Nhạc sĩ Lương Minh
Chiều tối 28/2, thông tin nhạc sĩ Lương Minh - Phó Trưởng ban Văn nghệ,Đài Truyền hình Việt Nam đã đột ngột qua đời vì đột quỵ khiến công chúng bàng hoàng.
Nhạc sĩ Lương Minh sinh ngày 28/7/1967, được đông đảo khán giả biết qua những sáng tác nổi tiếng như Chiếc lá, Mùa thu, Trao em trọn tình yêu... và là thành viên ban tổ chức của nhiều chương trình nổi tiếng như: Bài hát Việt, The Remix, Giọng hát Việt…
Nhạc sĩ Thanh Tùng
Trong khi công chúng vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của nhạc sĩ Lương Minh thì lại phải đón nhận thêm tin buồn rằng nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời sau một thời gian chiến đầu với bệnh tật.
Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời ở tuổi 68 vào ngày 15/3, tại bênh viện Bạch Mai. Ông ra đi để lại cho nền nhạc Việt một khối tài sản vô giá với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng: Giọt nắng bên thềm, Trái tim không ngủ yên, Một mình...
Ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập
Cũng trong tháng 3, sự ra đi của ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập lại là một cú sốc lớn đối với khán giả.
Sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng, ngày 17/3 ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập đã trút hơi thở cuối cùng. Ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập sinh năm 1974 tại Nam Định, thủ lĩnh của ban nhạc rock được nhiều người yêu mến - Bức Tường.
Trần Lập được coi là thần tượng của bao thế hệ sinh viên với những ca khúc như Tâm hồn của đá, Bông hồng thủy tinh, Đường đến đỉnh vinh quang, Cây bàng, Mắt đen... Những ca khúc của anh hầu hết đều mang tinh thần rock đầy cảm hứng, truyền lửa sống đến với những thân phận nhỏ bé, những phận người thiếu may mắn.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Vào ngày 14/4, thông tin nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ra đi ở tuổi 76 đã khiến cho không ít người cảm thấy hụt hẫng. Được biết, nhạc sĩ Nguyễn Ánh qua đời sau nhiều năm mắc phải căn bệnh về đường hô hấp và suy tim.
Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông chuyển vào Sài Gòn sống từ năm 11 tuổi. Ông không sáng tác nhiều nhưng hầu hết những ca khúc của ông sáng tác đều là những ca khúc “không thể nào quên”: Không, Tình yêu đến trong giã từ, Bơ vơ, Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Lặng lẽ tiếng dương cầm... Đặc biệt, ngoài viết nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn nổi danh là nhạc công piano.
NSƯT Hán Văn Tình
NSƯT Hán Văn Tình qua đời vào lúc 11h20 trưa ngày 4/9 tại nhà riêng sau những chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.
NSƯT Hán Văn Tình sinh năm 1957 và học tại Trường đào tạo Sân khấu Hà Nội từ năm 1973. Ông mà một trong những nam nghệ sĩ được đặc biệt yêu thích của làng giải trí miền Bắc. Trong đó, vai diễn giúp ông nổi danh chính là vai Chu Văn Quềnh trong bộ phim Đất và người. Sau vai diễn, nhiều khán giả thường gọi ông bằng cái tên “lão Quềnh”.
Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã nhiều lần được nhà nước vinh danh và trao tặng những danh hiệu quý giá: Huy chương Bạc vai Lý Đại Hỷ trong vở tuồng Hoàng hôn đen (1985), Huy chương Bạc vai Ngự Y trong vở tuồng Tiếng thét giữa Hoàng cung (1990), Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng năm 1999...
Ca sĩ Minh Thuận
Sau một thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, ca sĩ Minh Thuận đã ra đi vào lúc 8h15 ngày 18/9, hưởng dương 47 tuổi.
Minh Thuận sinh năm 1969, là ca sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Minh Thuận - Nhật Hào tạo thành đôi song ca ăn ý, được nhiều khán giả yêu thích qua các bài hát như: Chiếc thuyền nan, Cô bé dỗi hờn, Thất tình...
Khoảng năm 1996, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, đôi bạn bất ngờ tách nhóm. Con đường âm nhạc của Minh Thuận từ đó không thuận lợi. Anh chuyển hướng đóng phim truyền hình và điện ảnh. Trong đó, vai Ninh Lâm (hay còn gọi là Lâm Ca rô) của anh trong phim truyền hình Cô gái xấu xí được khán giả rất yêu thích. Tại cuộc thi Gương mặt thân quen 2014, Minh Thuận giành giải á quân với phần phụ diễn của Phương Thanh.
NSƯT Phạm Bằng
Ngày 31/10 vừa qua, làng giải trí Việt đón nhận thêm một tin buồn bởi sự ra đi của NSƯT Phạm Bằng. NSƯT Phạm Bằng qua đời sau một thời gian phát hiện ra căn bệnh viêm túi mật và viêm gan.
NSƯT Phạm Bằng sinh năm 1931 tại Hà Nội. Ông từng theo học Cao đẳng Giao thông công chính trước khi gia nhập Đoàn Văn công Hà Nội, sau đó trở thành diễn viên của Đoàn Kịch Hà Nội. Ông tham gia nhiều vai diễn phản diện trên sân khấu trước khi bén duyên với hài. Đầu năm 1975, ông chuyển sang Đoàn kịch nói Trung ương. Các vai hài được khai thác triệt để. Ông được biết đến rộng rãi qua chương trình Gặp nhau cuối tuần. Nghệ sĩ cũng thường xuyên xuất hiện trong các đĩa hài Tết, các sân khấu hài khắp cả nước.
Minh Trí (Tổng hợp)