Giá cà phê trong nước đi ngang so với hôm qua
Ở trong nước, thị trường cafe hôm nay 27/5 tiếp tục đi ngang so với hôm qua. Theo số liệu trên báo Nông Nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng, 3 huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà đang giao dịch cùng mức 114.500 đ/kg.
Cụ thể, tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar hôm nay đang thu mua ở mức 115.500 đ/kg. Còn huyện Ea H'leo và Buôn Hồ lại đang giao dịch ở mức giá 115.500 đ/kg.
Ở tỉnh Đắk Nông, thương lái Gia Nghĩa và Đắk R'lấp đang lần lượt giao dịch ở mức 116.000 và 115.900 đ/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đang giao dịch với giá 115.500 đ/kg, còn Pleiku và La Grai đang cùng giữ mức 115.400 đ/kg.
Còn giá thu mua tại Kon Tum hôm nay đang là 115.400 đ/kg.
Hiện giá nông sản này đang duy trì ổn định với mức cao nhất đạt 116.000 đ/kg. Tuần qua, giá cafe trong nước đã hồi phục mạnh mẽ khi tăng nóng tới 11.000 đ/kg.
Như vậy, giá cafe trong nước ngày 27/5/2024 đang giao dịch quanh ngưỡng 114.500 - 116.000 đ/kg.
Đáng chú ý khi tính chung cả tuần vừa qua, mặc dù chịu áp lực giảm vào ngày cuối tuần, giá cà phê trong nước vẫn tăng thêm trung bình gần 10% tương ứng 11.000 đồng/kg. So với mức đỉnh giá cao kỷ lục gần 140.000 đồng/kg được thiết lập hồi cuối tháng 4 vừa qua, thì mặt bằng giá hiện tại đang chỉ còn thấp hơn khoảng 15%.
Đà tăng của giá cà phê trong nước cũng đồng pha với đà tăng của giá cà phê thế giới trên các sàn giao dịch kỳ hạn. Tính chung cả tuần vừa qua, giá cà phê Robusta đã tăng thêm tới 374 USD/tấn, đóng cửa ở mức 3.892 USD/tấn. Đây cũng là mức tăng thêm tuần cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Động lực tăng giá chủ yếu đến từ việc hãng kinh doanh cà phê Volcafe - một trong những hãng giao dịch cà phê lớn nhất thế giới vừa nhận định sản lượng cà phê Robusta niên vụ 2024/2025 của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao (60 kg/bao), mức thấp nhất trong 13 năm, do lượng mưa kém ở Việt Nam đã gây ra “thiệt hại không thể khắc phục”.
Giá cà phê trên thị trường thế giới
Theo dữ liệu mới nhất, giá cà phê trên thị trường thế giới đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần.
Cụ thể, trên sàn ICE Future Europe, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2024 tăng 1,91%, đạt 3.892 USD/tấn.
Trên sàn ICE Futures US, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2024 tăng 1,21%, đạt 218,25 US cent/lb.
Theo Tạp chí Công Thương, những mối lo ngại về nguồn cung đang hỗ trợ giá cà phê, đặc biệt là giá cà phê Robusta có xu hướng tăng mạnh trở lại. Áp lực giảm đối với giá cà phê trong giai đoạn cuối tháng 4 - đầu tháng 5 vừa qua chủ yếu đến từ việc loạt quỹ phòng hộ thanh lý vị thế mua và “chốt lời” sau đợt tăng giá mạnh trước đó.
Tuy nhiên, các quỹ phòng hộ đang quay trở lại thị trường, gia tăng nắm giữ vị thế mua, với dự báo nguồn cung Robusta sẽ còn tiếp tục khan hiếm, nhất là nguồn cung từ Việt Nam, trong thời gian tới.
Các chuyên gia ngành hàng cũng cho biết, thông thường, giá cà phê Robusta tăng sẽ khuyến khích các nhà rang xay, người dùng cuối chuyển đổi sang sử dụng nhiều cà phê Arabica hơn nhưng thị trường hiện không ghi nhận hiện tượng này. Điều này khiến nhu cầu cà phê Robusta vẫn đang ở mức cao.
Hiện thị trường đang tập trung theo dõi diễn biến vụ thu hoạch ở Indonesia - dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 5 hoặc tháng 6, và vụ thu hoạch ở Brazil - bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7 tới đây.
Indonesia hiện là nước sản xuất cà phê lớn thứ 4 thế giới, chủ yếu trồng giống cà phê Robusta.
Thời tiết tốt hơn dự kiến kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi sản lượng trong mùa tới ở Indonesia. Hiệp hội Công nghiệp và Xuất khẩu Cà phê Indonesia dự báo sản lượng cà phê năm nay sẽ tăng 14% lên khoảng 10 triệu bao (60 kg/bao).
Tại Brazil, Cooxupee - hợp tác xã trồng cà phê lớn nhất Brazil vừa đưa ra nhận định sản lượng năm nay có thể tăng 13,3% và mức xuất khẩu có thể tăng tới hơn 22% so với năm trước.
Đặc biệt, CONAB - cơ quan phụ trách về hoạt động cung ứng quốc gia Brazil cũng đã điều chỉnh tăng dự báo sản lượng cà phê của nước này trong năm nay. Theo đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến sẽ tăng 8,2% đạt 42,1 triệu bao và cà phê Robusta sẽ tăng 3,3% đạt 16,71 triệu bao so với năm trước. Các dự báo của CONAB thường có xu hướng thận trọng hơn so với dự báo từ các bên khác.
Trong khi đó, ông Andrea Illy - Chủ tịch hãng rang cafe Ý Illycaffe SpA cho biết, giá Robusta thường tăng sẽ khuyến khích sự chuyển đổi sang sử dụng nhiều Arabica hơn, nhưng điều đó không xảy ra vào thời điểm này.
Và cho rằng, đây là một động lực khá độc đáo trên thị trường. Đối với một số loại đồ uống pha chế nhất định như cà phê hòa tan thì hạt robusta quan trọng hơn.
Ông còn nhận định, biến đổi khí hậu đã khiến nguồn cung bị hạn chế, khiến lượng tồn kho mặt hàng này không ổn định và giá cơ bản cao hơn.
Xuất khẩu cà phê "cầm chắc" 5 tỷ USD?
Trao đổi với Công Thương, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA- cho rằng, đây cũng là mức cao nhất trong những năm qua và mức tăng này là nhờ giá cà phê.
Cụ thể, theo ông Hải, trong niên vụ cà phê 2023-2024 và đặc biệt là năm 2024, giá cà phê đã lên mức cao nhất trong tất cả các năm.
“Trong rất nhiều năm, giá cà phê luôn ở mức thấp, chỉ ngang hoặc thấp hơn giá thành, nhưng riêng năm 2024 cũng như niên vụ 2023-2024 giá cà phê đã tăng rất mạnh”, ông Hải nói.
Theo các chuyên gia, với tình hình giá thị trường như hiện nay, thì kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải xây dựng ngành này phát triển một cách bền vững.
Để giữ vững được kết quả này, ông Hải cho biết, Việt Nam cần phát triển cà phê bền vững từ sản xuất đến chế biến đến xuất khẩu. Đặc biệt là phải tạo ra mối liên hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân để xây dựng được các vùng cà phê đạt chất lượng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phải đáp ứng các quy định của châu Âu về chống phá rừng và gây suy thái rừng có hiệu lực từ tháng 6/2023 để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên.
Trúc Chi (t/h)