“Cải tổ triệt để”
Viết về vụ việc hồi cuối tháng 12/2022, tờ Guardian (Anh) tiết lộ 5 người bị cảnh sát Bỉ bắt giữ gồm một phó chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) và 4 người khác. Họ bị bắt với cáo buộc tham nhũng có liên quan đến nước chủ nhà World Cup 2022 Qatar.
Cụ thể, trong bối cảnh đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế kêu gọi phải "cải tổ triệt để" EP. "Đây không phải là vụ việc cá biệt. Suốt nhiều thập kỷ qua EP duy trì văn hoá không bị trừng phạt. Họ kiểm soát tài chính một cách lỏng lẻo và hoàn toàn không có sự kiểm soát độc lập của bất kỳ bên nào" - ông Michiel van Hulten, Giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế, nhấn mạnh.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề nóng này, ông Michiel van Hulten, cựu thành viên EP, cho rằng "đã đến lúc cải tổ gốc rễ EP" và kêu gọi Nghị viện châu Âu điều tra đầy đủ về cáo buộc hối lộ của Qatar với các thành viên tổ chức.
"Vụ bê bối mở ra nhiều chiếc hộp Pandora cùng lúc, bao gồm những thiếu sót trong hệ thống các chuẩn mực của Liên minh châu Âu (EU) và ảnh hưởng của nước ngoài đối với EU" - Giáo sư luật học Alberto Alemanno tại Bỉ đánh giá.
Trước đó, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Eva Kaili, nghị sĩ đảng Phong trào Xã hội toàn Hy Lạp (PASOK), hôm 9-12. Vụ bắt giữ bà Eva Kaili diễn ra chỉ vài giờ sau khi 4 người Ý và gốc Ý bị bắt để thẩm vấn. Tờ Guardian cho biết trong số 4 người bị bắt còn lại có Francesco Giorgi và Antonio Panzeri - cựu thành viên EP.
Các nhà điều tra đã thực hiện đợt khám xét tại 16 địa chỉ tại Brussels - Bỉ và tịch thu khoảng 600.000 euro tiền mặt, máy tính, điện thoại di động. Bà Eva Kaili và 4 người kia bị bắt với cáo buộc "tham nhũng" và "rửa tiền".
Nhật báo L'Echo của Bỉ mô tả cuộc khám xét đã thu được "một số túi đầy tiền mặt" trong nhà của bà phó chủ tịch EP ở Brussels.
Đặc biệt các nhà điều tra nghi ngờ nước chủ nhà World Cup 2022 đã gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của EP bằng cách chi ra số tiền lớn hoặc quà cáp giá trị cao cho các nhân vật có ảnh hưởng tại nghị viện trong 2 năm qua.
Bà Kaili, 44 tuổi, từng làm truyền hình và đang là một trong 14 phó chủ tịch EP. Bà Kaili thuộc Liên minh tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại EP. Ngay sau thông tin bà Kaili bị điều tra, nhóm chính trị này đã đình chỉ tư cách thành viên của bà với hiệu lực ngay lập tức.
Trong bối cảnh đó, đảng đối lập chính tại Hy Lạp PASOK cũng đưa ra thông báo khai trừ bà Kaili khỏi đảng theo quyết định của chủ tịch Nikos Androulakis.
Những đồng tiền trái phép không thể che giấu
Trước đó vào ngày 9/12/2022, cảnh sát liên bang Bỉ đã tiến hành ít nhất 16 cuộc đột kích, bắt giữ 5 người với cáo buộc “tổ chức tội phạm, tham nhũng và rửa tiền”. Các cuộc lục soát đã tìm được 600.000 euro tiền mặt, các điện thoại và máy tính.
Ngày 11/12, các công tố viên liên bang của Bỉ đã buộc tội bốn người, trong đó có bà Eva Kaili, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu về tội tham nhũng, rửa tiền.
Ngày 13/12, bà Eva Kaili chính thức mất chức Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu. Kết quả bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu cho thấy 625 phiếu đồng ý chấm dứt nhiệm kỳ phó chủ tịch của bà Kaili, trong khi chỉ có một phiếu chống và hai phiếu trắng.
Bà Roberta Metsola, Chủ tịch Nghị viện châu Âu phát biểu sau cuộc bỏ phiếu: “Không có điều gì có thể che giấu được. Cuộc điều tra nội bộ của chúng ta sẽ xem xét những gì đã xảy ra cũng như tìm cách làm cho hệ thống của chúng ta có thể vững chắc hơn".
Phản ứng của Liên minh châu Âu trước vụ tham nhũng
Trang Financial Times đưa tin, nhà ngoại giao cấp cao của Qatar cảnh báo rằng việc EU xử lý vụ bê bối tham nhũng gây rúng động EP có nguy cơ “ảnh hưởng tiêu cực” đến vấn đề hợp tác an ninh và các cuộc thảo luận về an ninh năng lượng toàn cầu giữa khối này với quốc gia vùng Vịnh giàu khí đốt.
Ông Cinzia Bianco, nhà nghiên cứu về châu Âu và vùng Vịnh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), cũng nhận định vụ bê bối có thể có tác động trì hoãn mọi động thái hướng tới quan hệ đối tác năng lượng trong tương lai giữa EU và Qatar.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao nắm rõ vấn đề này khẳng định Qatar sẽ không đe doạ cắt nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho châu Âu, hay chính trị hoá hoạt động xuất khẩu khí đốt.
Vụ bê bối tham nhũng cùng những lo ngại về quan hệ giữa EU và Qatar xảy ra trong bối cảnh EU, vừa thống nhất áp giá trần giá dầu Nga vận chuyển bằng đường biển. Song dù có thể cản trở Moskva thu lợi nhuận, tiếp tục tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, động thái áp giá trần của châu Âu có nguy cơ hạn chế nguồn cung cho khu vực và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong báo cáo hôm 19/12/2022, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết việc áp giá trần mà không giới hạn nhu cầu có nguy cơ khiến tình trạng thâm hụt nguồn cung khí đốt của châu Âu tồi tệ hơn, khi khuyến khích tiêu dùng. Việc này có khả năng thắt chặt nguồn cung toàn cầu vào năm 2023, thậm chí còn buộc các chính phủ phải phân phối khí đốt.
Các chuyên gia cho rằng dù cơ chế này có thể kiểm soát giá khí đốt dao động quá lớn, động thái áp giá trần có thể khiến các nhà nhập khẩu LNG ở châu Âu cạnh tranh nguồn cung mạnh mẽ với châu Á từ cùng nhà sản xuất, trong đó có Qatar.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Đây là một vụ việc không thể tin được, cần phải được làm sáng tỏ hoàn toàn bằng pháp luật. Đây là vấn đề về uy tín của cả châu Âu, vì vậy điều này phải gây ra hậu quả ở nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói: “Đây là vấn đề nghiêm trọng. Tôi không bình luận sâu về vụ việc này bởi cơ quan tư pháp sẽ làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn vụ việc được làm sáng tỏ”.
Bên cạnh đó, quan chức hàng đầu của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” về các cáo buộc trong vụ việc. Bà Von der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo: “Sự tự tin và tin tưởng vào các tổ chức của chúng ta cần các tiêu chuẩn cao nhất về tính độc lập và liêm chính”.
Bà Leyen cũng kêu gọi thành lập một cơ quan giám sát đạo đức độc lập trong tương lai. “Vụ việc này sẽ đi vào lịch sử như một trong những vụ vi phạm lớn nhất và gây sốc nhất, đây có thể là vụ bê bối lớn nhất trong nền chính trị châu Âu”, ông Alberto Alemanno, Giáo sư về Luật EU tại trường HEC Paris, nhận xét. EU có ba cơ quan chính định hình luật, bao gồm Nghị viện, Hội đồng châu Âu và EC.
Trúc Chi (theo Tin Tức, Công An Nhân Dân, Người Lao Động)