngành đào tạo và phương thức tuyển sinh), hơn 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển và 3,1 triệu nguyện vọng, nhiều thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian. Vì vậy, việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, các vấn đề sai sót đã được khắc phục kịp thời, không ảnh hưởng tới quy trình, kết quả xét tuyển. Đến nay, hầu hết các trường hợp thí sinh có sai sót đã được giải quyết. Số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý, bảo đảm đầy đủ quyền lợi chính đáng của thí sinh.
Những lưu ý xét tuyển bổ sung
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định. Trước ngày 31/12, cơ sở đào tạo báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2022 về Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT).
Nhiều chuyên gia khuyên thí sinh dự định nộp vào trường nào cần đến tận nơi tìm hiểu hoặc vào website của trường để tra cứu thông tin.
Khi xét tuyển bổ sung, thí sinh sẽ không còn nhiều lựa chọn những ngành, những trường như xét tuyển đợt 1 bởi chỉ có ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường mới công bố xét tuyển bổ sung.
Trước đó trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Làm gì nếu không trúng tuyển đợt 1" được Báo Thanh Niên tổ chức vừa qua, ThS Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, tư vấn, thí sinh nên chú ý khoảng cách an toàn là 3 điểm.
Theo đó, các em nên tìm hiểu, đối sánh với điểm trúng tuyển vào ngành đó của đợt 1 và điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học bạ để tiến hành lựa chọn tùy theo phương thức xét tuyển. Thí sinh cũng nên đăng ký vào ngành mong muốn nhất và ngành gần với ngành đó.
Các em cần vào trang web của các trường để theo dõi từng ngày, từng giờ, bởi thông tin càng về cuối càng được cập nhật.
Trúc Chi (theo Người Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, TTXVN)