Hội thảo do ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam chủ trì, cùng sự tham dự của các lãnh đạo và đại biểu của hội Luật gia 20 tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, về Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 – 2021, có thể thấy nhiều việc hội Luật gia Việt Nam đã làm được và làm có chất lượng, hiệu quả; có những việc đang làm, còn dở dang, cần quyết tâm phải hoàn thành vào năm 2021 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án mà chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện là xây dựng và đưa vào áp dụng rộng rãi mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải của hội Luật gia ở cơ sở, trong đó có mô hình trung tâm Pháp luật cộng đồng", ông Quyền nhấn mạnh.
Tại buổi hội thảo, Đại biểu của các hội Luật gia Thành phố Hà Nội, tỉnh Long An, tỉnh Lai Châu cùng hội Luật gia các quận Tân Bình, Bình Thạnh, quận 6 (TP.HCM) lần lượt phát biểu các tham luận của cơ sở, cùng nhau thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp xung quanh việc đánh giá các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải.
Trong tham luận của mình, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch hội Luật gia thành phố Hà Nội, đã trình bày mô hình “Tổ phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở cơ sở” được Hội triển khai xây dựng từ năm 2014.
Từ đó đến nay, hội Luật gia Hà Nội đã thành lập được 45 tổ theo mô hình trên với 225 thành viên.
Qua những cơ sở đó, Hội đã đưa ra được nhiều ưu điểm, khó khăn cũng như các nguyên nhân và tìm cách khắc phục trong việc lựa chọn mô hình trên.
Từ đó, đúc kết được những kinh nghiệm quý báu trong việc lựa chọn và xây dựng mô hình.
Trong khi đó, qua công tác triển khai mô hình tổ Pháp luật cộng đồng (TPLCĐ), hội Luật gia quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã nêu lên một số kinh nghiệm cần lưu ý như: Cần bám sát, chủ động tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của Cấp ủy, sự đồng thuận của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương.
Khơi gợi, phát huy năng lực chuyên môn của các hội viên hội Luật gia một cách tốt nhất. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về hoạt động của Tổ tư vấn cộng đồng để ngày càng nhiều người dân biết và tìm đến.
Cùng mô hình tổ Pháp luật cộng đồng, hội Luật gia quận Tân Bình (TP.HCM) đề xuất mở rộng ra các phường khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hội Luật gia quận Tân Bình đề nghị hội Luật gia TP.HCM xem xét, xác định mô hình tổ chức chuẩn, phù hợp với việc triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, GDPL và TGPL ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) để đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố này phê duyệt chính thức cho làm thí điểm trong năm 2021.
Sau đó, mở rộng thí điểm ở một số phường, thị trấn của TP.HCM trong thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022-2026.
Bên cạnh đó, các tham luận của hội Luật gia các tỉnh Long An, Lai Châu, quận 6 (TP.HCM) cũng đã nêu ra các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải cấp cơ sở, cũng như thẳng thắn nhìn nhận những mặt khó khăn, hạn chế và từ đó đưa ra những nhận xét, kiến nghị cụ thể đến Trung ương hội Luật gia Việt Nam.
Qua đó, góp phần xây dựng, hướng đến việc thống nhất, chuẩn hóa một mô hình chung ổn định và phát triển.