Dưới đây điểm lại những ấn tượng đặc biệt của giải thưởng Bông sen vàng trong hơn bốn thập kỷ qua.
LHPVN lần thứ 17 (2011, tại Phú Yên): Đội ngũ Ban giám khảo "lột xác"
Có một sự trùng hợp thú vị là LHPVN lần thứ 17 có đúng 17 bộ phim truyện nhựa tham gia tranh giải. Ngoài ra, lễ bế mạc LHP cũng diễn ra vào đúng ngày 17/12/2001. Đây cũng được coi là một LHP có tính “tiết kiệm” và nghệ sỹ vẫn còn đang hoang mang sau cú sốc thất thoát tiền tỷ của ngành điện ảnh.
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 bắt đầu với lời hứa mạnh mẽ, chắc nịch của tân Cục phó Cục Điện ảnh - bà Ngô Phương Lan: “Sẽ có nhiều đổi mới và bất ngờ”.
Với số lượng phim truyện tham dự tranh giải nhiều nhất trong lịch sử các kỳ liên hoan phim: 17 phim, khán giả chờ đợi vào cuộc “so tài” nảy lửa của các thế hệ đạo diễn cũ – mới và các hãng phim tư nhân – nhà nước.
Họ cũng hi vọng vào một cuộc chơi công bằng và phản ánh đúng thực lực của những người vinh dự cầm sen Vàng trên tay. Đội ngũ Ban giám khảo cũng đã “lột xác”, được “trẻ hóa” tới mức tối đa. Điều đó ít nhiều giúp công chúng yên lòng bởi sự tiệm cận của điện ảnh đương đại Việt Nam với thế giới, đồng thời khẳng định làn gió đổi mới của điện ảnh dân tộc.
Khi chốt danh sách, báo giới và những người quan tâm đến điện ảnh khá bất ngờ vì số lượng phim dự thi LHP lần thứ 17 là 108 phim các thể loại, vượt hẳn so với kỳ LHP trước (chỉ có 99 phim).
Riêng phim truyện nhựa, kỳ trước có 15 phim thì kỳ này sẽ có 17 phim. Các hãng phim nhà nước cố gắng ngày đêm để hoàn thành phim tham dự LHP, các hãng tư nhân đều tích cực gửi phim ( có hãng 4 phim, có hãng 2- 3 phim truyện nhựa).
Nghệ sĩ, các nhà làm phim, những người trong ngành điện ảnh… đều bày tỏ mong muốn tham dự LHP. Nhiều cơ sở điện ảnh đã có danh sách khá dài đăng ký thêm cho những người không trong thành phần đại biều được mời, tự túc đến dự LHP. Điều này cho thấy những tín hiệu đảm bảo một LHP xôm tụ.
Đêm bế mạc LHP Việt Nam lần thứ 17 kết thúc tối 17/12 trong sự tẻ nhạt. Không có phim truyện nhựa nào được trao Bông sen vàng. Có tới ba phim - "Hot boy nổi loạn", "Mùi cỏ cháy" và "Vũ điệu đam mê" giành Bông sen bạc.
Liên hoan phim lần thứ 18 (2013, Quảng Ninh): Ban giám khảo đã mạnh dạn “trẻ hóa” Sen vàng
Chọn địa điểm tổ chức Liên hoan phim 18 ở Hạ Long, Quảng Ninh, Ban tổ chức đã đem lại sự phấn khích cho chính các khách mời tham dự LHP, các đại biểu, thành phần đoàn làm phim từ phương Nam.
Kết thúc LHP Việt Nam lần thứ 18, có 6 giải Bông sen vàng được trao: “Bờ Vàng” (Phim hoạt hình), “Bí mật từ những kho tượng phật” (Phim khoa học), “Có một cơ hội bỏ lỡ” (Phim tài liệu), “Người cộng sự” (Phim truyện video), “Những người viết huyền thoại” và “Scandal - Bí mật thảm đỏ” (Phim truyện điện ảnh).
Có một điều đáng mừng tại kỳ LHP này là ban giám khảo đã mạnh dạn “trẻ hóa” Sen vàng
Dưới góc độ chuyên môn và tổ chức sự kiện, LHPVN lần thứ 18 được đánh giá là khá nhạt và nhiều bất cập. Nơi diễn ra đêm khai mạc và bế mạc dù ở công viên vui chơi giải trí quốc tế nhưng chật hẹp, thưa vắng người xem, đa phần là quan chức, nghệ sĩ.
Hoạt động bên lề chưa gây ấn tượng mạnh cho người quan tâm đến điện ảnh với những hội thảo không mới về “phối hợp sản xuất phát hành phim”, “quảng bá du lịch qua điện ảnh”. Các rạp chiếu đều nhỏ (cả rạp Hạ Long và Phương Nam mỗi rạp khoảng 200 ghế), hệ thống âm thanh chưa thật sự hoàn hảo.
May mắn vào phút chót, chính những khán giả sân nhà đã đến rạp và hâm nóng không khí LHP. Bằng sự quan tâm thật sự đến điện ảnh VN, họ đã “cứu” cho sự kiện này khỏi sự âm thầm, nhạt nhòa.
Liên hoan phim lần thứ 19 (2015, TP. HCM): Khán giả chen chúc nhau đi xem phim
Điểm cộng dành cho LHP VN lần thứ 19 chính là đã chọn được nhiều phim hay tham gia tranh tài. Các thể loại phim dự thi phong phú, qua vòng tuyển lựa, xuất hiện nhiều phim chất lượng và tránh được những thảm họa đáng tiếc như nhiều mùa liên hoan trước.
Đặc biệt, sự trưởng thành của đội ngũ làm phim trẻ đã góp thêm tiếng nói mới mẻ bên cạnh các đàn anh trước đây. Một nhân tố khác là các nhà làm phim Việt kiều về nước lập nghiệp khiến thị trường điện ảnh Việt sôi động và đáng chú ý hơn.
Các suất chiếu với: “Trúng số”, “Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh”, “Người trở về”, “Cuộc đời của Yến”, “Nước”, “Dịu dàng”, “Hương Ga”, “Quả tim máu”, “Em là bà nội của anh”, “Scandal”… khán giả phải chen chúc nhau trong khán phòng đầy ắp để thưởng thức, thậm chí BTC phải bố trí thêm ghế ngồi ở lối đi, nhưng nhiều bạn trẻ đành phải đứng suốt buổi để xem những tác phẩm yêu thích.
26 phim truyện tham gia tranh giải đều là những bộ phim đạt chất lượng nội dung, nghệ thuật và để tìm ra tác phẩm đoạt giải thật sự xuất sắc, xứng đáng nhận giải thưởng cao nhất của LHP, ban giám khảo thể loại phim truyện đã phải tổ chức chấm tới 3 lần. Kết quả, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) đoạt giải cao nhất - Bông sen vàng.
Đạo diễn Victor Vũ được vinh danh tại hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Tại LHP Việt Nam lần thứ 19, đạo diễn Victor Vũ có 2 bộ phim dự thi là Scandal - Hào quang trở lại và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Ngoài ra, 2 bộ phim khác của anh là Quả tim máu và Cô dâu đại chiến 2 được trình chiếu trong chương trình Toàn cảnh.
Nam diễn viên Trung Anh (phim Những đứa con của làng) và nữ diễn viên Thúy Hằng (Những đứa con của làng và Cuộc đời của Yến) nhận giải Nam - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Dọc theo hành trình 19 kỳ LHPVN trong suốt bốn thập kỷ qua, điều đặc biệt mang dấu ấn Việt Nam là các LHP được tổ chức luân phiên tại nhiều thành phố, địa phương trong cả nước chứ không ổn định tại một địa điểm.
Việc tổ chức LHP luân phiên tại các địa điểm có ưu điểm là mở rộng phạm vi ảnh hưởng của phim Việt Nam đến nhiều địa phương, tạo điều kiện cho khán giả ở nhiều vùng miền trong cả nước được hưởng thụ món ăn tinh thần- điện ảnh, đặc biệt là những nơi cần được nhà nước quan tâm về cuộc sống văn hóa tinh thần như miền Trung, Tây Nguyên…
Khi có một sự kiện văn hóa lớn như LHP tổ chức tại địa phương, nhiều nơi khán giả hưởng ứng rất nhiệt tình, đã tạo nên những kỳ LHPVN thành công tại Đà Nẵng, Vinh, Buôn Ma Thuột… mặc dù địa phương còn nghèo, rạp chiếu phim không đảm bảo điều kiện kỹ thuật tối ưu. LHP là ngày hội của những người làm điện ảnh và công chúng.
Phong Linh