Liên quan tới vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, BS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS (bộ Y tế) cho hay, BHYT được Chính phủ xác định là giải pháp bền vững cho việc đảm bảo điều trị HIV/AIDS nói chung và điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Chính vì vậy trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh thực hiện hàng loạt hoạt động để triển khai việc thanh toán chi phí điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.
Ông Cảnh dẫn ra một số nội dung cụ thể như: Về chính sách, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định về việc thanh toán thuốc kháng virus HIV (ARV) từ nguồn BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc ARV.
Thủ tướng cũng có Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 quyết định thời điểm thanh toán thuốc ARV từ quỹ BHYT là từ năm 2019. Như vậy, các bộ, ngành và các tỉnh thành phố phải tích cực chuẩn bị điều kiện để thực hiện quyết định này.
“Theo báo cáo từ các địa phương, cả nước hiện có 403 cơ sở điều trị HIV/AIDS (không kể cơ sở cấp phát thuốc ARV). Cho đến hết quý III/2017 đã có 296 cơ sở điều trị HIV (chiếm 73%) được kiện toàn, tức là đã ký được hợp đồng và sẵn sàng thanh toán các chi phí điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT. Như vậy, vẫn còn 27% cơ sở chưa ký được hợp đồng với BHYT.
Kế hoạch quý IV năm 2018, phải có thuốc ARV chuyển về các cơ sở điều trị để có thể sẵn sàng chi trả cho bệnh nhân HIV có thẻ từ 1/1/2019”, ông Cảnh nói.
Cũng theo ông Cảnh, hiện nay, các địa phương đã tích cực vận động người nhiễm HIV tham BHYT bằng tiền cá nhân nếu có điều kiện, các tỉnh cũng sẵn sàng hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV nếu khó khăn hoặc có nhu cầu.
Dự án quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS cũng đã dành một khoản kinh phí hỗ trợ các địa phương khó khăn mua thẻ BHYT cho bệnh nhân.
Với hàng loạt giải pháp như vậy, độ bao phủ BHYT trong bệnh nhân tham gia điều trị thuốc kháng HIV tăng lên từ 64% (tháng 2/2017) lên 76% (tháng 6/2017) và 82% (tháng 9/2017), tương đương hoặc cao hơn một chút với tỉ lệ chung người dân có thẻ BHYT.
Đáng chú ý, có 6 tỉnh đạt mục tiêu 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT (Bạc Liêu, Bình Định, Cà Mau, Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn) và có tới 23 tỉnh có tỉ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị trên 90%.
Tuy nhiên, ông Cảnh cũng chỉ ra những khó khăn trong việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV.
“Trước tiên, đó là những khó khăn về vấn đề chính sách. Chúng ta đã có luật về BHYT, có luật Khám chữa bệnh và hàng loạt các văn bản hướng dẫn về khám chữa bệnh bằng BHYT nói chung.
Nếu áp dụng với người nhiễm HIV là đối tượng đặc thù, có thể rất nhiều người sẽ không tiếp cận được với điều trị HIV/AIDS qua BHYT. Trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm gì về điều trị HIV/AIDS qua BHYT nên cả Chính phủ và các bộ, ngành vừa phải nghiên cứu, xem xét, thảo luận rất nhiều khi xây dựng các chính sách mới cũng như quyết định chính sách để không trái với các quy định luật pháp đã ban hành, đảm bảo việc thanh toán điều trị HIV/AIDS cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT được khả thi”, ông Cảnh cho hay.
Khó khăn thứ hai được ông Hoàng Đình Cảnh chỉ ra là vấn đề kiện toàn các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS để có thể ký hợp đồng và thanh toán được các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT qua BHYT.
Hơn nữa, trong suốt thời gian dài chúng ta đã có sự hỗ trợ của nước ngoài mua và cấp thuốc ARV cũng như nhiều dịch vụ điều trị HIV/AIDS khác cho bệnh nhân, do vậy chúng ta thiết lập hệ thống cung cấp dịch vụ sao cho thuận lợi nhất với bệnh nhân. Tuy nhiên bây giờ khi không còn viện trợ thì chúng ta cần phải kiện toàn lại hoạt động này.
Khó khăn thứ ba là, làm sao 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Bởi lẽ, bên cạnh một số giải pháp đã nêu trên, vẫn còn một số ít người nhiễm HIV khó tiếp cận do họ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào hoặc lo ngại bị tiết lộ danh tính nên vẫn chưa sẵn sàng tham gia BHYT.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phải tìm các giải pháp tháo gỡ. Bộ Y tế đang phối hợp với vụ BHYT, BHXH Việt Nam giải quyết các khó khăn trên trong Thông tư 32 và Thông tư 15 sửa đổi.
Có thể nói, trước khi bắt tay vào thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV thì khó khăn chồng chất. Tuy nhiên có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, các khó khăn cơ bản đã dần được tháo gỡ”, ông Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh.