Mỗi ngày đút túi 12,5 tỷ tiền lời
Tổng công ty Bia – Rựou – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 với những con số khả quan.
Theo báo cáo, doanh thu thuần trong quý đạt 8.834 tỷ đồng, tăng mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng hơn gấp đôi – cao hơn mức tăng của doanh thu thuần lần khiến lãi gộp chỉ còn 2.258 tỷ đồng, tăng 11% so với quý 4/2015.
Tính riêng trong quý 4/2016, Sabeco ghi nhận 997 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015.
Tính lũy kế cả năm 2016, Sabeco đã tiêu thụ được hàng tỷ lít bia ra thị trường với tổng mức doanh thu đạt được trong năm đạt 30.666 tỷ đồng. So với người anh em phía Bắc thì doanh thu tiêu thụ của Sabeco gấp tới 2,5 lần tổng doanh thu 12.000 tỷ đồng của là Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế Sabeco đạt 4.655 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2015. Tính ra, mỗi ngày ông lớn ngành giải khát đã đút túi được 12,5 tỷ đồng tiền lãi.
So với kế hoạch được đặt ra tại đại hội đồng cổ đông được tổ chức hồi tháng 5/2016, công ty đã hoàn thành vượt 27% so với mức chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra là 3.659 tỷ đồng.
Liệu ông Vũ Quang Hải đã có thể ngẩng cao đầu?
Ngoài việc ghi dấu với những con số kết quả kinh doanh ấn tượng, Sabeco còn khiến các cổ đông và hàng trăm nghìn nhà đầu tư phải nhớ đến nhờ những lùm xùm nhân sự Bộ Công thương thời gian vừa qua.
Trong năm 2016, 5 thành viên Hội đồng quản trị Sabeco phải lo hàng loạt vấn đề liên quan đến việc quản lý, vận hành khối tài sản gần 20.000 tỷ (với 19 cuộc họp, ban hành 89 nghị quyết) vừa phải loay hoay xử lý những bất cập về bổ nhiệm nhân sự trong quá khứ.
Năm 2016 còn là bước ngoặt đánh dấu sự kiện Sabeco chính thức “lên sàn” sau lời giục giã của các cấp ban ngành. Ngày 12/12, hơn 641 triệu cổ phiếu SAB niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh góp phần làm thỏa mãn “cơn khát” cổ phiếu bia cho toàn thị trường. Hiện thị giá đã tăng phi mã lên mức 203.000 đồng/CP – gấp 20 lần mệnh giá, là cổ phiếu có giá trị cao nhất sàn chứng khoán và chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Một năm báo lãi 4.655 tỷ đồng cũng là mức lợi nhuận kỷ lục được Sabeco ghi nhận sau 40 năm xây dựng và phát triển thương hiệu bia Sài Gòn. Tuy vậy, đây lại không là điều gây bất ngờ đối với các cổ đông đang đặt cược vào cổ phiếu SAB, trước đó dàn lãnh đạo doanh nghiệp năm lần bảy lượt “đánh tiếng” về kết quả khả quan trên.
Ông Vũ Quang Hải – thành viên HĐQT Sabeco, người đang được dư luận quan tâm đặc biệt nhờ những quyết định bổ nhiệm thần tốc nhưng lại sai quy định của Bộ Công thương từng chia sẻ trước thời điểm viết đơn xin từ nhiệm: “Kế hoạch năm 2016 của Sabeco đã hoàn thành, các công việc cần làm thuộc trách nhiệm của tôi cũng đã xong. Sabeco cũng sắp có một năm lịch sử khi lãi kỷ lục, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Tôi xin rút thì ít nhất cũng phải ngẩng cao đầu".
Ngày 30/12/2016 - ngay trước thời điểm chốt sổ năm tài chính, Sabeco đã quyết định miễn nhiệm tư cách phó Tổng giám đốc Tổng công ty đối với ông Vũ Quang Hải.
Ngày 16/02 sắp tới, Sabeco cũng sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để xin ý kiến về việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Hải. Như vậy, nếu được ĐHĐCĐ thông qua, vị sếp tuổi trẻ tài cao được Sabeco xin về hồi tháng 3/2015 sẽ chính thức được “hạ cánh an toàn” khỏi các chức danh đang đảm nhiệm tại Sabeco dưới tư cách là công chức Bộ Công thương. Tuy nhiên, theo đề xuất gửi Bộ chủ quản trước đó, ông Hải đã xin được tiếp tục làm việc và cống hiến tại Sabeco sau khi được “ngẩng cao đầu” nhờ kết quả kinh doanh năm 2016.
Quyết tâm ở lại Sabeco của ông Vũ Quang Hải được đánh giá là tận tâm tận lực hay khiên cưỡng cố chấp? Nếu thực sự có tài, liệu ông Hải có thể thể hiện năng lực của mình tại hàng nghìn doanh nghiệp khác – nơi mà không có bóng dáng của Bộ Công thương?
Ngoài ông Hải, thời gian tới, Sabeco sẽ phải tiếp tục lựa chọn người tài để ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị hiện do ông Lê Hồng Xanh đảm nhiệm (ông Lê Hồng Xanh sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/7/2017).
Một lãnh đạo khác cũng đến tuổi về hưu đó là thành viên Ban kiểm soát Chung Trí Dũng. ĐHĐCĐ bất thường sắp tới sẽ thông qua việc bổ nhiệm người thay thế là ông Nguyễn Văn Minh làm thành viên BKS chuyên trách.
Một doanh nghiệp – đặc biệt là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu lâu năm như Sabeco hoạt động có hiệu quả hay không lại không chỉ đánh giá qua báo cáo tài chính, mà nó còn thể hiện qua việc cạnh tranh lành mạnh, qua năng lực của vị lãnh đạo có tâm có tài. Dàn lãnh đạo thay mới có giúp thay đổi được bộ máy cồng kềnh đang hoạt động tại Sabeco hay chỉ là “bình mới rượu cũ” với những vị chức cao vọng trọng hả hê với những con số mang danh “kỷ lục”?
Hoa Liên