Tại Lai Châu, khu vực xã Giang Ma, huyện Tam Đường từ đêm qua đến sáng qua, tiếp tục có mưa to. Đất bùn nhão kèm theo đá liên tục sạt xuống khiến cho công tác khắc phục sạt lở trên quốc lộ 4D, tuyến huyết mạch từ Lai Châu đi Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Nội hết sức khó khăn.
Dù trời mưa rất to, nhưng hơn 5h sáng nay, Sở GTVT tỉnh Lai Châu đã huy động 10 máy xúc, máy ủi công xuất lớn để gạt đất đá. Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng cầu đường 3- đơn vị được giao nhiệm vụ thi công khắc phục sạt lở trên tuyến đã chọn giải pháp làm đường tạm để đảm bảo giao thông bước 1.
Đơn vị thi công san gạt ủi đất gặp khó khăn do đất nhão, địa hình hẹp
Mưa to, nước ngầm trong lòng đồi khu vực này tiếp tục trào ra, việc thi công rất khó khăn, bởi phía ta luy âm vướng nhà dân và nương rẫy của bà con không thể gạt đất đá xuống.
Ông Đặng Trấn Quốc, giám đốc Công ty cổ phần quản lý và xây dựng cầu đường 3 tỉnh Lai Châu cho biết: "Do vướng nhà dân nên chúng tôi không thể điều phối ngang được, do đó phải tìm biện pháp để thông tuyến. Sau đó sẽ tiếp tục hót đất đi nơi khác. Hiện chúng tôi đang cố gắng huy động toàn bộ lực lượng làm ngày làm đêm trên công trường. Địa chất lún nên máy ủi chưa thể lên được, chúng tôi đang cho máy xúc mở đường cho các máy lên để khẩn trương thi công phía trên".
Sáng nay, các phương tiện từ thị xã Lai Châu đi Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội đã di chuyển theo đường tránh từ San Thàng qua Đông Pao và về Bình Lư. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người ở gần khu vực sạt lở chọn giải pháp vượt qua bằng cách đi bộ hoặc khênh xe máy, mặc dù biết là nguy hiểm.
Tại Điện Biên, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Điện Biên, cho đến thời điểm này đã có trên 40 nhà dân bị ngập khoảng 1m nước, trong đó 30 nhà ở xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo; 3 nhà dân ở Tuần Giáo bị sập và bị trôi; 4 xe máy của người dân thị trấn Tuần Giáo bị cuốn trôi; gần 100 héc ta lúa bị mắt trắng; trên 60 héc ta lúa bị ngập úng; trên 100 héc ta ao bị ngập; 2 cột điện bị đổ gẫy; trên 100 m3 đất đá sạt lở vào hệ thống kênh mương dọc đường tỉnh lộ 142. Ước tính thiệt hại trên 2 tỷ đồng.
Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các huyện, thị xã phối hợp với các xã, thị trấn huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ các gia đình bị sập dựng lại nhà; giúp các gia đình bị ngập úng vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Về việc hỗ trợ đối với các nhà bị sập, bị cuốn trôi và các diện tích lúa, ao cá bị thiệt hại thì các huyện, thị xã cân đối nguồn dự phòng của địa phương để hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.
Tại Hà Giang, từ đêm qua đến sáng nay (3/7), tại huyện Mèo Vạc, có mưa to kéo dài đã làm nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Sáng nay, tuyến đường từ các xã Nậm Ban và Tát Ngà đi trung tâm huyện Mèo Vạc gần như bị tê liệt do nhiều đoạn đường bị sạt lở. Tại xã Nậm Ban, mưa lớn đã làm sạt lở đất, đá đổ vào một số nhà dân và cuốn trôi nhiều diện tích mạ vừa cấy.
UBND xã Nậm Ban đã huy động lực lượng dân quân, đoàn thành niên tổ chức ứng trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở và cùng với người dân vận chuyển đất đá để thông tuyến đường trong thời gian sớm nhất…
Ông Nguyễn Quốc Huy, chủ tịch UBND xã Nậm Ban cho biết: Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão xã cử các cán bộ tới thôn bản để hướng dẫn cho bà con khắc phục. Đặc biệt là các tuyến đường bị sạt lở, xã đã huy động các nhân lực lao động tại chỗ dùng các phương tiện thô sơ như cày, quốc, xẻng để xúc hót bùn, đất, đá để xe máy có thể đi lại được. Tuy nhiên, do khối lượng sạt lở đất đá xuống rất lớn, nếu trời tiếp tục mưa to thì mọi việc sẽ rất khó khăn.
Theo Vov.vn