Bác sĩ Phan Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết, số lượng bệnh nhân cấp cứu chuyển từ các bệnh viện tuyến dưới và các tỉnh lân cận tới bệnh viện Chợ Rẫy gia tăng đột ngột và hầu hết đều là những trường hợp chấn thương nặng, nguy cơ tử vong cao…
Trước tình hình hình đó, ban giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chỉ đạo phải chuẩn hóa hơn quy trình cấp cứu để có thể phối hợp với các khoa cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân, cố giành lại sự sống cho bệnh nhân từng giây từng phút.
Cũng theo bác sĩ Phan Thanh Việt, năm 2016, bệnh viện Chợ Rẫy có 15 ca cấp cứu phải thực hiện quy trình "báo động đỏ" (cấp cứu khẩn cấp, có sự can thiệp, hỗ trợ từ các chuyên khoa khác –PV). Hai tháng đầu năm 2017, bệnh viện có 8 ca cấp cứu theo quy trình "báo động đỏ".
Sự phối hợp nhuần nhuyễn trong quá trình cấp cứu bằng "báo động đỏ" đã giúp hạn chế tối đa số bệnh nhân tử vong. Cụ thể, năm 2016 cấp cứu thành công 10/15 trường hợp nguy kịch, hai tháng đầu năm 2017 cấp cứu thành công 7/8 trường hợp.
Đặc biệt, nhờ quy trình cấp cứu "báo động đỏ", đêm giao thừa năm 2017, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân người nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam. Đó là bệnh nhân nam, 70 tuổi, quốc tịch Nhật Bản. Lúc vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực.
Bệnh nhân được chuyển đến một phòng khám dịch vụ chất lượng tại một bệnh viện quốc tế trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, tình hình nguy kịch, nên nhờ quy trình "báo động đỏ", bệnh viện Chợ Rẫy nhận thông tin bệnh nhân. Sau khoảng một giờ làm thủ tục hành chính, bệnh nhân lên phòng mổ. Trước khi mổ, diễn tiến bệnh nhân trở nặng, nguy cơ tử vong cao vì bệnh nhân bị bóc tách động mạch chủ. Sau 6 ngày, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và sau đó xuất viện xin về theo dõi.
Bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện nay, mỗi ngày, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 350 bệnh nhân chuyển đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, chủ yếu ngực, bụng, tứ chi. Các bác sĩ giải quyết được 2/3 trường hợp, còn 10% bệnh nhân phải chuyển mổ cấp cứu. Những trường hợp bệnh nhân nặng, vừa hồi sức vừa mổ, các bác sĩ tranh thủ thời gian này để cứu bệnh nhân, dành lại tối đa sự sống cho bệnh nhân.
Những trường hợp chuyển đến trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ tử vong cao như mạch huyết áp bằng 0, bệnh nhân hôn mê sâu nên các khoa phối hợp với nhau để giải quyết. Hiện nay, điều kiện phòng mổ trang bị hiện đại, bệnh nhân nguy kịch có thể được mổ ngay tại khoa Cấp cứu sau khi áp dụng quy trình cấp cứu "báo động đỏ”.
Lành Nguyễn