Tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Hiện dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thiết kế xây dựng gồm 11 chương với 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Dự luật cũng nêu lên 12 hành vi tham nhũng, trong đó có các hành vi như: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lạm quyền trong thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi;…
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo luật về mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nêu quan điểm: Chủ trương mở rộng phạm vi áp dụng luật ra khu vực ngoài Nhà nước là hoàn toàn hợp lý, phù hợp nhằm tạo sự công bằng giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân trong ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ không tán thành với việc mở rộng này vì khó áp dụng. Một số ý kiến khác đề nghị chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp ngoài Nhà nước khi họ tham gia các dự án có vốn, tài sản Nhà nước.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về một số vấn đề lớn của dự án Luật của UBTVQH cho rằng, việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
UBTVQH đề nghị Quốc hội cho mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện như quy định của dự thảo luật.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, có các quy định chặt chẽ hơn trong nội dung của chương 8 của dự Luật về phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước vì ngôn ngữ sử dụng còn mang tính vận động, mang tính phong trào, khuyến khích, đây không phải ngôn ngữ của của pháp luật.
Đồng thời, đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đề nghị dự luật cần có những quy định cụ thể về phát huy vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng vì trên thực tế thời gian qua, báo chí đã khẳng định được vai trò hết sức quan trọng của mình trong phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 31 dự thảo luật), nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án 2 của dự thảo luật là giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình. Một số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo luật, giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của tất cả các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Có đại biểu Quốc hội đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách hoặc giao cho cơ quan của Quốc hội thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập; có ý kiến đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành.
“Tôi đề nghị cần hết sức thận trọng trong xây dựng quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập bởi nếu có quá nhiều cơ quan thì sẽ trùng dẫm, chồng chéo, khó khả thi”, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu quan điểm.
Về vấn đề trên, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về một số vấn đề lớn của dự thảo luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Điều 31 của dự thảo theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 35), một số ý kiến cho rằng quy định hiện hành chưa thật sự hợp lý về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo luật cần phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.
Vấn đề về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57) tiếp tục là vấn đề lớn, thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội.
Tán thành với việc cần thiết phải có các quy định để xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể đối với các quy định trong 2 phương án về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc được UBTVQH nêu lên trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo luật. Đó là, Phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.
Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế. Người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có.
Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, việc bảo đảm sự thống nhất, tính khả thi của Luật khi được ban hành.
Chiều 6/9, Hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận về dự án luật này.
Theo báo Chính phủ