Mâu thuẫn nhỏ hậu quả lớn
Thời quan qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra không ít vụ việc liên quan đến bạo lực học đường (BLHĐ), điều đáng nói nguyên nhân dẫn đến những vụ việc này đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ. Thế nhưng, hậu quả mà bạo lực học đường mang lại là vô cùng lớn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ cũng như tinh thần mà các nạn nhân trong mỗi vụ bạo lực học đường phải gánh chịu.
Cụ thể, vụ việc xảy ra gần đây nhất vào sáng ngày 4/4/2023, trong giờ ra chơi, do mâu thuẫn việc xả rác, em H.V.G.B., học sinh lớp 6, trường THCS L. T. T., phường Phú Hậu, Tp.Huế và bạn cùng lớp đã xảy ra xô xát.
Trong quá trình vật lộn, đầu của em B. không may đập xuống đất dẫn đến bị thương. Ngay sau đó, dù được các thầy cô nhanh chóng đưa đi cấp cứu, tuy nhiên, em B. đã không qua khỏi.
Tương tự vụ việc trên, trước đó, vào ngày 15/2/2022, sau khi cùng đi vệ sinh tại nhà vệ sinh của trường THCS Phong An, huyện Phong Điền em C. (học sinh lớp 7) đã xảy ra xô xát với em H. (học lớp 6) cùng trường. Ngay sau đó, nam sinh T.C.Y. học cùng lớp với em C. phát hiện được sự việc, liền chạy đến để bênh vực bạn mình.
Tại thời điểm trên, trong lúc xảy ra xô xát, nam sinh Y. mang dao rọc giấy ra để dọa em H., lúc này dao từ tay em Y. bất ngờ đâm vào vùng bụng của em H.. Phát hiện vụ việc, các cán bộ của trường THCS Phong An đã nhanh chóng đưa em H. đến bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 để cấp cứu, nhưng em H. đã tử vong do mất nhiều máu.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các phòng ban liên quan khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống ngăn chặn bạo lực học đường.
Nhiều biện pháp phòng, chống BLHĐ được triển khai
Ngay sau khi nắm được văn bản chỉ đạo từ lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng như văn bản chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT Tp.Huế.
Cô Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, Tp.Huế cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bạo lực học đường. Trong đó, nhà trường chú trọng đến các hoạt động ngoại khoá mang tính tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về những kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường cũng như tác hại mà bạo lực học đường gây ra.
Theo cô Giang, phòng, chống bạo lực học đường là một vấn đề mà nhà trường luôn quan tâm đến, đây là vấn đề luôn nằm trong kế hoạch của nhà trường. Chính vì vậy, việc giáo dục phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh được nhà trường thường xuyên triển khai và triển khai liên tục. Hầu hết tại các buổi chào cờ hay các giờ sinh hoạt các thầy cô giáo phụ trách điều nhắc nhở các em học sinh về vấn đề này.
"Từ đầu năm học nhà trường đã phối hợp cùng Hội bảo vệ trẻ em của tỉnh tổ chức chương trình phòng, chống bạo lực học đường với hoạt động mang tên "phiên toà giả định". Tại hoạt động này, các em học sinh sẽ được trực tiếp trải nghiệm một phiên toà xét xử về hành vi bạo lực học đường để các em hiểu được hậu quả, tác hại mà bạo lực học đường gây ra", cô Giang nói.
Cô Giang thông tin thêm, tại đơn vị, nhà trường cũng đã giao cho cô Ngô Quang Bảo Ngọc, Phó hiệu trưởng trực tiếp tổ chức các hoạt động tuyền truyền, giáo dục các kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường cho các em học sinh. Cụ thể, vừa qua cô Ngọc đã tổ chức hoạt động cho các em học sinh tất cả các khối trong trường tham gia cuộc thi "sáng tạo video về phòng, chống bạo lực học đường", qua đó những sản phẩm video được nhà trường chấm điểm cao sẽ được trao giải, đồng thời chia sẻ lên Fanpage của trường để tuyên truyền rộng hơn.
Cũng theo cô Giang, ngăn chặn và phòng, chống nạn bạo lực học đường hiệu quả cần có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ. Trong đó có sự phối hợp giữa nhà trường cùng phụ huynh học sinh và cả chính quyền địa phương.
Trong khi đó, trò chuyện với Người Đưa Tin, cô Nguyễn Thị Diệu Trang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, Tp.Huế chia sẻ, về vấn đề phòng, chống bạo lực học đường, nhà trường đã triển khai rất nhiều giải pháp. Cụ thể, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động cho học sinh hướng đến các hoạt động thiện nguyện, hoạt động tập thể và định hướng trong công tác giảng dạy đây là những hoạt động diễn ra xuyên suốt trong cả năm học. Trong đó, các hoạt động thiện nguyện nhà trường giáo dục cho các em tinh thần tương thân tương ái, nhân ái và hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ. Từ lòng nhân ái đó các em sẽ biết cảm thông với bạn bè xung quanh, với cộng đồng đó là biện pháp giảm thiểu, ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra.
"Bên cạnh đó, từ các hoạt động tập thể khi các em cùng tham gia với các bạn sẽ tạo ra mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa bạn này với bạn khác, giữa lớp này với lớp khác. Đồng thời, nhà trường còn tổ chức thêm các hoạt động về giao lưu thể thao, hoạt động văn thế mỹ để từ đó các em có hướng mở hơn về thế giới xung quanh", cô Trang phân tích.
Theo Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, nhà trường còn định hướng cho giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm ngoài việc dạy bộ môn cho các em, các thầy cô giáo còn có nhiệm vụ giáo dục thêm cho các em về phòng, chống bạo lực học đường, giáo dục cho các em phải biết yêu thương bạn bè, thầy cô, gia đình và rộng hơn là yêu thương cộng đồng. "Để phòng, chống bạo lực học đường cần có sự phối hợp với gia đình, nhà trường và xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy cô giáo chủ nhiệm và phụ huynh; đồng thời có sự phối hợp hỗ trợ giữa lực lượng công an cùng chính quyền địa phương. Đặc biệt, tại trường THCS Nguyễn Tri Phương, nhà trường đã thành lập "phòng tư vấn học đường" để giúp các em học sinh có nơi để chia sẻ và là nơi lắng nghe sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ các em xử lý các vấn đề mà các em cần được giải đáp", cô Trang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương, cô Cao Thị Hồng Lam, Phó hiệu trưởng trường THCS Hùng Vương, Tp.Huế cho rằng, để kịp thời ngăn chặn, phòng, chống bạo lực học đường có hiệu quả; trước hết cần có sự quan tâm, phối hợp tốt giữa nhà trường và phụ huynh học sinh cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh cùng các cơ quan ban ngành.
Cô Lam cho biết, từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch về công tác tuyên truyền pháp luật, phòng, chống bạo lực học đường cũng như vấn đề an toàn giao thông cho các em học sinh trong trường.
"Thông qua các buổi chào cờ, giờ sinh hoạt và các buổi ngoại khoá nhà trường thường xuyên nhắc nhở, tuyền truyền giáo dục cho các em học sinh nắm bắt những kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cũng như tác hại mà bạo lực học đường mang lại. Tại các buổi ngoại khoá về phòng, chống bạo lực học đường, nhà trường sẽ đưa ra các tình huống để các em học sinh xử lý, trong đó, các phần xử lý hay và thuyết phục sẽ được các em học sinh khác dơ tay để bình chọn; qua đó phần xử lý tình huống nào được bình chọn nhiều nhất sẽ được nhà trường tặng quà để khích lệ các em", cô Lam nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế cho biết, bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ở lứa tuổi học sinh THCS đây là độ tuổi dậy thì chưa ổn định, dễ nổi nóng, dễ bị tác động, lôi kéo; chỉ cần một lý do đơn giản nào đó thì sẽ dễ kích động dễ tấn công dẫn đến bốc đồng và phản kháng.
TS. Hùng phân tích, ngoài vấn đề phát triển tâm sinh lý không ổn định, các em còn thiếu quá nhiều kỹ năng về phòng chống bạo lực học đường, các em học sinh chưa biết cách kiểm soát cảm xúc của mình, kỹ năng về giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giao tiếp văn hóa. Chính vì vậy, khi bị tấn công, các em không biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác mà các em lại phản kháng vì vậy tình trạng bạo lực học đường xảy ra.
"Để giải quyết được vấn đề này không phải ngày một ngày hai cũng không phải chỉ về phía nhà trường mà cần có sự quan tâm của gia đình. Bởi lẽ, khi bố mẹ quan tâm, các em sẽ cảm thấy hạnh phúc thì tất nhiên cảm xúc của các em cũng sẽ giảm căng thẳng và giảm bớt tình trạng bạo lực học đường. Ngoài ra, nhà trường cần nhận thấy rõ vai trò để giúp các em quản lý được hành vi chuẩn mực đạo đức của mình, bên cạnh đó, nhà trường cần chỉ rõ cho các em thấy hậu quả đối với người gây ra bạo lực học đường", TS. Hùng nhấn mạnh.