TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế quý III/2017 đạt 7,46% so với cùng kỳ năm trước - cao nhất trong vòng 7 năm qua là cao bất thường.
Con số trên cao hơn nhiều so với quý II/2017 (6,17%) cũng như cùng kỳ các năm trước (2015: 6,87%, 2016: 6,56%).
Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng kinh tế đạt 6,41%, so với mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra năm nay là 6,7%.
Tuy nhiên nhìn sâu hơn, đằng sau con số tăng trưởng GDP cao đột biến kể trên còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Về tốc độ tăng trưởng khu vực doanh nghiệp trong nước - cái lõi của tăng trưởng, tốc độ lạm phát có khuynh hướng tăng, cán cân thương mại tạm cân bằng nhờ khu vực FDI xuất siêu...
Nhìn về tổng thể, khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều được cải thiện mạnh trong vòng 9 tháng đầu năm 2017, ngành khai khoáng tiếp tục thu hẹp theo đúng chủ trương của Chính phủ và Nhà nước.
Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành cho rằng, các biện pháp và chỉ thị này mới chỉ mang tính ngắn hạn, vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất của nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về tốc độ tăng trưởng nhảy vọt trong quý III vừa qua. "Bên cạnh đó, chúng ta vẫn cần bình tĩnh phân tích toàn cảnh nền kinh tế thời gian qua", TS. Doanh nói.
Ông Doanh đánh giá cao những nét phác hoạ của Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2017 do VEPR thực hiện, tuy nhiên vẫn cần có một mốc để tập hợp tình hình thực hiện các chính sách của Chính phủ về thực hiện đầu tư công, cổ phần hoá còn chậm.
Đặc biệt về tình hình ngân sách chưa đề cập đến Nghị quyết của bộ Chính trị ban hành đầu năm 2016 về giảm chi tiêu thường xuyên. Bộ Tài chính hiện vẫn đang tập trung vào tăng thu như tăng thuế VAT, tăng mức thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít xăng...
"Nếu xem xét cả những yếu tố kể trên thì bức tranh nền kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ đầy đủ hơn", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với các chuyên gia tham luận tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội kỳ vọng nhìn vào mức tăng trưởng GDP đạt 7,46% trong quý III vừa qua, Chính phủ có thế bớt gánh nặng về mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.