Nhiều vi phạm trong quản lý tài chính tại Trường THPT Buôn Ma Thuột

Nhiều vi phạm trong quản lý tài chính tại Trường THPT Buôn Ma Thuột

Trịnh Thị Thơ

Trịnh Thị Thơ

Thứ 3, 07/11/2023 15:00

Không chỉ bố trí số tiền quá lớn, Trường THPT Buôn Ma Thuột còn bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều đợt, nhiều ban bệ... làm ảnh hưởng đến kinh phí chi thường xuyên.

Bố trí số tiền quá lớn bồi dưỡng học sinh giỏi...

Từ những phản ánh của một số giáo viên, mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý tài chính năm 2023 của Trường THPT Buôn Ma Thuột (Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Qua đó, Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, Trường THPT Buôn Ma Thuột xây dựng quy chế chi tiêu không cụ thể, không phù hợp với một số nội dung, số tiết bố trí cho cán bộ quản lý tỷ lệ 20%.

Giáo dục - Nhiều vi phạm trong quản lý tài chính tại Trường THPT Buôn Ma Thuột

Trường THPT Buôn Ma Thuột.

Cũng tại trường này, hiệu trưởng dạy môn Toán được thanh toán tiền dạy thừa 2 tiết/tuần, tổng số 70 tiết cả năm (không bù trừ). Trong khi đó, tổ Toán có giáo viên dạy thừa tiết phải bù trừ cho giáo viên dạy thiếu tiết.

Đáng nói, trường bố trí số tiền quá lớn bồi dưỡng học sinh giỏi tham dự kỳ thi Olympic truyền thống 10/3, với tổng số 776 tiết nên tập trung số tiền chi cho nội dung này quá cao so với kinh phí chi thường xuyên được cấp.

Bên cạnh đó, trường bố trí kỳ thi Olympic 30/4 tại Tp.Hồ Chí Minh số tiền chi ra tương đối lớn, nhưng hiệu quả chưa cao. Cụ thể, tổng kinh phí chi là hơn 158 triệu đồng. Trong đó, tiền thanh toán bồi dưỡng học sinh giỏi là hơn 60,9 triệu đồng; thanh toán tiền xe và các chi phí khác 97,2 triệu đồng.

Giáo dục - Nhiều vi phạm trong quản lý tài chính tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (Hình 2).

Công tác dạy và học tại Trường THPT Buôn Ma Thuột.

Chưa hết, trường tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi từ 3-4 đợt, nhiều ban bệ, quy chế chi tiêu nội bộ không quy định cụ thể định mức, làm ảnh hưởng đến kinh phí chi thường xuyên của trường.

Hiệu trưởng nói gì?

Để làm rõ các nội dung nói trên, PV Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thái – Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột.

Liên quan đến nội dung, hiệu trưởng được thanh toán tiền dạy thừa 2 tiết/tuần, tổng số 70 tiết cả năm (không bù trừ), trong khi tổ toán có giáo viên dạy thừa tiết phải bù trừ cho giáo viên dạy thiếu tiết, ông Thái lý giải: “Theo định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng thì hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, thực tế trong 1 tuần, hiệu trưởng dạy 1 lớp đã 4 tiết rồi. Do đó, mỗi tuần hiệu trưởng thừa 2 tiết. Tổng cộng 1 năm học, hiệu trưởng dạy thừa 70 tiết”.

Cũng theo ông Thái, theo đặc thù của môn Toán thì cơ số 4-5 tiết/tuần/lớp. Do đó, hiệu trưởng chỉ dạy một lớp duy nhất đã thừa 2 tiết/tuần. Việc kê khai số tiết thừa giờ 70 tiết của hiệu trưởng đã được thông qua từ tổ trưởng chuyên môn của tổ Toán và Phó Hiệu trưởng chuyên môn. Căn cứ vào đó, nhà trường đã phê duyệt 70 tiết thừa của hiệu trưởng để thanh toán.

Lúc này PV đặt câu hỏi, vì sao 2 tiết thừa còn lại trong tuần của hiệu trưởng, nhà trường không bố trí cho giáo viên khác dạy thì ông Thái nói: “Trước đây, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì môn Toán có 2 phân môn là Đại số và Hình học riêng biệt. Do đó, có thể một giáo viên dạy môn Hình học và một giáo viên khác dạy môn Đại số trong cùng 1 lớp học thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tiếp thu của học sinh. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, cả nước áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có môn Toán”.

Giáo dục - Nhiều vi phạm trong quản lý tài chính tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (Hình 3).

Ông Lê Văn Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột nói về mục đích của việc tham gia kỳ thi Olympic 30/4. 

Ông Thái giải thích thêm, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Toán lớp 10 có sự đan xen giữa Đại số, Hình học và chuyên đề. Do nếu đưa giáo viên khác vào dạy 2 tiết thừa còn lại/tuần của lớp đó thì sẽ dẫn đến gây khó khăn cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh, vì không có sự liền mạch trong cách truyền đạt kiến thức, nội dung cho học sinh. Đồng thời, gây khó khăn cho việc sắp xếp thời khóa biểu và bố trí chuyên môn của trường, nếu như vậy thì mỗi tuần phải sắp xếp lại.

Câu hỏi đặt ra là vì sao hiệu trưởng không bù trừ tiết thừa cho các giáo viên khác trong tổ Toán thiếu tiết? Ông Thái phân trần: “Nếu tôi dạy 2 lớp trở lên thì sẽ bù trừ ngay với giáo viên tổ Toán. Tuy nhiên, tôi chỉ dạy duy nhất 1 lớp đã thừa tiết rồi”. Trong khi đó, Hiệu trưởng Lê Văn Thái khẳng định, không có quy định nào quy định giáo viên dạy một lớp thì không phải bù trừ.

“Trên cơ sở hướng dẫn của Sở GD&ĐT, để khắc phục việc dạy thừa tiết, sắp tới, tôi chỉ dạy học kỳ I, còn học kỳ II để giáo viên khác dạy. Thời gian còn lại, tập trung cho việc quản lý. Tuy nhiên, nếu học kỳ II tôi không đứng lớp thì sẽ không được hưởng nguyên lương”, ông Thái chia sẻ.

Đối với việc trường chi số tiền tương đối lớn cho kỳ thi Olympic 30/4 nhưng hiệu quả chưa cao, ông Thái cho rằng, việc đầu tư của trường là có chiến lược. Trong thời gian ông làm hiệu trưởng (từ năm 2017 đến nay), Trường THPT Buôn Ma Thuột đã 2 lần tham dự kỳ thi Olympic 30/4.

“Trường THPT Buôn Ma Thuột là một trường lớn, có bề dày. Do đó, trường mong muốn tham gia kỳ thi Olympic 30/4 để đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn. Đồng thời, giáo viên có điều kiện nghiên cứu, sưu tầm và dạy kiến thức chuyên sâu cho học sinh. Từ đó, thúc đẩy thành tích học sinh giỏi các cấp. Tham gia kỳ thi Olympic 30/4 là một cơ sở điều kiện để sau này thi lập đội tuyển kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia. Còn nếu không tham kỳ thi này thì rất khó cho việc cọ sát, làm quen với kiến thức chuyên sâu để tiếp cận với kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia. Mặc dù không phải là trường chuyên nhưng khi tham gia kỳ thi Olympic 30/4, Trường THPT Buôn Ma Thuột đã từ 6-8 huy chương, năm ngoái có 1 huy chương vàng”, ông Thái thông tin.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Đoàn kiểm tra Sở GD&ĐT, ông Thái khẳng định sắp tới, nhà trường sẽ không tham gia kỳ thi Olympic 30/4. Đồng thời, năm tới sẽ tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi ít đợt lại.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT còn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế khác trong công tác quản lý tài chính năm 2023 của Trường THPT Buôn Ma Thuột.

“Khi Sở GD&ĐT gửi dự thảo kết quả kiểm tra về cho trường thì trường đã triệu tập cuộc họp để xem các nội dung dự thảo đó đúng chỗ nào, không đúng chỗ nào. Sau đó, trường đã có góp ý kiến gửi về Sở và đang đợi thông báo kết quả kiểm tra chính thức của Sở để làm căn cứ điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế”, ông Thái nói thêm.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.