1. Tôi có một thói quen là ngồi ở cuối con ngõ, nhưng lại là cửa quán để nhìn ra ngoài đường. Trên đầu tôi là giếng giời luôn ngập tràn ánh sáng cùng những tán cây xanh mướt mà bố tôi dày công chăm bẵm, cắt tỉa. Nhưng, tôi đến phát nghiện với việc, nhìn ra dòng đời đang cuộn chảy ngoài đường thông qua ngõ sâu mờ tối. Ở đó, tôi luôn phải căng mắt để nhìn ra ngoài. Phải nhanh và rất tập trung thì mới nhìn được dòng người vụt qua trước mắt. Không biết có phải như vậy mà tôi thích đoán tính người qua từng điểm, từng cử chỉ, hành xử dù là nhỏ nhất. Một mái tóc, một đôi giày, một cái áo… đôi khi cho thấy rất nhiều điều về người nào đó. Nói chung là tôi thích giải mã ai đó, dù chỉ là thoáng gặp thôi. Giải mã, tìm kiếm cho mình những phát hiện thú vị và cất kỹ trong đầu. Nếu thấy hưng phấn thì nở một nụ cười…
Tôi tin vào sự nhạy cảm và cả sự trải nghiệm của mình. Nghề nghiệp và môi trường sống giúp tôi có điều kiện tiếp xúc với đủ hạng người. Nhưng, không ít lần, tôi phải tự nhận rằng, mình cũng chỉ là anh thầy bói xem voi, là thằng nhìn đời qua… ngõ nên chẳng có được cái nhìn thể hiện bản chất. Nhưng kệ, tôi vẫn vui, vẫn hài lòng về cái lăng kính đôi khi bị bó hẹp của mình. Bởi nói như ai đó, sự nửa chừng đôi khi lại tạo ra sức hấp dẫn.
Nhiều lúc, bạn sẽ rất buồn nếu biết quá rõ về người bên cạnh. Thôi thì, cứ thoáng qua thôi, cứ đứng xa mà nhìn, cứ nhầm lẫn một chút để có được cái nhìn trong trẻo về nhau. Đó chẳng phải là điều đáng thú vị trong cuộc đời đầy bon chen và toan tính này sao?
Cũng giống như nghệ thuật vậy, còn gì đáng yêu, đang hấp dẫn khi người ta vừa xem chương đầu của vở kịch mà đã biết luôn kết cục như thế nào. Cuộc đời con người và nhận thức của chúng ta về mỗi người nên như một củ hành có vô vàn lớp áo. Bóc lớp áo này thì còn lớp áo khác. Bóc mãi, bóc mãi, cuối cùng, bạn chỉ thu về một số 0 tròn trĩnh. Chẳng còn gì sau rất nhiều lớp áo đó.
Ảnh minh họa
2. Ngày lễ, tôi đưa con gái ra Văn Miếu. Chẳng phải ra đó để cầu mong con gái sau này công danh hiển đạt. Tôi không có ý định, không có khát khao rằng, con mình sẽ là thiên tài. Nhưng, có một mong muốn, mong muốn cháy bỏng là con sau này có được một chữ Nhân giữa cuộc đời ồn ã này.
Nhà tôi gần Văn Miếu. Tôi học Văn khoa Tổng hợp nên cũng biết bập bõm về thư pháp. Tôi cũng có nhiều bạn bè nằm trong nhóm "nhị thập bát tú" về thư pháp. Thế nhưng, mỗi lần ngang qua "phố ông đồ" vào dịp Tết, tôi đi như chạy. Không dám dừng lại, chẳng phải vì đã quá yêu bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên, hay ghen tức với bạn bè đang làm ăn rất được. Tôi buồn khi chứng kiến cảnh người ta đua nhau đi xin những chữ tài, chữ lộc, chữ đạt, chữ thành, thậm chí cả chữ an mà tuyệt nhiên chẳng mấy người thích những chữ tâm, nhân, chí hay chữ liêm, chữ sỉ.
Nhiều khi tự nhủ, phải chăng mình hoài niệm, mình cổ hủ, mình không thức thời và đặc biệt là nhìn đời qua… ngõ nên không thể theo kịp xu thế thời đại? Tôi, một kẻ lạc loài!
Lại nói về con gái tôi. Nó có một thú vui đặc biệt, đó là nhặt rác vứt vào thùng rác. Bất cứ thứ gì nếu bố mẹ chưa kịp cất gọn là con gái tíu tít đi nhặt và đem ném vào thùng rác. Và, không biết có một chuyện nên vui hay buồn khi ở trong khuôn viên Văn Miếu, đúng ngày Hội sách mà con gái tôi cứ chăm chăm đi nhặt rác. Chưa bao giờ, nó được nhìn thấy nhiều rác như thế. Thậm chí, khi mà đứa bé 17 tháng tuổi đang tất tả nhặt từng mảnh giấy vụn và lẫm chẫm đi đến thùng rác thì có những cô rất xinh lập tức ném xuống lối đi vài cái giấy ăn vừa dùng.
Chắc các cô muốn tạo thêm niềm vui cho con trẻ!. Tôi cố ru mình như thế. Rồi, một đôi nam nữ đi ngang qua thấy con bé con nói chưa sõi đi nhặt rác liền khen một câu khiến vợ tôi nở mặt mày: "Anh chị dạy con tốt quá!". Khen xong, họ đi và con gái tôi vẫn cặm cụi nhặt rác bằng đôi bàn tay bé xíu.
3. Đến đây, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện của mình. Sáng đi làm vội. Vợ bắt cầm theo hộp sữa. Xuống đến cầu thang tập thể, cố gắng rít một hơi thật dài, thế là xong bữa sáng. Đi đến ngã tư Văn Miếu - Tôn Đức Thắng, có thùng rác, tôi dừng lại vứt vỏ hộp sữa vào thùng. Hai cậu thanh niên trông rất hiện đại phóng ngang qua quẳng cho tôi một câu chửi xéo: "Bố thằng dở hơi!".
Ừ, có lẽ tôi dở hơi thật. Xã hội bây giờ chuộng câu: "Đã phân công lao động rồi!". Rác thuộc về người quét rác, cấy lúa là của nông dân và kiếm tiền là trách nhiệm của cha mẹ. Đi ngược chiều gió thì bị rét, thậm chí là bị cảm. Chẳng hay ho gì cái giống khác người như tôi. Nhiều lúc, giận mình lắm lắm, đôi khi, tự nhủ, phải sống khác đi, đừng lý thuyết và lý tưởng hóa mọi thứ cho đời nó nhẹ nhàng.
Nhưng, cuộc đời ạ, tôi như đoàn tàu hỏa, đã tự mặc định mình trên những đường ray. Cứ đi, cứ đau, nhưng không thể thay đổi cách sống. Vì, tôi chỉ là thằng nhìn đời qua… ngõ!.
G.S