LHPVN lần thứ 10 (1993, tại Hải Phòng): Điện ảnh thương mại - thị trường
Thông tin trên tạp chí Thế giới Điện ảnh, LHPVN lần thứ 10 năm 1993 được tổ chức tại Hải Phòng được xem là LHP “đặc trưng” cho giai đoạn “điện ảnh thương mại - thị trường”.
Những ai dự LHP không thể quên được sự cuồng nhiệt của khán giả Hải Phòng khi bày tỏ sự hâm mộ các ngôi sao của phim “thương mại” như Diễm Hương, Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Thu Hà, Việt Trinh, Lê Tuấn Anh…
Mỗi khi các sao đi đâu là kéo theo hàng trăm người hâm mộ, ai cũng muốn nhìn thật gần, muốn được xin chữ ký, bắt tay, thậm chí có cả một số người còn cố chen lấn để được chạm vào sao mình ái mộ, có trường hợp còn cố ý “xin” một mảnh áo diễn viên về làm kỷ niệm.
Về giải thưởng, LHP trao duy nhất một Bông sen vàng cho Vị đắng tình yêu - Bộ phim truyện kết hợp hài hòa yếu tố nghệ thuật và thương mại, một Bông sen vàng cho phim tài liệu Đi tìm đồng đội. Không có Bông sen vàng nào cho phim hoạt hình và phim truyện video.
LHPVN lần thứ 11 (1996, tại Hà Nội): "Mất mùa" giải vàng
LHP lần thứ 11 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28 - 30/11/1996, là giai đoạn “cuối mùa” phim thương mại - phim video. Đây cũng là một LHP không “được mùa” giải vàng bởi đã bỏ trống Bông sen vàng ở cả phim truyện nhựa và phim hoạt hình, chỉ có hai Bông sen vàng cho phim tài liệu và khoa học.
Bù lại, đây là lần đầu tiên LHPVN đã tìm ra Bông sen vàng cho phim truyện video, đó là Giữa dòng - một bộ phim do Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh sản xuất. Sự việc này đánh dấu thời kỳ phim video “thương mại - mì ăn liền” nhường chỗ cho phim truyện truyền hình lên ngôi.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh được nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim Phim Thương nhớ đồng quê.
LHPVN lần thứ 12 (1999, tại Huế): Đậm chất dân tộc
Người dân Huế vốn bình dị, trầm tính, không sôi nổi, không đeo bám diễn viên để xin chữ ký hay thể hiện sự hâm mộ. Chương trình năm đó có cách tổ chức riêng, không náo nhiệt nhưng rất hoành tráng, đậm chất dân tộc.
Đêm bế mạc là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai bộ phim Hà Nội, mùa đông năm 46 và Ngã ba Đồng Lộc khiến cả khán phòng chờ đợi và bàn tán xôn xao.
Giải vàng của LHP cũng khá hiếm hoi, chỉ có một Bông sen vàng cho phim truyện nhựa Ngã ba Đồng Lộc và hai Bông sen vàng cho phim tài liệu Trở lại Ngư Thủy và Cánh chim không mỏi (video). Phim truyện video và hoạt hình đều không có giải vàng.
LHPVN lần thứ 13 (2001, tại Vinh): Khán giả đi giao lưu nồng nhiệt như đi xem thể thao
Những buổi giao lưu nghệ sĩ với khán giả Vinh rất sôi nổi. Họ nồng nhiệt như đi xem thể thao. Đặc biệt là buổi giao lưu với sinh viên Đại học Sư phạm Vinh, có nhiều bạn phải chen nhau mới vào được hội trường và đã có rất nhiều câu hỏi gửi tới các nghệ sĩ.
Hai bộ phim đoạt giải Phim hay nhất lại LHP là phim truyện nhựa Đời cát và phim tài liệu nhựa Chị Năm “khùng” đều được trao giải Bông sen vàng.
Đồng thời, còn có các Bông sen vàng cho phim truyện nhựa Mùa ổi, tài liệu nhựa Di chúc của những oan hồn, phim truyện video Ba lẻ một và đồng giải Bông sen vàng cho hai phim hoạt hình Xe đạp và Sự tích cái nhà sàn.
LHPVN lần thứ 14 (từ ngày 4-7/11/2004, tại Buôn Mê Thuột): Có sự tham gia của hãng phim tư nhân
Đây được xem là một trong những LHP thành công, bởi nó đem lại cho công chúng cả nước thấy hình ảnh bình yên và đầy sức sống của “vùng đất nóng” Tây Nguyên.
Số lượng phim tham gia nhiều nhất từ trước đến nay: 100 phim cho các thể loại, trong đó phim truyện nhựa là 22 phim, đặc biệt là có sự tham gia của Hãng phim tư nhân Thiên Ngân với Những cô gái chân dài. Đây là lần đầu tiên, một hãng phim tư nhân tham gia với trình độ khá chuyên nghiệp, có thể nói là "ngang" với các hãng phim nhà nước.
Hội thảo trong khuôn khổ LHP lần này cũng có sự khác biệt lớn. Những LH trước, các hội thảo đều chỉ tập trung bàn về nghiệp vụ, tình hình sản xuất phim, tức là "đầu vào" của phim, thì lần này chỉ tổ chức một hội thảo duy nhất Phim VN với khán giả, tức là đã bắt đầu quan tâm đến "đầu ra" của phim.
Ba Bông sen vàng được trao cho phim truyện nhựa Người đàn bà mộng du, tài liệu nhựa Thang đá ngược ngàn và phim hoạt hình Chuyện của những đôi giày.
LHPVN lần thứ 15 (từ ngày 21 – 24/11/2007, tại Nam Định): Phim tư nhân lại ghi dấu ấn
113 phim dự thi, 25 bộ phim nhựa trong đó có tới 7 phim tư nhân tham gia với nội dung đa đạng và chất lượng vượt trội hơn hẳn kỳ LHP trước tạo nên sự phấn khích với những người yêu thích điện ảnh. Tiêu chí Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập của LHP cũng hứa hẹn mang lại sự tươi mới và … công bằng cho những hãng phim tư nhân vẫn đang thập thò, do dự với tâm trạng e ngại.
Ở liên hoan lần này, ban tổ chức phân phối vé theo kiểu chia về các đơn vị, thế là xuất hiện cảnh có phim chiếu thì khán giả toàn là bộ đội, phim thì toàn công nhân, phim thì toàn học sinh THCS... Phim may mắn thì tìm được đúng khán giả của mình, phim hẩm hiu bị phát nhầm đối tượng cũng đành chịu.
LHP lần này ít nhiều dư luận khi Bông sen vàng được trao cho bộ phim truyện nhựa hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc Hà Nội - Hà Nội. Bông sen vàng thứ hai được trao cho phim khoa học Sự sống ở rừng Cúc Phương, còn các thể loại khác thì hoàn toàn vắng bóng Bông sen vàng.
LHPVN lần thứ 16 (2009, tại TP. Hồ Chí Minh): Nỗ lực hội nhập
LHP lần này đã thể hiện rõ những nỗ lực hội nhập của điện ảnh nước nhà khi mời được nhiều đoàn điện ảnh nước ngoài trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... tham gia LHP và đóng góp ý kiến trong các hội thảo về phim ngắn, về huy động vốn sản xuất phim
LHP 16 với gần 100 bộ phim các thể loại tham dự. 15 phim nhựa dự thi có đến 10 phim đã từng tranh giải “Cánh diều vàng”.
Dù số lượng phim nhựa tham dự ở LHP 16 nhiều hơn hẳn các LHP khác, song chỉ có 5 phim tạm gọi là mới. Bởi 10 phim còn lại đã từng tham gia giải “Cánh diều vàng” năm 2008 và 2007 như Giải cứu thần chết, Trăng nơi đáy giếng, Huyền thoại bất tử, Chuyện tình xa xứ, Rừng đen, Trái tim bé bỏng, Hoài vũ trắng, Mười, Em muốn làm người nổi tiếng, Duyên trần thoát tục. Và như vậy, những giải thưởng cao nhất của “Cánh diều vàng” 2007 và 2008 lại một lần nữa thi đấu với nhau trong giải này.
BTC xác định rõ mỗi thể loại phim chắc chắn có phim hay nhất trong số các phim dự thi, vì vậy, mỗi thể loại phim đều đã tìm được giải Bông sen vàng: Đừng đốt (truyện nhựa), Mười ba bến nước (truyện video), Đất lạnh (tài liệu), Nước ngầm cảnh báo (khoa học) và Thỏ và rùa (Hoạt hình).
Dư luận khen ngợi LHP này chuyên nghiệp hơn ở một số khâu: Tổ chức bầu chọn phim được khán giả yêu thích nhất, các hội thảo chuyên đề.
Sự xuất hiện thái quá của các “chân dài” trên thảm đỏ đã khiến những người làm điện ảnh và công luận cảm thấy hụt hẫng, không thật sự hài lòng. Tuy vậy, về mặt chuyên môn, LHPVN lần thứ 16 cũng gây ấn tượng với “cú đúp” cho phim và giải đạo diễn dành cho bộ phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Đặc biệt hơn, ở mảng phim truyện video, bộ phim 13 bến nước của đạo diễn trẻ Đặng Thị Thái Huyền đã thống trị Bông sen vàng với 5 giải thưởng gồm Phim xuất sắc nhất và 4 giải cá nhân cho đạo diễn, quay phim, nam nữ chính và nữ phụ xuất sắc nhất.
Phong Linh tổng hợp