Cuộc chiến... 40 phút
Ngày 27/8/1896, sau những căng thẳng tột độ, cuộc chiến giữa hai vương quốc Anh và Zanzibar chính thức nổ ra khi mọi biện pháp giải quyết hòa bình đều đã lâm vào bế tắc. Được cả hai phía gấp rút chuẩn bị từ trước với sự điều động binh lực quy mô lớn, tưởng chừng như đây sẽ là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt và dai dẳng.
Nhưng thật bất ngờ, khi mà nhiều nơi trên thế giới còn chưa kịp biết đến sự kiện này thì cuộc chiến đã nhanh chóng kết thúc. Thời gian giao tranh giữa hai nước chỉ kéo dài trong vẻn vẹn có... 40 phút, khiến nó trở thành cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhất trong lịch sử nhân loại.
Là một phần lãnh thổ của nước cộng hòa Tanzania ngày nay, nhưng trong quá khứ, Zanzibar từng là một quốc đảo độc lập nằm giữa Ấn Độ Dương. Từ năm 1886, Zanzibar trở thành thuộc địa của đế chế Anh. Quan hệ giữa mẫu quốc với thuộc địa dưới thời hoàng thân Hamad bin Thuwaini vẫn khá tốt đẹp, bởi vị vua bản xứ này luôn tỏ ra là người "dễ bảo". Mọi chuyện lớn nhỏ đều được ông thông qua phủ Toàn quyền Anh.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi sau cái chết của ông vào ngày 25/8/1896. Hoàng thân Khalid bin Barghas được Hội đồng hoàng tộc chọn là người kế vị. Nhưng ông lại là một người không được lòng các nhà lãnh đạo Anh bởi luôn có ý muốn đòi lại độc lập cho đất nước.
Người Anh muốn vua mới của Zanzibar là hoàng thân Hamud bin Muhammed, một người có tiếng là thân Anh. Với quyền năng của "mẫu quốc", viên toàn quyền Anh thẳng thừng đưa ra yêu sách này với lập luận rằng, theo điều khoản một hiệp ước đã ký giữa hai nước, người đứng đầu thuộc địa này phải được toàn quyền Anh phê chuẩn. Đáp lại, tân vương Khalid bác bỏ lời đề nghị thoái vị và nhường ngôi cho hoàng thân Hamud.
Căng thẳng leo thang một cách nhanh chóng giữa hoàng gia thuộc địa và chính quyền nước bảo hộ. Người Anh ra một tối hậu thư, yêu cầu hoàng thân Khalid phải rời khỏi cung điện, nếu không, mẫu quốc sẽ dùng vũ lực để hạ bệ ông. Thời hạn chót được đưa ra là 9h sáng (giờ địa phương), ngày 27/8. Để thị uy và cũng là để sẵn sàng trừng trị "kẻ cứng đầu" này, hải quân Hoàng gia Anh đã điều động 3 tàu tuần dương, 2 pháo hạm, 150 lính thủy đánh bộ Anh và 900 lính Zanzibar bản xứ, tập trung trên biển ngay trước mặt cung điện hoàng gia Zanzibar.
Vua Khalid cũng không vừa. Ông lập tức điều động 2.800 binh sĩ để bảo vệ cung điện, chưa kể hàng trăm lính gác thường trực của hoàng gia. Ngoài ra, rất nhiều nô lệ và dân thường cũng được huy động làm lực lượng dự bị và hỗ trợ. Cả hai phía đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực không tránh khỏi.
Zanzibar ngày nay được biết đến là điểm đến nổi tiếng của du khách. Ảnh internet
Đúng 9h ngày 27/8/1896, khi thời hạn chót trong tối hậu thư đã trôi qua, người Anh lập tức khai hỏa. Những khẩu pháo và súng máy hiếm hoi trên nóc cung điện hoàng gia Zanzibar nhanh chóng bị khuất phục bởi hỏa lực vượt trội từ các chiến hạm Anh. Tất cả các tàu chiến thô sơ của vua Khalid ngoài biển cũng biến mất chỉ sau loạt đại bác đầu tiên của người Anh.
Ngay cả chiến thuyền Glassgow - quà tặng của nữ hoàng Anh Victoria cho cố vương Hamad cũng bị bắn chìm không thương tiếc, dù nó đang mang cờ Anh để thể hiện sự ủng hộ "mẫu quốc". Vừa nã đạn vừa đổ bộ, đến 9h40’, lá cờ trên nóc cung điện hoàng gia Zanzibar bị bắn hạ. Tiếng súng cũng ngưng bặt. Sau 40 phút, cuộc chiến kết thúc với phần thắng thuộc về "mẫu quốc".
Và ông vua trị vì đất nước... 3 ngày
500 lính Zanzibar đã bị thiệt mạng, hàng nghìn lính, dân thường và nô lệ bị thương. Cung điện hoàng gia Zanzibar tan hoang sau trận chiến chớp nhoáng. Về phía Anh, tổn thất đáng kể nhất là... một thủy thủ bị thương nhẹ. Nhưng làn sóng "ăn theo" chiến tranh sau đó lại gây ra nhiều hậu quả nặng nề hơn. Lợi dụng tình trạng lộn xộn trong và sau cuộc chiến, một làn sóng cướp bóc, đốt phá, trả thù... đã diễn ra trên khắp Zanzibar.
Hàng trăm người đã thiệt mạng trong bối cảnh hỗn loạn ấy. Khắp nơi tràn ngập khói lửa, giết chóc như thể đây mới là một cuộc chiến tranh thực sự. Dù rất mạnh tay trấn áp, nhưng phải hai tháng sau, nhà cầm quyền Anh và ông vua bù nhìn Hamud do họ dựng lên mới cơ bản kiểm soát được tình hình, vãn hồi trật tự.
Hoàng thân Khalid dẫn theo khoảng 40 người thân đã chạy trốn vào tòa sứ quán Đức và yêu cầu được trợ giúp. Người Đức từ chối giúp ông giành lại quyền lực, bởi họ không muốn đối đầu với người Anh. Nhưng Khalid cũng nhận được lời bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình.
Quả vậy, khi người Anh yêu cầu dẫn độ ông vua thất thế này, sứ quán Đức đã từ chối với lý do điều đó có thể khiến ông gặp nguy hiểm đến tính mạng. Sau nhiều tháng ở thế giằng co, cuối cùng các bên cũng đạt được thỏa thuận: Người Anh sẽ để yên cho Khalid và gia đình đi tị nạn tại một nơi nào đó, miễn là phải rời khỏi Zanzibar và vĩnh viễn không bao giờ được quay về cố quốc. Ngày 2/10/1896, hoàng thân Khalid và gia quyến lên một con tàu Đức đi Dar es Salaam, một thuộc địa của Đức tại Đông Phi. Ông sống lưu vong tại đó cho đến khi qua đời vào năm 1927.
Từ khi hoàng thân Khalid lên ngôi cho đến khi bị lật đổ chỉ vỏn vẹn có chưa đầy 3 ngày, và mâu thuẫn giữa ông với người Anh đã nảy sinh ngay từ những giờ phút nắm quyền đầu tiên khiến nhiều người không kịp tìm hiểu xem vì sao ông lại bị "mẫu quốc" ghét bỏ đến vậy. Trước đó, Khalid vốn có tiếng là người theo chủ nghĩa dân tộc, luôn bày tỏ ý định đòi độc lập khỏi đế chế Anh. Nhưng chỉ có vậy thôi thì cũng chưa đủ để người Anh phải tuyên chiến với ông, người đứng đầu một quốc đảo thuộc địa rất nhỏ bé.
Chỉ đến khi tân vương Hamud thực thi các chính sách cai trị theo "ý chỉ" của toàn quyền Anh, nguyên nhân này mới được hé mở. Hóa ra, hoàng thân Khalid đã cương quyết chống lại chính sách trả tự do cho nô lệ kể cả tại các thuộc địa của nữ hoàng Anh. Cùng với ý đồ dựa vào nước Đức để giành độc lập, đây là hai nguyên nhân quan trọng nhất khiến vị vua này phải sống lưu vong và ôm hận nơi đất khách quê người những năm cuối đời.
Đứng thứ hai là cuộc chiến 6 ngày Với 45 phút, cuộc chiến Zanzibar được xếp là cuộc chiến đứng đầu danh sách các cuộc chiến ngắn nhất trong lịch sử chiến tranh. Đứng ngay sau Zanzibar là cuộc chiến tranh kéo dài 6 ngày giữa Israel và Ai Cập, Syria, Jordan, Iraq năm 1967. Sau khi Israel đe dọa các đồng minh của Syria, Ai Cập đưa 1.000 xe tăng và 100.000 binh sĩ tới biên giới bán đảo Sinai, đóng cửa eo Tiran đối với mọi tàu thuyền treo cờ Israel hay chuyên chở các vật liệu chiến lược, đồng thời kêu gọi khối Ảrập thống nhất chống lại Israel. Ngày 5/6/1967, Israel mở cuộc tấn công nhằm vào không lực Ai Cập. Tiếp đó, Jordan tấn công tây Jerusalem và Netanya. Kết thúc chiến tranh, Israel giành quyền kiểm soát đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây và Cao nguyên Golan. Kết quả cuộc chiến đã tác động tới tình hình địa chính trị tại khu vực vào thời điểm đó. Tính tổng lãnh thổ của Israel tăng gấp ba lần, gồm một triệu người Ả-rập bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Israel tại lãnh thổ mới giành được. Vùng chiến lược của Israel tăng thêm ít nhất 300km về phía Nam, 60km về phía Đông và 20km ở những vùng hiểm trở ở phía Bắc, khối tài sản an ninh này đã tỏ ra hữu ích trong cuộc chiến Ả-rập - Israel trong 6 năm sau đó. |
An Mai (Theo MilitaryHistory)