Năm 2017, lần đầu tiên những người làm bão ở Việt Nam phải đặt tên cho một cơn bão cuối mùa mang tên bão số 16. Đây là năm có tới 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện và hình thành trên biển Đông. Trong đó có 5 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 3 cơn ATNĐ đổ bộ trực tiếp vào nước ta.
Theo Ban chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai (PCTT), đặc biệt nghiêm trọng là hai cơn bão số 10 và số 12 cường độ rất mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14 (rủi ro thiên tai cấp độ 4) đã ảnh hưởng vào khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Đây là những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực trong vòng nhiều năm và đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng trong khu vực và để lại hậu quả rất nặng nề.
Các đợt mưa lớn kéo dài liên tục từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 10/2017 với tổng lượng vượt từ 10-30% so với trung bình nhiều năm.
Mưa lớn trái mùa giữa tháng 10 làm lưu lượng về các hồ tăng cao đột ngột (có thời điểm về hồ Hòa Bình đến 15.940m3/s) trong khi các hồ chứa đã tích đầy nước theo quy trình, lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập 8 cửa đáy với lưu lượng xả lớn nhất là 16.520m3/s.
Ngoài ra, mưa lớn đã gây một đợt lũ ở mức lịch sử tại một số sông thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa làm ngập lụt trên diên rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều trong khu vực.
Lũ đặc biệt lớn xấp xỉ mức lịch sử vào đầu tháng 11/2017 sau bão số 12 tại các tỉnh miền Trung đặc biệt trên sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), sông Thu Bồn (tỉnh Quảng Nam) và sông Vệ (tỉnh Quảng Ngãi) đã gây ngập sâu tại TP. Huế và thị xã Hội An đúng vào tuần lễ Hội nghị cấp cáp APEC đã ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động bên lề Hội nghị.
Lũ quét, sạt lở đất: trên diện rộng tại các tỉnh miền núi từ ngày 02-04/8/2017 và từ ngày 10-12/10/2017, trong đó đặc biệt nghiêm trọng tại Mường La, tỉnh Sơn La và Mù Căng Chải, huyện Yên Bái và các huyện Tân Lạc, Đà Bắc, TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình,...
Sạt lở bờ sông, bờ biển: đã xảy ra nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long với 562 điểm sạt lở, tổng chiều dài trên 786 km và mất đi khoảng 300ha đất/năm, đặc biệt nghiêm trọng là sạt lở bờ sông Vàm Nao, tỉnh An Giang, sạt lở kè Gành Hòa, tỉnh Bạc Liêu,...
386 người chết và mất tích, 60.000 tỷ đồng tài sản bị thiệt hại
Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết và mất tích (tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung), 654 người bị thương; 8.126 nhà bị đổ, sập, trôi; 352.943 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; 65.350 con gia súc và 2 triệu con gia cầm bị chết; 59.603 ha và 41.920 lồng nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại,...
Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (riêng bão số 12 và mưa lũ sau bão đã làm 123 người chết và mất tích, 38.629 lồng, bè và 1.809 tàu thuyền bị hư hỏng, thiệt hại; tổng thiệt hại kinh tế khoảng 22.680 tỷ đồng).
Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT, Tổng cục trưởng tổng cục Phòng, chống thiên tai cho hay: “Thiệt hại về người và tài sản hàng năm vẫn còn lớn, nhất là thiệt hại về tài sản ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến đời sống, môi trường sản xuất kinh doanh, mục tiêu xoá đói giảm nghèo và chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế. Một phần do tình hình thiên tai ngày càng lớn cả về cường độ, số lần xuất hiện và trái quy luật; khó dự báo, cảnh báo, nhiều tình huống bất ngờ, vượt quá năng lực chống chịu”.
Một trong những nguyên nhân, theo ông Hoài còn do năng lực của cơ quan làm công tác PCTT các cấp còn rất hạn chế từ con người cho tới trang thiết bị, công cụ hỗ trợ,... nên chưa đủ năng lực cũng như chuyên tâm theo dõi, giám sát, cảnh báo và tham mưu kịp thời.
Ông Hoài cũng cho rằng: “Kinh phi ngân sách nhà nước cho khắc phụ hậu quả thiên tai và tái thiết sau thiên tai mặc dù chính phủ đã rất quan tâm song còn ở mức thấp so với yêu cầu, nguồn kinh phí chủ yếu đang dựa vào ngân sách nhà nước, chưa thực hiện được bảo hiểm rủi ro thiên tai. Việc tiếp nhận hỗ trợ từ các nguồn kinh phí của xã hội, các tổ chức quốc tế còn nhiều bất cập, đang là những khó khắn lớn của quá trình khắc phục, tái thiết sau thiên tai”.