Viện Pasteur TP.HCM vừa công bố kết quả phân tích ba mẫu micro lấy từ hai cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke trên địa bàn thành phố. Kết quả phân tích phát hiện một mẫu micro nhiễm nấm men lên tới 41.000 con, hai mẫu còn lại phát hiện có khuẩn Staphylococcus aureus - dòng khuẩn độc tính.
Nhiều người sử dụng chung chiếc micro rất mất vệ sinh
Kinh hoàng cách vệ sinh phòng karaoke
Kinh doanh dịch vụ Karaoke là một trong các loại hình thu nhiều lợi nhuận nhất trong các loại hình kinh doanh dịch vụ giải trí. Với số vốn ban đầu bỏ ra để đầu tư phòng ốc và hệ thống âm thanh và thời gian hoạt động kéo dài nhiều năm thì chủ của những cơ sở này nhanh chóng thu hồi vốn. Ngoài tiền giờ khi có khách, lợi nhuận từ những khoản khác như đồ uống và thức ăn vặt kèm theo cũng rất lớn. Để tìm hiểu về vấn đề vệ sinh ở những quán karaoke này, PV Người đưa tin đã có một cuộc khảo sát những quán karaoke trên địa bàn TP. HCM
Tối ngày 18/6, chúng tôi tìm đến một quán Karaoke khá lớn nằm trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình). Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là màu sắc của những ánh đèn ở đây được trang bị khá đẹp và sang trọng. Đội ngũ nhân viên phục vụ nhiệt tình và phong cách rất hiện đại. Được nhân viên dẫn vào một phòng vừa có một nhóm khách ra, nhân viên dọn phòng cho biết, khách đêm nào cũng đông, đặc biệt vào những ngày cuối tuần nếu không đặt phòng trước thì phải chờ cả tiếng.
Khi nhóm khách vừa đi khỏi, nhìn qua cửa, chúng tôi không khỏi giật mình vì “bãi chiến trường” mà khách để lại. Dưới sàn nhà ngổn ngang vỏ lon bia và nước ngọt, trên tấm thảm để giữa phòng lốm đốm những vũng nước từ những lon bia thừa chảy xuống, rồi vỏ trái cây, tàn thuốc, bánh tráng trộn, bim bim thừa vung vãi sàn nhà. Chỉ sau 5 phút dọn dẹp, căn phòng lại sạch sẽ và còn có mùi thơm thoang thoảng từ chai nước xịt phòng. Tuy vậy, khi bước vào, chúng tôi vẫn còn ngửi thấy mùi khó chịu từ dư âm của “bãi chiến trường” lúc nãy. Lúc cầm micro lên, chúng tôi không khỏi giật mình vì ở phần đầu đen kịt những đất, và bốc mùi khó chịu, ở phần thân micro lại nhớp nháp vì qua tay nhiều người.
Chạy dọc con đường từ cầu Tham Lương - Ngã Tư An Sương (Q.12), chúng tôi quan sát được hàng loạt quán karaoke mọc san sát nhau với những logo quảng cáo đủ màu sắc mời chào. Sau một vài vòng, chúng tôi ghé vào quán karaoke trên đường Tô Ký (Q.12). Chưa kịp hỏi, một nam tiếp viên của quán nhanh nhảu nói: “May quá còn một phòng khách vừa mới ra”. Theo chân nhân viên này, chúng tôi được chỉ dẫn vào phòng số 16. Điều đầu tiên tôi cảm nhận được là có một mùi rất lạ với những đồ ăn, thức uống của ca trước còn sót lại được đọn dẹp một cách qua loa.
Biết chúng tôi tỏ vẻ không hài lòng, nam nhân viên cố xoa dịu: “Các anh thông cảm tại khách đông quá”, vừa nói anh ta vừa cầm hai chiếc micro nằm dưới sàn nhà nhầy nhụa nước để lên bàn và xin phép được dọn lại phòng. Nhìn hai chiếc micro, tôi không khỏi thất vọng bởi nó đã quá cũ, hai đầu micro được làm bằng sắt dạng lưới mỏng đã hoen rỉ, thậm chí ở phía cuối đuôi đường dây truyền điện đã bị đứt và cuốn lại sơ sài bằng bao nilon.
Lúc này cũng đã 11h khuya, trên đường về chúng tôi ghé vào một quán karaoke khác nằm ở đường Quang Trung (Q.Gò Vấp). Tuy đã khuya nhưng nhà để xe của quán vẫn chật cứng chỗ, loay hoay mãi nhân viên bảo vệ mới nhét được xe của chúng tôi vào. Chờ hơn 20 phút, một tốp khách ra chúng tôi mới vào được một phòng. Đang đứng trước cưảã phòng chờ dọn dẹp thì một vị khách vừa ra đã nôn ngay một góc của phòng. Những lon bia bừa bãi khắp nơi kèm theo là một mùi bia rượu nồng nặc. Hai nhân viên nhanh chóng được điều vào quét dọn. Để khắc phục bớt mùi lạ trong phòng, một nhân viên sau tích tắc ra ngoài cầm trên tay một chai gì đó xịt lia lịa dưới gầm bàn, ghế. Hai chiếc micro điện tử phần đầu được bọc bằng mút mềm đã ướt đẫm nằm lăn lóc dưới sàn. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác có biết bao nhiêu là lượt khách ra vào nơi đây, nhưng có ai dám đảm bảo rằng tất cả họ đều là những người khỏe mạnh khi những căn bệnh qua đường hô hấp lây lan và phát tác rất nhanh.
Phòng hát thành "bãi chiến trường"
Ổ bệnh cho người “mê” hát
Đi dọc theo đường Sư Vạn Hạnh (nối dài), đường Trần Thiện Chánh… (Q.10), có hàng chục quán karaoke, có nhiều quán hoạt động suốt đêm. Nhìn bên ngoài các quán Karaoke này khá quy mô, bên trong các quán này thường được phân thành hai loại phòng, khách hàng phải trả nhiều tiền hơn nếu vào phòng Vip, những phòng còn lại thường nhỏ và ẩm thấp hơn.
Anh Trần Thanh Báu (Q. 10) cho hay: “Tôi thích sự ồn ào và vui vẻ với bạn bè nên thường xuyên đi hát karaoke. Nhiều quán có phòng ốc tương đối rộng, nhưng cũng có không ít quán phòng chật hẹp, khi bước vào thường có mùi hôi đặc trưng. Có những hôm đi hát về, tôi thấy đau rát họng, vài ngày sau thì lở miệng và hơi thở có mùi hôi khó chịu… nhưng không biết vì sao”. Anh Báu cho biết thêm, các quán Karaoke chưa đáp ứng được nhu cầu của người đi hát, lượng khách ra vào liên tục cộng với việc phòng ốc không được dọn dẹp sạch sẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho lượng vi khuẩn nấm mốc có trong không khí là rất nhiều. Vì thế, khả năng gây bệnh đường hô hấp là không thể tránh khỏi đối với những người có sức đề kháng yếu hoặc những người say xỉn khi vào hát.
Anh Doãn Như B., nhân viên quán Karaoke trên đường Sư Vạn Hạnh cho biết: “Nhân viên quán thường chỉ lau dọn bàn ghế, phòng ốc sau mỗi đợt khách ra vào thôi, lượng khách đến vào các ngày lễ hoặc buổi tối thường rất đông. Do đó, việc vệ sinh thiết bị phục vụ karaoke ngay sau mỗi đợt khách tới hát là không thể. Việc vệ sinh micro chỉ được thực hiện khi micro rơi xuống sàn nhà hoặc để chung với thức ăn của khách và cũng chỉ lau sơ qua bên ngoài thôi”.
Khi được hỏi có hay không việc khách hàng phàn nàn micro có mùi hôi? Anh B. trả lời, có rất nhiều trường hợp micro rất hôi, với lượng khách hát nhiều, có những người khi hát thường ghé sát micro vào miệng, đặc biệt là những người say nên nước bọt bắn vào trong lớp đệm micro, rồi tích tụ lại trong đó… Việc vệ sinh lại không được thực hiện thường xuyên nên điều đó là không thể tránh khỏi.
Được biết, vi khuẩn Staphylococcus aureus là vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội lây bệnh nguy hiểm, dễ lây lan khi sức đề kháng cơ thể yếu. Cơ chế gây bệnh của khuẩn là có khả năng làm ngưng kết huyết tương kết cụm lại thành mụn mủ. Khi gặp da bị xước, khuẩn này làm mủ gây nhiễm trùng trên da, qua đường miệng gây viêm loét miệng, loét họng. |
C.Thư - N. Việt - H. Nam