Chiến sự Israel - Hamas
Ngày 7/10, hàng trăm tay súng phong trào Hồi giáo Hamas từ Gaza tràn qua biên giới Israel khiến khoảng 1.140 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 250 người làm con tin. Vụ việc đã gây chấn động thế giới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cam kết tiêu diệt Hamas và phát động một chiến dịch không kích dồn dập ở Gaza. Theo sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã mở một cuộc tấn công trên bộ khiến toàn bộ khu dân cư phía Bắc Gaza trở thành đống đổ nát.
Sau 7 tuần giao tranh, hai bên nhất trí đình chiến trong vòng một tuần, trong đó Hamas thả 105 con tin, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, còn Israel trả tự do cho 240 tù nhân Palestine.
Lo ngại kịch bản Hamas có thể tập hợp lại, Israel tiếp tục tấn công, chuyển trọng tâm sang miền Nam Gaza, kể cả các khu vực trước đây được tuyên bố là "vùng an toàn".
Mỹ - đồng minh của Israel – đã phủ quyết một nghị quyết của Liên Hợp Quốc đưa ra nhằm kêu gọi hai bên ngừng bắn. Dù vậy, Tổng thống Joe Biden đã lên án chiến dịch ném bom của Israel là "bừa bãi".
Ngày 18/12, cơ quan y tế do Hamas kiểm soát ở Gaza cho biết, số nạn nhân thiệt mạng đã lên đến 19.453 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Theo chính quyền Israel, còn 129 người bị bắt trong vụ tấn công ngày 7/10 vẫn bị giam giữ ở Gaza. Khoảng 20 người được cho là đã thiệt mạng.
Chiến dịch phản công của Ukraine bế tắc
Xung đột Nga - Ukraine đã sắp tiến tới năm thứ 2 và khi tâm lý mệt mỏi vì chiến sự ngày càng gia tăng ở phương Tây, áp lực dồn lên Ukraine cũng lớn theo.
Trong các phát ngôn kêu gọi gia tăng viện trợ, Ukraine liên tục chỉ ra những thành công trong quá khứ và các mục tiêu trong tương lai. Họ tuyên bố đã giành lại được khoảng một nửa lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát từ đầu cuộc chiến; họ đã làm tổn hại đến sự hiện diện của Moscow ở Biển Đen một cách chiến lược.
Tuy nhiên, tình hình thực tế lại không mấy khả quan cho Ukraine. Ở mọi hướng phản công, các thông tin liên quan tới Ukraine hầu như đều không quá tích cực.
Nga đang gia tăng đà tấn công ở mặt trận Donbass tại phía đông, trong khi ở chiến trường Đông Nam - nơi Kiev tập trung phản công từ tháng 6 - tình hình vẫn bế tắc trong thời gian qua.
Một trong những bước tiến tiềm tàng nhất của Ukraine là ở mặt trận phía nam khi họ giành được một đầu cầu ở tả ngạn sông Dnieper tại Kherson. Mặc dù vậy, để giữ được vùng đất nhỏ hẹp, không có nhiều giá trị về mặt chiến lược này, Ukraine phải chấp nhận thương vong cao cũng như thách thức về tuyến tiếp tế hậu cần. Mặt khác, Ukraine đang phải đối mặt với các cuộc tấn công hỏa lực dồn dập từ Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Khi mùa Đông đến và dư luận thế giới tập trung vào cuộc chiến Israel - Hamas, Ukraine đã phải đấu tranh để đảm bảo những lời cam kết về sự hỗ trợ quân sự lâu dài từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Một tin tốt hiếm hoi dành cho Tổng thống Volodymyr Zelensky là vào giữa tháng 12 khi các nhà lãnh đạo EU đồng ý mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Kiev. Thế nhưng, Hungary đã nhanh chóng làm dập tắt niềm phấn khởi đó bằng cách phủ quyết gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.
Thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 6/2/2023, một trận động đất có độ lớn 7,8 độ richter đã làm rung chuyển tỉnh Kahramanmaras, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trận động đất kéo theo hàng trăm cơn dư chấn đã được ghi nhận ở 11 tỉnh cũng như nhiều quốc gia láng giềng, bao gồm cả Syria.
Ngày 18/3, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết: "Các trận động đất ở tỉnh Kahramanmaras khiến 49.589 người thiệt mạng; 6.807 người là công dân nước ngoài".
Theo báo cáo do Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ công bố, tổng thiệt hại do thảm họa này đã vượt quá 105 tỷ USD.
Tổn thất vật chất có thể lên tới 9% so với dự báo Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) năm 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đình công ở Hollywood
Tất cả bộ phận ở Hollywood gần như đã ngừng hoạt động kể từ tháng 5/2023 vì cuộc đình công kép của Hiệp hội Biên kịch và diễn viên Mỹ, dẫn đến thiệt hại rất lớn về mặt tài chính cho các hãng phim và nhiều cá nhân trong số 2 triệu những người đang làm việc trong ngành nghề này.
Thất vọng về việc trả lương khi dịch vụ phát trực tuyến ngày càng phát triển và lo sợ về việc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lấy mất công việc nên các diễn viên đã xuống đường tham gia cùng các nhà biên kịch vào tháng 7 vừa qua. Đây là lần đầu tiên một cuộc đình công kép xảy ra kể từ năm 1960.
Vụ đình công đã gây trì hoãn hàng trăm chương trình cũng như là các bộ phim nổi tiếng trước khi phía hãng phim và diễn viên đồng ý ký thỏa thuận vào tháng 11, hai tháng sau khi các nhà biên kịch quay trở lại làm việc.
2023 là năm nóng nhất trong lịch sử 125.000 năm
Các nhà khoa học thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua. Nhận định này xuất phát từ dữ liệu ghi nhận tháng 10/2023 là tháng 10 nóng nhất từ trước đến nay.
Ngày 8/11, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết, tháng 10/2023 đã phá vỡ kỷ lục tháng 10/2019, trở thành tháng 10 nóng nhất từng được ghi nhận. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra ở những tháng kế tiếp, năm 2023 nhiều khả năng sẽ trở thành năm nóng nhất trong suốt 125.000 năm.
Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess mô tả sự bất thường của nhiệt độ trong tháng 10 là “rất khắc nghiệt”. Bà cho biết: “Kỷ lục (của năm 2019) đã bị phá vỡ bởi 0,4 độ C, đây là mức chênh lệch rất lớn”.
Tình trạng nắng nóng kỷ lục nói trên là kết quả của quá trình phát thải khí nhà kính liên tục từ hoạt động của con người kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra trong năm nay. Hiện tượng El Nino đã khiến lớp nước biển bề mặt ở khu vực phía đông Thái Bình Dương nóng lên một cách bất thường.
Cuộc đua Mặt trăng
Cuộc chạy đua lên không gian đã nóng lên vào năm 2023 với việc Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu không người lái lên cực Nam của Mặt trăng hồi tháng 8. Vài ngày trước đó, tàu đổ bộ của Nga đã đâm xuống bề mặt Mặt trăng.
Hơn nửa thế kỷ sau khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên đi bộ trên Mặt trăng, một số quốc gia đang nỗ lực đưa con người trở lại thiên thể này.
Saudi Arabia và Iran bình thường hóa quan hệ
Quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia từng "đóng băng" năm 2016, sau vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia, nhằm phản đối việc Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.
Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng trong thời gian dài khi hai nước ủng hộ các phe đối địch trong một số cuộc xung đột ở khu vực. Iran ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar Assad ở Syria, trong khi Saudi Arabia đứng về lực lượng nổi dậy. Saudi Arabia ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen, còn Iran hậu thuẫn lực lượng Houthi.
Tại Liban, Riyadh đứng về phía các chính trị gia theo dòng Hồi giáo Sunni, trong khi Tehran ủng hộ lực lượng Hezbollah của người Shiite.
Dù tồn tại nhiều khác biệt, song có không ít yếu tố thúc đẩy Iran và Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ như nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế, mong muốn giảm căng thẳng trong khu vực, hay lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngày 10/3/2023, với sự trung gian hòa giải của Trung Quốc, Saudi Arabia và Iran đã đạt được hòa giải lịch sử. Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Saudi Arabia và Iran ký kết và ra tuyên bố chung. Ngày 6/4/2023, Saudi Arabia và Iran đã ký tuyên bố chung, tuyên bố nối lại mối quan hệ ngoại giao và có hiệu lực ngay lập tức.
Saudi Arabia và Iran đã mở lại đại sứ quán ở Riyadh và Tehran, các lãnh sự quán ở Jeddah và Mashhad.
Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima
Trong 3 ngày, từ 19 – 21/5/2023 tại Hiroshima, Nhật Bản, lãnh đạo G7 vẫn thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng chống Nga và đối phó với Trung Quốc đã trở thành không khí bao trùm. Tại Thượng đỉnh 2023, lãnh đạo G7 đã nhất trí thông qua ba biện pháp siết chặt trừng phạt Nga nhằm buộc Nga phải thất bại trong chiến dịch tại Ukraine.
Với Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) đưa ra nhận xét: “Trong số các vấn đề được thảo luận tại hội nghị lần này, mối quan tâm chung lớn nhất rõ ràng là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mục đích của cuộc thảo luận về vấn đề này là tăng cường khả năng chống chịu và an ninh kinh tế chung của các thành viên G7 để đối phó với việc Trung Quốc có khả năng sử dụng sức mạnh kinh tế hòng gây sức ép với các nước khác”.
Tăng cường cung cấp vũ khí, tài chính cho Ukraine song song với siết chặt trừng phạt Nga nhằm làm cho Nga thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine và hợp tác đối phó với Trung Quốc, kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc là tư tưởng xuyên suốt Hội nghị Thượng đỉnh G7 2023 tại Hiroshima, Nhật Bản.
Tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Hàn
Ngày 18/8/2023, tại Trại David, bang Maryland, Mỹ, Tổng thống Mỹ J.Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ký Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh giữa Mỹ- Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đối phó với những thách thức chung.
Với Tuyên bố chung Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc 18/8/2023, lần đầu tiên Washington, Tokyo và Seoul thiết lập cơ chế hợp tác an ninh chặt chẽ. Vì thế, nhiều người coi Tuyên bố chung 18/8/2023 là Hiệp ước Mỹ – Nhật – Hàn.
Tuyên bố chung 3 nước có tên “Tinh thần Trại David” 18/8/2023, lần đầu tiên Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh bao gồm các cuộc tập trận quân sự ba bên hàng năm, các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa lãnh đạo ba nước và các quan chức cấp cao nội các, đặc biệt phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng, vận hành hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Tuyên bố chung nhấn mạnh: Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ “Tăng cường hợp tác chiến lược đồng minh Mỹ – Nhật, Mỹ – Hàn, thúc đẩy sự hợp tác an ninh ba bên lên một tầm cao mới… Sứ mệnh của chúng ta là bảo đảm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ duy trì sự thống nhất về mục tiêu và hành động”.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi
Chủ đề Thượng đỉnh BRICS 2023 “BRICS và Châu Phi: Quan hệ đối tác vì tăng trưởng nhanh, bền vững và chủ nghĩa đa phương toàn cầu”.
Lần đầu tiên, Thượng đỉnh BRICS, với tiêu đề cuộc họp, đặt trọng tâm vào hợp tác giữa các nước BRICS với châu Phi, nơi đang diễn ra tranh giành gay gắt về lợi ích và ảnh hưởng của ba cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Về quy mô của cuộc họp Thượng đỉnh BRICS 2023 tại Nam Phi: ngoài 5 nước thuộc nhóm BRICS, lãnh đạo G7 các nước phương Nam (đang phát triển) được mời dự, trong đó có Việt Nam. Như vậy, đây là lần đầu tiên các nước BRICS tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh mở rộng với quy mô chưa từng có.
Tại Thượng đỉnh 2023 ở Nam Phi, lãnh đạo 5 quốc gia BRICS đã hoàn toàn nhất trí chấp nhận 6 thành viên mới là Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Ethiopia và Argentina. Như vậy, từ tháng 8/2023, BRICS có 11 thành viên.
Hiện, có 23 nước đã nộp đơn xin gia nhập BRICS (trong ASEAN có Indonesia, Thái Lan và Việt Nam).
Minh Hoa (t/h)