Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương mới ban hành năm 2015, do đó tác động của luật vào đời sống xã hội còn tương đối ngắn. Tuy nhiên, hai luật lại đang bộc lộ những bất cập đòi hỏi phải sửa đổi bổ sung và được đưa ra xin ý kiến Quốc hội
Trước sự quan tâm của các chuyên gia pháp lý, các nhà nghiên cứu và nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân về luật này, ngày 17/5, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức toạ đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Tại buổi toạ đàm, TS.Nguyễn Văn Tuân, Phó trưởng ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật cho rằng: “Về sự cần thiết xây dựng luật, những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa thể hiện rõ sự cần thiết, chưa trả lời được câu hỏi tại sao lại cần sửa đổi một số điều luật trong hai luật trên. Tại sao mới thi hành luật được 3 năm mà cần sửa đổi… Cần phải làm rõ hơn”.
Trong khi đó, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và phát triển cho rằng, hai luật này đề cập tới các vấn đề bất cập về phân quyền ở địa phương, hướng tới tăng cường tính chủ động của địa phương trong thực thi các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, dự thảo chưa có đánh giá tổng kết về tình hình triển khai Luật trong thời gian qua, đồng thời, dự thảo cũng thiếu đi sự lý giải đối với những quy định mới được đưa ra trong dự thảo.
Hơn nữa, dự thảo lần này chưa thực sự sửa đổi toàn diện các vấn đề bất cập của Luật, trong khi đó, Luật hiện hành vẫn đang được phát huy tốt trong thực tiễn. Do đó, ông Hạnh cho rằng việc sửa đổi lần này là vội vàng và chưa thực sự cần thiết.
Phát biểu về những điểm chưa hợp lý, ông Hạnh cho biết: "Trong tờ trình có nhiều quy định không hợp lý, Ban soạn thảo đưa ra những quy định mà thiếu đi lý giải, thiếu sự đánh giá về việc thực hiện điều luật mà mình đưa ra.
Các quy định của luật Tổ chức Chính phủ đưa ra dường như đang muốn siết chặt sự can thiệp của Chính phủ vào tổ chức bộ máy chính quyền và nhân sự địa phương. Tuy nhiên,việc siết chặt thông qua quy định về khung số lượng các phòng, ban của các địa phương giống như bắt tất cả phải mặc chung một chiếc áo khoác giống nhau.
Chính vì vậy, việc quy định tổ chức khung số lượng không phản ánh được đặc thù của từng địa phương. Do đó,việc tổ chức phòng, ban thì nên để chính quyền địa phương xác định. Sự can thiệp của Chính Phủ có thể chỉ cần ở mức hạn chế nguồn kinh phí, ngân sách. Khi ngân sách hạn chế thì buộc chính quyền địa phương phải tính toán cho phù hợp.
Thêm nữa, cách diễn đạt về cơ cấu tổ chức các đơn vị đọc lủng củng, khó hiểu cần phải chỉnh sửa. Đặc biệt là cần phải có những đánh giá toàn diện trong việc thi hành Luật Tổ chức Chính phủ, quá trình điều hành của Chính phủ với những quy định trong luật này có gì bất cập nổi lên.
Chưa nên sửa Luật này, nếu sửa như nội dung nêu trong tờ trình thì càng không nên mà cần phải có đánh giá đầy đủ về quá trình thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chưa có đánh giá đầy đủ mà sửa khi mới hoạt động được 3 năm như vậy là không hợp lý, lãng phí”, ông Hạnh nhấn mạnh.
Kết thúc buổi toạ đàm, TS. Trần Văn Quảng, Phó trưởng ban nghiên cứu xây dựng và phổ biến pháp luật cho rằng các ý kiến của những đại biểu, chuyên gia sẽ là những góp ý để ban soạn thảo tiếp tục có những nghiên cứu đánh giá, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ông Quảng cũng góp ý kiến của mình với ban soạn thảo: “Tôi cho rằng, luật mới đi vào cuộc sống được 3 năm nên cần tổng kết, đánh giá, phát hiện những vấn đề bất cập, bức xúc, những vấn đề đòi hỏi bất cập của cuộc sống để sửa. Thêm nữa, vấn đề hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền trong quản lý nhà nước hiện nay vẫn còn chưa đáp ứng được tính hiệu lực, hiệu quả. Nhưng trong dự thảo Luật quy định chưa có vấn đề đề cập đến để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước, do đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu thêm.
Ngoài ra, đối với vấn đề giảm bớt biên chế, tinh gọn bộ máy: Dự thảo Luật đã có quy định, tuy nhiên, mới dừng lại ở việc giảm số lượng đại biểu hội đồng nhân dân, trong khi đó về tổ chức bộ máy chưa lại đặt vấn đề làm sao cho tinh gọn, chất lượng hiệu quả như thế nào cũng chưa có những giải pháp đề ra.
Trong những quy định về vấn đề thuộc thẩm quyền hiến định, đề nghị phải tuân thủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Còn những nhiệm vụ đã giao cho Chính phủ cần phải có cơ sở, đánh giá một cách tổng thể”.