Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Chủ tịch nước báo cáo trước Quốc hội công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 đến ngày 23/10/2018.
Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Đánh giá kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021, Chủ tịch nước nhấn mạnh mối quan tâm đặc biệt đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.
“Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Cụ thể, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch nước đã chủ trì, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tham gia chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án, chiến lược quan trọng (Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia…), bảo đảm giữ vững chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên cương vị là Nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta đi thăm 19 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế và chủ trì 01 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).
Từ đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, Chủ tịch nước đã có các hoạt động đối ngoại chủ động và phù hợp góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa nước ta với các nước, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế trên cương vị Chủ tịch AIPA, Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trong công tác lập pháp, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 Luật, 02 Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước kịp thời, đúng quy định, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, sớm đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống.
Nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đồng bộ, vững chắc, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
“Mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân…”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Đánh giá kết quả công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh và những vấn đề bức xúc trong xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ còn một số hạn chế như: Việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm; Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.
Nhận trên 43.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã nhận được trên, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước.
Trong đó phần lớn liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.
Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước nghiên cứu, tham mưu, xử lý và chuyển hàng trăm đơn thư đến các cơ quan chức năng xem xét.