Nhiều vấn đề trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

Nhiều vấn đề trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

Thứ 2, 01/04/2013 17:05

Sau vụ cưỡng chế thu hồi đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) còn nảy sinh một vấn đề gay cấn nữa.

Trong thời gian sắp tới sẽ có hàng loạt trang trại khác trong cả nước cũng hết thời hạn giao đất 20 năm, phải thu hồi… liệu có tránh được sai sót như ở Tiên Lãng?

Theo SGGP, chiều 31/1, ông Phạm Anh Tuấn - tổng cục trưởng tổng cục Thủy sản khẳng định, để làm rõ đúng sai đối với vụ việc ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến quy trình giao đất, thu hồi đất, đền bù thiệt hại… thì trách nhiệm chính thuộc Bộ TN-MT, còn Bộ NN-PTNT chỉ tham gia trong các lĩnh vực có liên quan đến kỹ thuật nuôi trồng, tài sản là nông sản, vật nuôi... nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng khẳng định diện tích đầm bãi mà gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã có công khai hoang, sử dụng nhiều năm nay là đất nông nghiệp chứ không phải đất bãi bồi, đất lưu không như chính quyền huyện Tiên Lãng đưa ra. Bởi theo quy định thì đất giao cho người dân khai hoang, đưa vào sản xuất ở 4 lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nghề muối thì đó là đất nông nghiệp và việc thu hồi phải tuân thủ theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Theo TS Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Hệ thống nông nghiệp thuộc viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thì sau vụ việc ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), điều đáng lo ngại là trong thời gian sắp tới, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hàng triệu chủ trang trại trong cả nước theo Luật Đất đai năm 1993 sẽ đồng loạt hết hiệu lực, vậy sẽ xử lý như thế nào để tránh xảy ra những chuyện “nhạy cảm” như ở Tiên Lãng?

Cụ thể là từ ngày 15/10/2013, sẽ có hàng loạt trường hợp đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi do hết thời hạn giao đất. Điều này cũng khiến các chủ trang trại hoang mang, lo lắng bởi họ không biết sau khi thu hồi vì hết hiệu lực giao đất thì có tiếp tục được giao đất để sản xuất nữa không, tài sản đã đầu tư có được đền bù.

Pháp luật - Nhiều vấn đề trong vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

Người dân cho hay căn nhà hai tầng của anh Quý đã bị chiếc máy xúc san phẳng nên giờ chỉ còn đống đổ nát. Ảnh: Huy Hoàng (PL TP.HCM)

Giám đốc trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, mặc dù Luật Đất đai đã quy định rõ, khi hết thời hạn giao đất, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng và đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai thì vẫn được Nhà nước tiếp tục giao đất đó để sử dụng và sản xuất.

Dẫu vậy, các quy định của chúng ta vẫn còn khá mù mờ và chồng chéo. Lợi dụng quy định luật cho phép thu hồi đất vì các lợi ích quốc gia, mục tiêu an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế nên chính quyền nhiều nơi đã “vin” vào đó để ra quyết định thu hồi hàng loạt khu đất cho các dự án kinh tế, bất chấp cả những việc “nhạy cảm”.

TS Lê Đức Thịnh cho rằng, rõ ràng là theo quy định, sau khi hết hạn giao đất 20 năm, các địa phương vẫn phải tiếp tục bàn giao cho chủ trang trại nếu họ vẫn có nhu cầu sử dụng. Còn nếu họ không có nhu cầu, trả lại thì địa phương mới được lấy lại đất. Không thể có chuyện, người dân vẫn có nhu cầu mà lại thu hồi đất của họ, để giao cho người khác. Trường hợp địa phương muốn cắt hợp đồng của các hộ dân đã được giao đất thì phải tính toán như một hợp đồng giao đất và phải bồi thường những tài sản trên đất của họ.

Song để giúp người dân yên tâm hơn, cần phải có một tuyên bố chính thức của các cơ quan chức năng, để tránh tình trạng các chủ trang trại thi nhau chuyển nhượng, mua bán trao tay đất cho người khác khi thời hạn giao đất sắp kết thúc, vì không chắc rằng, sau năm 2013 có được giao đất để sản xuất tiếp nữa không.

Do đó, cần phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp và nên hoàn thành sớm trước ngày 15/10/2013. Trong đó, nên hướng tới việc giao đất với thời hạn lâu dài, ổn định cho chủ trang trại hoặc ít nhất là 50 năm để giúp nông dân an tâm đầu tư, phát triển sản xuất cũng như tránh các hậu quả bất ổn về mặt kinh tế - xã hội có thể xảy ra như vụ việc ở Tiên Lãng.

Trước vụ việc cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng cũng cho biết, hiện nay nhiều người dân, chủ trang trại sắp hết hạn giao đất mà chưa có hướng dẫn nên người dân rất băn khoăn, không biết có còn được giao đất lại hay không.

Trong khi đó các địa phương lại tự tiến hành thu hồi theo cách riêng của địa phương, dẫn đến sự việc đáng tiếc như ở Tiên Lãng vừa qua. Ông cho rằng, địa phương nào tự ý thu hồi đất, khi chưa có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sai.

Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT chuẩn bị tờ trình trình Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 1993 trong năm 2013. Sau khi có luật, mọi vấn đề sẽ được sáng tỏ. Người dân có thể yên tâm, vì theo dự thảo, ý kiến của các chuyên gia đề xuất thì thời hạn giao đất có thể từ 50 - 90 năm chứ không chỉ là 20 năm như hiện nay.

Theo Pháp Luật TP.HCM, trưa 1/2, hiện trường khu đầm của gia đình ông Vươn tan hoang. Tất cả cửa cống đều bị mở toang, các ô đầm bị tháo cạn nước. Nơi vốn là căn nhà hai tầng của ông Quý giờ ngổn ngang gạch vữa và căn lều bạt vợ ông Vươn dựng tạm. Bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) tố cáo thủy sản trong đầm đã bị đánh bắt. Bà Thương cho biết phần lớn thủy sản trị giá hàng tỷ đồng đã bị “bốc hơi” sau cuộc cưỡng chế.

Theo người dân, một số hộ buôn bán tôm cá trên địa bàn đã tới mua tôm cá tại đầm ông Vươn từ những người tiếp quản khu đầm.

Sau vụ cưỡng chế, ngoài công an xã còn có một số tay giang hồ là đàn em của một chủ đầm tên Kết. Tuy nhiên, khi trao đổi việc này, Thượng tá Lê Văn Mải, Trưởng Công an huyện Tiên Lãng, cho biết: Không biết vì không thấy xã báo cáo. Tiên Lãng là địa bàn bình yên, không có giang hồ. An ninh trật tự ở khu đầm sau khi cưỡng chế cơ bản là tốt!

Theo anh N. (ngụ thôn Chùa Trên, xã Vinh Quang), anh và nhiều người dân đã chứng kiến việc phá sập nhà trong đầm. Ngay trong tối 5/1, sau khi cưỡng chế khu đầm, căn nhà thì trong đêm 5/1 các ô đầm của ông Vươn đã bị tháo hết nước và đánh bắt thủy sản. “Từ hôm đó họ có cho người dân nào tới khu đầm đâu, chúng tôi ra ngoài bãi phải đi vòng lối khác nên không rõ họ đánh bắt kiểu gì” - anh N. nói.

Theo anh N., sáng 6/1, căn nhà hai tầng của ông Quý mới bị phá. “Lúc đó khoảng 7h sáng thấy trong khu đầm anh Vươn có tới mấy chục người gồm cả công an, dân quân xã. Sau đó chiếc máy xúc chạy từ trên đê vào khu đầm anh Vươn.

Khoảng 7h30, chiếc máy xúc bắt đầu làm công việc đập phá căn nhà hai tầng của anh Quý. Sau khi kết thúc công việc, chiếc máy xúc lại được đưa lên đường đê rồi đi về hướng xã Tiên Hưng. Chung quanh khu vực không mấy ai có máy xúc, chỉ có chủ đầm Kết ở xã Tiên Hưng có một chiếc máy xúc có đặc điểm tương tự như chiếc máy xúc đã vào đầm phá căn nhà hai tầng của anh Quý sáng 6/1”.

Trước đó, phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại nói với báo chí rằng chưa rõ người dân hay chính quyền phá căn nhà hai tầng của ông Quý.

Theo Thanh Niên, Bà Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý: “Tôi nghe người mua cá tôm và bà con nói lại người của ông Kết đến tiếp quản khu đầm, đánh bắt hải sản...

Ông Kết hiện đang sở hữu một khu đầm, là người có máu mặt và có quan hệ rộng. Trước ngày UBND huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế khu đầm, một số tay chân của các đàn anh được coi là có máu mặt được mời về khu vực cưỡng chế. Những người này đều có quan hệ khá thân thiết với chủ đầm Kết".

Hồng Ngọc (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.