Tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên mới được đăng ký thường trú
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm khi Luật thủ đô ra đời và chính thức có hiệu lực ngày 1/7 chính là việc nhập cư vào thủ đô.
Luật Thủ đô cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành...
Với những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.
Trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính thuộc về người có thẩm quyền xử phạt
Luật xử phạt vi phạm hành chính sẽ chính thức thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngoài việc bổ sung thêm các quy định biện pháp, trình tự, thử tục xử phạt vi phạm hành chính. Luật xử phạt hành chính còn ghi nhận một nguyên tắc rất quan trọng: Trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính thuộc về người có thẩm quyền xử phạt.
Theo đó người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Ảnh minh họa
Trước đây khi nguyên tắc này chưa được ghi nhận trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, có nhiều trường hợp người có thẩm quyền xử phạt lại bắt người vi phạm chứng minh rằng mình không vi phạm để không bị phạt. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của hệ thống pháp luật công.
Công chức viên chức không được hành nghề luật sư
Nhằm nâng cao chất lượng luật sư, từng bước đảm bảo mặt bằng chung, cân đối chương trình đào tạo với các chức danh tư pháp: Thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Vì vậy thời gian đào tạo nghề luật sư nâng lên 12 tháng.
Người tập sự hành nghề luật sư: “không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật”.
Điều đáng nói, Luật luật sư sửa đổi không quy định cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư: nhằm không làm phân tán nguồn lực và không phát sinh xung đột về lợi ích khi luật sư là giảng viên tham gia tố tụng; tránh việc phân tán thời gian nghiên cứu, và đảm bảo chất lượng hành nghề (vì thời gian tham gia tố tụng được tiền hành trong giờ làm việc); đảm bảo nhiệm vụ của giảng viên với vai trò là đội ngũ có trình độ cao đào tạo nguồn lực cho hệ thống tư pháp và toàn xã hội.
Thu nhập từ 9 triệu trở lên mới phải đóng thuế TNCN
Cá nhân có thu nhập hàng tháng trên 9 triệu mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân, bên cạnh đó mức giảm trừ gia cảnh cũng sẽ tăng lên 3,6triệu/người. Đây là quy định mới tại Luật thuế TNCN sửa đồi 2012
Bên cạnh đó các khoản trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội và các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công; tiền lương hưu do Quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng sẽ được miễn thuế TNCN.
Giang Quyết