Năm 2017 đánh dấu một bước chuyển mới trong hoạt động của Quốc hội. Đáng chú ý là không khí thảo luận, tranh luận tại kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện sự chuyển biến từng bước từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận.
Cùng báo Người Đưa Tin điểm lại một số trong rất nhiều chất vấn “hóc búa” năm 2017 để thấy rằng, hoạt động của Quốc hội nói chung và mỗi ĐBQH nói riêng ngày càng phản ánh rõ tâm tư, nguyện vọng và niềm tin của cử tri, nhân dân.
Hỏi thẳng, trả lời thẳng
Chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. ĐBQH Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) đặt câu hỏi: “Sau khi nghe Quốc hội thảo luận những ngày qua, Thủ tướng thấy có hài lòng với kết quả điều hành kinh tế - xã hội đất nước năm 2017 không?”. Câu hỏi thứ hai: “Những vụ đại án liên quan đến tham nhũng, buôn lậu, cờ bạc và đặc biệt là lạm dụng quyền lực thời gian qua tuy có được phát hiện nhưng chậm xử lý hoặc xử lý không nghiêm. Phải chăng có vùng cấm đối với các đối tượng liên quan các vụ án này?”.
Trả lời những nội dung này, Thủ tướng khẳng định: “Tôi nghĩ là chưa được hài lòng trong điều hành đất nước. Cần nói thẳng thắn như vậy. Chúng ta phải làm tốt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa để kết quả tốt hơn. Nếu cán bộ trên mọi miền Tổ quốc làm hết sức mình thì chắc chắn kết quả tốt hơn”. Câu hỏi thứ hai, Thủ tướng trả lời: “Tôi khẳng định, Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực, cờ gian, bạc lận. Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng”.
Trước khi trả lời phần chất vấn này, Thủ tướng đánh giá, “đây là câu hỏi rất hóc búa”. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ: “Với câu hỏi ấy và với câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi thấy khá hài lòng, bởi chính Thủ tướng cũng nói Thủ tướng chưa hài lòng với kết quả điều hành kinh tế - xã hội trong năm 2017, dù đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Ông trả lời như vậy là khiêm tốn”.
Chất vấn Bộ trưởng bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu một loạt bất cập trong việc doanh nghiệp chây ỳ về nợ đọng thuế, bất cập trong các dự án BOT và hỏi: “ Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục những vấn đề đó”. ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (tỉnh Nghệ An) tiếp nối phần câu hỏi này, chất vấn: “Câu hỏi thứ hai, trùng với ĐB Phương đoàn Quảng Bình, tôi không nhắc lại thêm và tôi chỉ muốn Bộ trưởng trả lời là có giải pháp gì mới có tính chất đột phá không, nếu không thì không trả lời cũng được”.
Do trả lời khá lan man, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nhiều lần bị chủ tọa nhắc nhở cần đi thẳng vào vấn đề trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Còn một ý của ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, Bộ trưởng sẽ trả lời có giải pháp nào mới, hiệu quả không để chống tình trạng nợ đọng thuế? Còn nếu không có giải pháp mới thì Bộ trưởng không cần trả lời. Sẽ có 1 giải pháp là Chính phủ tổng hợp tất cả các khoản nợ thuế, báo cáo Quốc hội để xem xét những khoản không có khả năng, không thể thu hồi được”.
Truy đến cùng vấn đề
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) cũng đã đặt câu hỏi “khó nhằn” với Bộ trưởng bộ Tài chính về vấn đề mua bán hóa đơn và gian lận thuế: “Thứ nhất là hệ thống các quy định chi tiêu tài chính có được coi là pháp luật nữa không, trong khi có quá nhiều kẽ hở để có thể vận dụng một cách tùy tiện mà cơ quan tài chính không làm gì được. Hai là vai trò, trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp là gì trước tình trạng lãng phí nói trên. Theo Bộ trưởng, liệu lĩnh vực này có tiêu cực gì không?”.
Chất vấn Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều 14/6 tại kỳ họp thứ 3, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (TP.Đà Nẵng) hỏi: “Trong báo cáo của Bộ trưởng, Phần III trả lời về trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia dài đến 7 trang, riêng trách nhiệm của bộ Kế hoạch và Đầu tư là 1 trang, nhưng chủ yếu trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, những văn bản này ĐBQH hoàn toàn có thể tra cứu được. Tôi đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của bộ mình và Bộ trưởng trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia như thế nào và có cam kết gì để khắc phục hạn chế”.
ĐBQH Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn Bộ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sáng 14/6 một câu hỏi: “Theo quy định hiện nay, nhiều hoạt động vui chơi giải trí phải dừng hoạt động sau 0:00, nhiều cử tri và cơ sở kinh doanh cho rằng, nguyên nhân cấm hoạt động sau 0:00 không hẳn là do an ninh trật tự hay lo ngại ảnh hưởng, tác động đến thanh, thiếu niên mà là do không quản lý tốt nên cấm. Là “Tư lệnh” ngành Văn hóa, thể thao, du lịch, Bộ trưởng có suy nghĩ gì khi các trung tâm lớn có nhiều du khách nước ngoài nhưng không có các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm. Xin hỏi Bộ trưởng có tư duy, quan niệm khó quản lý thì cấm hay không?”.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: Đối với ĐBQH Dương Minh Tuấn liên quan đến hoạt động vui chơi, giải trí sau 0h thì ý kiến này tôi xin tiếp thu và trả lời đại biểu sau bằng văn bản. Không đồng tình với trả lời này, ĐBQH Dương Minh Tuấn đã “có ý kiến” trao đổi lại với Bộ trưởng: “Phần chất vấn của tôi có 3 ý, tôi xin cảm ơn Bộ trưởng đã rất cầu thị, thận trọng trả lời cụ thể sau bằng văn bản. Tuy nhiên, có một ý Bộ trưởng hoàn toàn có thể trả lời ngay, đó là Bộ trưởng có tư duy "khó quản" thì cấm hay không? Xin Bộ trưởng chỉ cần trả lời có hay không”.
Mời Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các câu hỏi chất vấn tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã “nhắc nhở” vị Bộ trưởng: “ĐBQH Dương Minh Tuấn thì không cần trả lời nhiều, chỉ hỏi là có hay không, tư duy là quản không được thì cấm, Bộ trưởng chỉ cần nói có hay không có”.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Dương Minh Tuấn sau khi bị nhắc nhở, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Tôi thấy rằng, không phải khó quản thì cấm mà phải cố gắng suy nghĩ cách quản lý như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế”.
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) cũng đặt câu hỏi thẳng với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “Cử tri cho rằng vai trò của bộ trong việc xử lý vấn đề nóng của ngành tuy đã có nhưng còn mờ nhạt và chưa kịp thời. Vậy, Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này và giải pháp khắc phục, tôi muốn nhấn mạnh về tính kịp thời của việc xử lý vấn đề”. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận “còn chậm” khi xử lý vấn đề nóng và “xin tiếp thu để cố gắng trong thời gian tới trong công tác xử lý các vấn đề quản lý Nhà nước cũng như các vấn đề nóng được kịp thời hơn”.