Nhìn lại những sự kiện pháp đình năm 2017: Bài học về 3 chữ “tham, sân, si”

Nhìn lại những sự kiện pháp đình năm 2017: Bài học về 3 chữ “tham, sân, si”

Dương Kim Ngân

Dương Kim Ngân

Thứ 4, 14/02/2018 06:00

Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta phạm tội. Có người để lòng tham làm mờ mắt, có người lại vì yêu quá hóa cuồng... Nhưng dù vì lý do gì thì họ cũng sẽ phải trả giá cho hành vi của mình. Tuy nhiên, những gì họ đã gây ra để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho gia đình và xã hội.

1. Khi lòng tham làm mờ mắt

* Năm 2017 có lẽ là năm “rất không vui” của ngành ngân hàng khi có nhiều cán bộ liên tiếp “ngã ngựa” trong nhiều vụ án lớn nhỏ. Trong đó có những tên tuổi có tiếng như Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch hội đồng Tín dụng Sacombank), Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam VNCB; nguyên chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh); Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đại Dương – Oceanbank)…

Góc nhìn luật gia - Nhìn lại những sự kiện pháp đình năm 2017: Bài học về 3 chữ “tham, sân, si”

Ông Phạm Công Danh tới phiên tòa xét xử tại TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Điệp)

Không “ngã” một mình, các cựu quan chức này còn kéo theo cả một bộ sậu “hùng hậu” vào vòng lao lý. Lần lượt những cái tên như ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB); ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank); Vietcombank, Sacombank, ngân hàng An Bình… đều có cán bộ “nhúng chàm”.

Tội danh chủ yếu của các cán bộ hành nghề “kinh doanh tiền” này là vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm… Dù thủ đoạn, phương thức phạm tội khác nhau nhưng điểm chung lớn nhất của họ là đều gây thất thoát cho Nhà nước một số tiền vô cùng lớn, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng.

Với số tiền khủng như vậy, thật khó để nói rằng họ không tư lợi, rằng phạm tội chỉ vì vô tình, sơ ý… Phạm tội đương nhiên sẽ phải trả giá nhưng điều khiến dư luận quan tâm nhất là làm thế nào để thu hồi lại toàn bộ số tiền mà các bị cáo đã gây thất thoát? Và điều quan trọng hơn là hành vi của họ đã làm xói mòn niềm tin của người dân vào nơi họ chọn để “gửi gắm” gia sản của mình.

Những vụ án này cũng cho thấy làm việc ở nơi hàng ngày, hàng giờ đều phải tiếp xúc với tiền, chỉ cần để lòng tham che mờ lý trí, bất cứ ai cũng có thể sa chân. Vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để “chế ngự” lòng tham trong mỗi con người.

* Khi xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu và làm giả con dấu xảy ra tại công ty Cổ phần VN Pharma, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao VKS cùng cấp điều tra lại, trong đó có yêu cầu làm rõ những thiếu sót của một số cán bộ cục Quản lý Dược.

Góc nhìn luật gia - Nhìn lại những sự kiện pháp đình năm 2017: Bài học về 3 chữ “tham, sân, si” (Hình 2).

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Dân trí)

Vì lòng tham, từ năm 2012 thông qua bị cáo Võ Mạnh Cường, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty VN Pharma đã chỉ đạo thuộc cấp nhập đặt mua một số loại thuốc tân dược mang nhãn mác Helalth 2000 Canada sản xuất. Năm 2013, Công ty này tiếp tục đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix pharmaceuticals (Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó có thuốc H-Capita 500mg dùng chữa trị bệnh ung thư.

Theo kết luận giám định của bộ Y tế, lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Nếu là thuốc giả thì tội danh của các bị cáo không phải là Buôn lậu nữa mà là tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh với khung hình phạt cao hơn rất nhiều.

Đây cũng chính là lý do tòa phúc thẩm đề nghị phải trưng cầu giám định lại số thuốc H-Capita 500mg để có cơ sở xem xét tội danh của các bị cáo một cách toàn diện, chính xác.

Tòa phúc thẩm cho rằng việc nhập lô thuốc là có sự tắc trách của cán bộ cục Quản lý Dược. Việc thẩm định có nhiều thiếu sót nên cần làm rõ trách nhiệm của những cán bộ này.

* Một vụ án tình-tiền được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ án của hoa hậu Thế giới người Việt tại Nga Trương Hồ Phương Nga. Vụ án này khởi nguồn từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết. Tháng 4/2014, ông Cao Toàn Mỹ tố cáo Trương Hồ Phương Nga mượn 16,5 tỷ đồng để “mở spa” nhưng không trả. Ngày 19/11/2014, cơ quan điều tra khởi tố vụ án.

Ngày 19/3/2015, Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xử sơ thẩm lần 1, tòa án trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 22/6/2017, TAND TP.HCM xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục… trả hồ sơ cho VKS. Sau phiên tòa này, các bị cáo được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

Góc nhìn luật gia - Nhìn lại những sự kiện pháp đình năm 2017: Bài học về 3 chữ “tham, sân, si” (Hình 3).

Ông Cao Toàn Mỹ và bị cáo Trương Hồ Phương Nga.

Không chỉ tốn giấy mực của báo chí, vụ án còn khiến dư luận tranh luận không ngớt quanh số tiền đại gia Mỹ đưa cho hoa hậu khi họ còn “ân ái mặn nồng”.

Trong khi hoa hậu cho rằng, đây là tiền ông Mỹ chi cho cô để thực hiện cái gọi là “hợp đồng tình dục” thì “bị hại” lại khẳng định đó là tiền Nga “mượn” của ông. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, mọi động thái của cả hai bên đều được đặc biệt quan tâm. Thậm chí ngay cả khi Nga đã được tại ngoại, vẫn còn không ít “kẻ săn tin” chạy theo xem cô đang “ăn gì, ở đâu”?.

Ai đúng, ai sai còn chưa ngã ngũ. Xem ra câu ca “Bắc thang lên hỏi ông trời/Tiền mang cho gái còn đòi được không?” quá đúng trong vụ án này. Và cho dù bên nào “giữ” được 16,5 tỷ đồng thì cũng “đầy thương tích”!

2. Si quá hóa cuồng

Năm 2017, liên tiếp xảy ra những vụ án mạng thương tâm mà nạn nhân và hung thủ là vợ chồng đầu ấp tay gối, từng “thề non hẹn biển” với nhau khiến dư luận hết sức bàng hoàng, nhức nhối.

Theo các nhà tâm lý học, trong một xã hội ngày càng văn minh, phát triển mà nhiều gia đình vẫn xảy ra những bi kịch đau lòng là điều đáng báo động. Ngoài những mâu thuẫn về tiền bạc, mâu thuẫn trong sinh hoạt thường ngày, một nguyên nhân lớn dẫn đến những vụ án gia đình này chính là do tính ghen tuông và sự ích kỷ.

Vì ghen mà chồng/vợ/người tình sẵn sàng xuống tay với “nửa kia” một cách tàn nhẫn. Thực ra “máu Hoạn Thư” thì ai cũng có. Vấn đề là mỗi người phải tự biết kiềm chế hành vi của bản thân. Ghen một chút có thể giúp tình yêu thêm thi vị, ngọt ngào nhưng ghen quá thì dễ dẫn tới… án mạng.

* Biết người yêu sa chân vào cờ bạc dẫn tới nợ nần, nữ sinh P.T.H, 17 tuổi, ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã hết lời khuyên can. Thay vì nghe lời khuyên chí tình, anh chàng lại nổi xung với bạn gái. Trong lúc giận dỗi, cô gái đòi chia tay. Thế là 9X “đời chót” Phạm Văn Quý đã nhẫn tâm xuống tay sát hại người yêu, giấu xác vào bụi cây rồi bỏ về. Về đến nhà, có lẽ do hoảng loạn và hối hận, Quý dùng dao lam cắt cổ tay định tự sát. Nhưng ông trời không cho anh ta được chết dễ dàng như vậy. Phát hiện Quý bị thương, gia đình lập tức đưa anh ta đi cấp cứu. Và từ đây, tội ác của nam thanh niên dần hé lộ.

* Mới đây ở Bình Dương đã xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng: Vợ chặt đầu chồng rồi phân xác ở Bình Dương.

Trưa 16/12, anh Nguyễn Văn T. (công nhân vệ sinh môi trường) đến thu gom rác tại đường Thuận Giao 09 (thuộc khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An) thì thấy 1 chiếc ba lô màu xanh. Kiểm tra bên trong, anh T. kinh hoàng phát hiện đầu một thanh niên ngoài 30 tuổi. Sau đó, công an xác định nạn nhân là anh Trần Thanh T. (37 tuổi, quê Sóc Trăng).

Góc nhìn luật gia - Nhìn lại những sự kiện pháp đình năm 2017: Bài học về 3 chữ “tham, sân, si” (Hình 4).

Nghi phạm Hàng Thị Hồng Diễm.

Theo thông tin người dân cung cấp, anh T. ở trọ tại phường Thuận Giao. Tối 15/12, họ có nghe tiếng cãi vã, đánh nhau giữa anh T. và vợ là Hàng Thị Hồng Diễm (32 tuổi, quê Hậu Giang). Công an đã mời Diễm về làm việc và qua đấu tranh, đến 1h ngày 18/12, Diễm khai nhận mình chính là thủ phạm giết chồng vào đêm 15/12. Sau đó Diễm đã phân xác nạn nhân bỏ vào túi màu đen. Đến 8h sáng 16/12, Diễm mang các túi nilon chứa xác nạn nhân đem bỏ ở nhiều nơi chứa rác…

Vẫn biết rằng chẳng gia đình nào tránh khỏi mâu thuẫn nhưng chỉ vì một phút tức giận bộc phát, nông nổi, không kiềm chế được bản thân, hay sự ghen tuông mù quáng mà khiến người chết, kẻ vào tù. Đằng sau các vụ án này luôn thường trực nỗi đau khó nguôi ngoai của người thân và trên hết là số phận những đứa trẻ thơ dại, côi cút đáng thương.

3. Sân quá hóa án mạng

* “Cả giận mất khôn”, đó là lời cảnh báo từ ngàn xưa nhưng vẫn có không ít người phạm phải. Đã có nhiều vụ kẻ trộm chó, trộm hoa quả… bị người dân đánh chết. Sau những vụ như vậy, kẻ chết, người đi tù vì hành vi bộc phát trong lúc không kiềm chế. Nguyên nhân hầu hết đều bắt nguồn từ những bức xúc do bị mất trộm đã bị dồn nén từ lâu của người dân, những người đáng thương và cũng thật đáng trách.

Vì 13 quả bưởi bị mất mà 2 ông chủ vườn bưởi đã rơi vào vòng lao lý khi ra tay đánh chết kẻ trộm. Vụ việc xảy ra vào đêm 24, rạng sáng 25/10/2017, khi đó Nguyễn Văn Thoảng (53 tuổi, trú tại thôn Quảng Uyên, Yên Mỹ, Hưng Yên) phát hiện tại khu cánh đồng trồng bưởi nhà mình có người trèo tường vào. Nghi là trộm, Thoảng liền gọi hàng xóm (chủ vườn bưởi ở cùng thôn) là Nguyễn Văn Cảo (48 tuổi) đến hỗ trợ. Phát hiện Nguyễn Văn Bình (63 tuổi, trú tại thôn Bình Dân, Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) đang tìm cách mang bao bưởi vượt tường, Thoảng xông vào vật lộn.

Đúng lúc đó, Cảo xông tới hỗ trợ, đánh đập, gây nhiều thương tích cho Bình khiến người này tử vong. Qua quá trình điều tra và tiến hành khám nghiệm hiện trường, PC45 Công an tỉnh Hưng Yên đã ra lệnh bắt Nguyễn Văn Thoảng và Nguyễn Văn Cảo về hành vi giết người. Theo CQĐT, nạn nhân đã lấy trộm 13 quả bưởi trong vườn nhà Thoảng.

Trong nhiều vụ việc khác, cách hành xử của người dân đối với kẻ trộm đôi khi gây ra rắc rối với chính họ. Không chỉ vi phạm pháp luật, họ còn bị cộng đồng lên án bởi cách hành xử dã man mà chính họ cũng không ngờ mình đã làm trong cơn phẫn nộ.

* Vụ việc xảy ra vào ngày 24/10/2017 tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là 1 ví dụ. Phát hiện 1 thanh niên có hành vi trộm chó nên người dân tiến hành bắt giữ. Không chỉ bị người dân đánh đập không tiếc tay, kẻ trộm chó còn trói tay rồi treo lên cột điện. Lực lượng chức năng địa phương nhận được thông tin liền đến hiện trường giải cứu, đưa kẻ trộm đến trạm y tế.

Rất may, trong vụ việc này không có ai bị mất mạng nhưng khi thông tin và hình ảnh kẻ trộm trong tình trạng máu me đầy mặt, bị treo cổ, trói tay được đưa lên các mặt báo, nhiều người đã tỏ ra bức xúc trước hành động của những người đi bắt trộm. Hầu hết mọi người đều lên án sự thiếu hiểu biết về pháp luật của những người tham gia đánh đập kẻ trộm và cho rằng đó là hành động dã man, không nên có giữa con người với con người.

* Mới đây, cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa thay đổi tội danh từ Cố ý gây thương tích sang tội Giết người theo Điều 93, BLHS đối với Lê Minh Phương (trú tại phường Tây Tựu), chủ tiệm tạp hóa chém nam sinh trộm đồ Nguyễn Đăng Tùng, 15 tuổi, trú cùng địa phương, gây thương tích 61%. Vụ án gây nhiều tranh luận, nhất là về tội danh của bị can. 

Góc nhìn luật gia - Nhìn lại những sự kiện pháp đình năm 2017: Bài học về 3 chữ “tham, sân, si” (Hình 5).

Đối tượng Lê Minh Phương.

Theo pháp luật, hành vi sử dụng vũ lực, xâm phạm đến tính mạng người khác gây hậu quả chết người có dấu hiệu phạm tội Giết người. Trong trường hợp đánh chết trộm, người đánh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định, có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tù.

Trường hợp người dân đánh chết trộm chó không phải là tài sản của mình mà do bị kích động, bức xúc thay cho những người chủ sở hữu thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 93 BLHS với tình tiết định khung theo điểm n “có tính chất côn đồ”.

Theo đó, có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo Điều 93. Trường hợp đối tượng trộm đã bỏ chạy mà người dân vẫn tiếp tục truy đuổi và đối tượng chống trả lại nên bị đánh chết thì không được coi là phòng vệ chính đáng hay tình thế cấp thiết theo quy định tại Điều 15, BLHS và Điều 16, BLHS.

* Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành ở các tỉnh thành trong cả nước mà nạn nhân là trẻ em, những đối tượng được coi là “tương lai của đất nước”. Trong thời gian sống với cha và mẹ kế, bé gái N.H.N.T (SN 2010, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã bị 2 người này bạo hành bằng thanh sắt nóng.

Trong khi đó ở phường Hiệp Thành, quận 12, quận 12, TP.HCM, 3 bảo mẫu ở trường tư thục Mầm Xanh đã có hành động gây bức xúc dư luận như đập bình nhớt vào đầu và vai bé gái; đạp vào người trẻ; đẩy mạnh đầu bé trai vô tường; cầm muỗng nhôm ném vào giờ các bé đang ăn; ném bé trai vào góc tường; dùng dao dọa các bé trong lớp học và trong giờ ăn; dùng ghế nhựa đè lên đầu trẻ; vả vào mặt, vụt dép, đập chân trẻ liên tục xuống ghế đá...

Ngày 27/11, Công an TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hàn (58 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định) về hành vi hành hạ người khác. Bà Hàn chính là người giúp việc đã có hành “tung hứng” bé N., con gái chị N.P ở TP.Phủ Lý và dùng tay bóp miệng, tát mạnh vào mặt, đầu bé. Điều đáng nói là bé N. mới hơn 1 tháng tuổi.

Ánh Dương (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.