Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
Dự thảo Nghị định này quy định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, thông qua chuyển đổi, thành lập, mở rộng, phát triển mới các dự án tổ hợp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu sản xuất chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung sang ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tích hợp các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển, hỗ trợ chuyển đổi mô hình và quản lý nhà nước đối với dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đối tượng áp dụng gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết, hợp tác kinh doanh trong các dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, thành lập, phát triển mới, chuyển đổi các dự án ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm
Theo dự thảo, mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm nhằm tạo môi trường thử nghiệm cho chuyển đổi, phát triển, vận hành thành công các dự án tham gia cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện việc làm, thu nhập cho người lao động trong quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh.
Đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận, thử nghiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, các giải pháp chuyển đổi số, công nghệ mới hiện đại, có tính đột phá, thích ứng với các xu hướng lớn trên toàn cầu, thân thiện với chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bền vững, tích hợp linh hoạt giữa các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng trên nền tảng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, hiệu quả kinh tế bền vững.
Quá trình xét duyệt tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm đảm bảo tính minh bạch về tiêu chí, quy trình đánh giá, lựa chọn.
Điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm
Dự thảo nêu rõ 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp; Năng lượng tái tạo; Vật liệu xây dựng.
Tổ chức được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi đáp ứng đồng thời các điều kiện và tiêu chí như sau:
Điều kiện: Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành; Có năng lực tài chính hoặc kế hoạch tiếp cận tài chính rõ ràng, khả thi; không có nợ xấu, vi phạm nghiêm trọng về thuế hoặc công bố thông tin theo quy định của pháp luật; Có dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể hoặc đề xuất dự án kinh tế tuần hoàn cụ thể thuộc 4 lĩnh vực quy định ở trên.
Các tiêu chí gồm dự án kinh tế tuần hoàn có kế hoạch khả thi và có tiềm năng phát huy tác động tích cực cả về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó tác động về kinh tế là chủ đạo, thể hiện qua lợi nhuận của doanh nghiệp, năng suất lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động.
Dự án kinh tế tuần hoàn chủ yếu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.
Dự án kinh tế tuần hoàn dựa đáng kể trên nền tảng tiếp cận, ứng dụng và làm chủ các thành tựu của Cách mạnh Công nghiệp 4.0; trường hợp nhập khẩu và sử dụng các công nghệ của các nước phát triển thì phải có kế hoạch rõ ràng và khả thi về chuyển giao công nghệ, làm chủ và tiến tới phát triển công nghệ ở Việt Nam.
Hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ
Dự thảo nêu rõ về chính sách tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ. Theo đó, dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm được nhà nước, chính quyền địa phương tư vấn giới thiệu công nghệ, hỗ trợ 50% chi phí chuyên gia tư vấn công nghệ.
Đối với các dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được nhận chuyển giao công nghệ được nhà nước miễn thuế nhập khẩu, chuyển giao trang thiết bị công nghệ phục vụ dự án tham gia cơ chế thử nghiệm, ưu tiên thông quan hàng hóa.
Đồng thời, nhà nước hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn.
Chính sách tín dụng xanh, trái phiếu xanh
Về chính sách tín dụng xanh, dự thảo đề xuất: Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được cấp giấy chứng nhận đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm được tiếp cận, huy động, vay vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh chính phủ đối với các khoản tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ đầu tư phát triển tỉnh, các quỹ an sinh xã hội, quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức, định chế tài chính.
Về chính sách trái phiếu xanh: Dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm được cấp Giấy chứng nhận đăng kí tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép hợp tác với các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện, được phép phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật về trái phiếu, được hợp tác với quỹ đầu tư phát triển cấp tỉnh để phát hành trái phiếu xanh chính quyền địa phương, được phép liên kết đối tác trong nước, quốc tế xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch trái phiếu xanh.
Mỗi tỉnh, thành phố không được có quá 05 tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được phát hành trái phiếu xanh và chỉ có duy nhất 01 đơn vị được cho phép hợp tác liên kết với quỹ đầu tư phát triển địa phương thử nghiệm vận hành hoạt động sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện. Thời hạn trái phiếu xanh, thời gian vận hành thử nghiệm hoạt động sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ cacbon tự nguyện không vượt quá thời hạn dự án đăng kí tham gia cơ chế thử nghiệm, trừ trường hợp có các quy định mới khác ở cấp Luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Hỗ trợ 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp
Về chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, dự thảo nêu rõ, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí cho một khóa quản trị doanh nghiệp cho Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề, chi phí chuyển đổi nghề nghiệp nhưng không vượt quá 03 tháng lương cơ sở cho mỗi người lao động tại khu vực triển khai dự án kinh tế tuần hoàn tham gia cơ chế thử nghiệm. Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm lập danh sách lao động cần được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp gửi đơn vị có thẩm quyền cấp thu hồi giấy chứng nhận đăng kí tham gia cơ chế thử nghiệm phê duyệt.
Nhà nước, chính quyền địa phương thực hiện đảm bảo, kết nối các đơn vị cung ứng lao động, trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học với tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm và các hoạt động hỗ trợ khác theo quy định bảo đảm nguồn lao động đúng chất lượng, đủ số lượng yêu cầu cho thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn.
Chính sách đất đai
Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép sử dụng đất mục đích hỗn hợp, tích hợp đa năng bao gồm cả phần mái, mặt nước, hàng rào xung quanh bên trong ranh giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm được phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đối với phần đất trong ranh giới, chỉ giới quy hoạch dự án kinh tế tuần hoàn đã được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.
Chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng mặt bằng sạch có sẵn, chịu trách nhiệm giải phóng sạch mặt bằng trong trường hợp nhà đầu tư ứng tiền giải phóng mặt bằng khu đất tại địa phương có vị trí, địa hình, đặc điểm phù hợp với quy mô dự án kinh tế tuần hoàn được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm dự kiến để triển khai xây dựng dự án.
Tuệ Minh