Huy sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở Thái Bình. Từ nhỏ, Huy đã có cuộc sống không mấy may mắn khi anh vừa tròn 2 tuổi, cha anh sớm qua đời trên đường lái xe Bắc- Nam.
Từ ngày đó, Huy sống cùng mẹ. Cuộc sống cơ cực, bởi gia đình nhà nội, dù có tiền bạc nhưng họ đối xử với mẹ con Huy chẳng ra gì. Đặc biệt, từ ngày cha Huy mất, các bác còn tìm cách đuổi mẹ con anh ra đường.
Tuổi thơ nhọc nhằn nên Huy tự nhủ quyết chí học hành. Và rồi sau 12 năm anh vất vả đèn sách, mẹ anh sớm hôm tảo tần, anh vào một trường Đại học danh giá ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp anh nhận được suất học bổng toàn phần sang Mỹ. Từ đó cuộc đời Huy bước sang một trang mới.
Trở về Hà Nội sau bao năm tích lũy kinh nghiệm, hành trang vững vàng, Huy được mời vào làm cho một công ty liên doanh với nước ngoài. Sau đó không lâu Huy tậu nhà Hà Nội, đón mẹ già ở quê lên chăm sóc.
Ngày rời xa quê hương, ngoài tấm hình chụp chung với chồng, mẹ Huy chỉ gói ít đồ đạc và mang theo chiếc hộp gỗ nho nhỏ. Theo Huy được biết, chiếc hộp đó bà đã ấp ủ nâng niu suốt cuộc đời, kể từ ngày anh nhận thức được thế giới, anh đã nhìn thấy chiếc hộp đó.
Để mẹ yên tâm, 32 tuổi, Huy cưới vợ sinh cháu. Vợ Huy là Hạnh một cô gái Hà Nội, xinh đẹp, con nhà danh giá. Hiện tại, hai vợ chồng Huy công tác cùng cơ quan.
Hạnh không chỉ có hình thức mà còn là một nàng dâu biết điều. Từ ngày sống cùng mẹ chồng, tuy không hài lòng đôi điều, nhưng Hạnh vẫn nín nhịn.
Tuy nhiên, khi hai cậu con trai lớn đến tuổi tới trường, mẹ Huy đổ bệnh. Từ ngày đó, bà không còn được minh mẫn như trước. Không chỉ chậm chạp, mà bà còn thường xuyên lú lẫn “nói trước quên sau”, thậm chí có những hôm bà quên tắt bếp ga, nấu cơm quên đổ nước,… Những điều đó khiến Hạnh bắt đầu khó chịu, đôi lần cáu gắt vì mệt mỏi.
Điều đó, không đáng sợ bằng việc, thi thoảng Hạnh và các cháu bắt gặp bà vẫn ngồi một mình ở phòng khách, ôm lấy chiếc hộp gỗ lẩm bẩm điều gì đó.
Có lần, con trai của Huy còn bảo với mẹ “Nhìn bà cứ như phù thủy đọc thần chú ấy mẹ ạ! Con sợ lắm”. Nó nói rồi mếu máo khóc.
Vợ Huy thấy thế phàn nàn chồng “Em sợ cảnh này quá! Nếu cứ thế này thì sao sống nổi chứ. Mẹ mình dạo này khác quá!”.
Rồi một hôm nửa đêm Hạnh dậy đi vệ sinh, khi đi qua phòng bếp, cô đột nhiên hét lên vì thấy bà vẫn ngồi đó, tay ôm chiếc hộp đọc lẩm bẩm. Sau hôm đó, cô bàn với chồng đưa bà lên chùa. Bởi ngày trước có lần, cô nghe bà nói “Sau này về già khi các con không cần mẹ nữa hãy cho mẹ lên chùa sống với bà H (bà hàng xóm) nhé”.
Để chồng yên tâm, Hạnh còn nhấn mạnh: “Mấy lần em gặp bà H thấy bà nói cuộc sống trong đó ổn, toàn các bà già thôi. Anh yên tâm mỗi tuần mình đánh xe lên thăm mẹ một lần, rồi mang cho mẹ ít đồ ăn. Không sợ đâu anh à”.
Huy nghe thế vẫn phân vân, cả đời anh chỉ có mình mẹ là người thân yêu duy nhất. Sao anh có thể nhẫn tâm để mẹ sống xa mình, lại còn lên chùa, ăn uống đạm bạc, mẹ anh liệu có chịu được không? Chưa kể, mẹ anh tuổi đã cao thường xuyên ốm đau bệnh tật, lên đó khi xảy ra cơ sự thì ai chăm.
Nhưng rồi chiều nọ, khi đi làm về mẹ Huy nấu thức ăn quên tắt bếp cháy hết cả nồi thịt mùi khét lẹt, khi đó Huy mới có thêm động lực để đưa mẹ lên chùa.
Tối hôm đó, sau bữa ăn ngoài hàng về, thấy mẹ vui vẻ Huy nhân tiện nói luôn với bà. Mẹ Huy nghe thế không nói gì, bà lặng thinh nhìn 2 đứa cháu nước mắt rưng rưng. Sau đó bà ngửa mặt lên trời nói điều gì đó.
Hôm đó, bà ôm ấp nói chuyện với hai cháu rất lâu, sau đó bà cũng dặn con trai, con dâu một vài điều. Dù thế, Huy nghe nhưng chẳng nhớ gì. Tối đó, Huy vào phòng thấy mẹ đang xếp quần áo, anh bỗng dưng nghĩ cũng tủi thân, nhưng vì mẹ già rồi lại hay quên, biết đâu vào đó thay đổi môi trường mẹ anh lại minh mẫn lại.
Dù nghe lời vợ, nhưng tự thân tâm Huy nhủ, chỉ cho mẹ vào đến gần Tết anh sẽ lại đón mẹ về. Tối đó, Huy trằn trọc cả đêm không ngủ, anh đi ra đi vào nghĩ cảnh ngày mai xa mẹ, anh không kìm được lòng. Khi nhìn thấy túi quần áo của mẹ, Huy nhớ ra hộp thuốc an thần chiều nay anh mua cho bà, nên lấy bỏ vào túi hành lý.
Bất chợt Huy nhìn thấy chiếc hộp gỗ ấy, hộp gỗ năm xưa bà luôn mang bên mình. Anh nhớ lại lời vợ nói “Có thể trong hộp có vàng, hoặc ít tiền mẹ dành phòng thân đấy. Người già chu đáo lắm, lúc nào cũng có ít tiền để cạnh mình ấy mà”.
Tò mò, Huy mở xem và anh không khỏi ngạc nhiên trong hộp ấy chẳng có tiền, chẳng có vàng, chỉ có tấm hình nhỏ gia đình anh chụp chung đã mờ, đã cũ lắm rồi. Cạnh chiếc hộp là nắm tóc tơ và vài chiếc răng sữa.
Bên cạnh đó có chiếc giấy nhỏ ghi lại ngày anh thay răng và lần đầu cắt tóc. Khi đó, mẹ Huu chợt tỉnh dậy, tay bà run run ôm lấy con khóc “Cả đời mẹ sợ cái gì cũng sẽ quên, duy chỉ có con, những ký ức về con mẹ vẫn muốn giữ lại”.
Nói rồi bà kể cho Huy nghe về phong tục ở quê mình đó là răng sữa và tóc tơ của con cái thì không vứt đi, bởi nếu không đứa bé sẽ bị chết yểu. Huy nghe mà nước mắt lưng tròng. Thì ra thời gian vừa rồi mẹ anh lẩm bẩm không phải bà bị bệnh, mà bà sợ bà sẽ quên đi điều quan trọng nhất trong đời mình, nên ngày nào bà cũng nhắc mình phải nhớ.
Sau hôm đó, Huy kể hết mọi chuyện với vợ, anh cũng cấm các con từ nay không ai được trêu bà, phải dành nhiều thời gian trò chuyện với bà hơn. Huy cũng tự dặn mình, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, anh cũng không bao giờ xa mẹ, dù chỉ một lần!
Thy Nga Đặng