NHNN bắt đầu bán ngoại tệ

NHNN bắt đầu bán ngoại tệ

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 7, 21/07/2018 14:13

Thứ Sáu tuần trước, ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng ở mức giá 23.050 đồng/USD.

Ngày đầu tiên số lượng đăng ký mua chưa đầy 100 triệu USD và cũng chừng đó được cơ quan quản lý bán ra. Sang đầu tuần, lượng đăng ký mua nhiều hơn.

Chỉ riêng ngày 16/7/2018, NHNN bán ra khoảng 400 triệu USD. Sang ngày 17/7, NHNN bán tiếp khoảng 250 triệu nữa. Nhà điều hành cho biết sẽ tiếp tục bán nếu các ngân hàng có nhu cầu và mức cung ứng có thể lên tới hàng tỷ USD.

Tài chính - Ngân hàng - NHNN bắt đầu bán ngoại tệ

Biến động của tỷ giá đang và sẽ phụ thuộc vào nhà điều hành. Ảnh: NGUYỄN NAM

Việc bán ngoại tệ đã giải quyết được một công đôi việc. Thứ nhất là hút bớt tiền đồng trong lưu thông về mà không phải trả phí. Từ đầu tháng 7/2018, NHNN đã nâng kỳ hạn tín phiếu phát hành lên 91 ngày, trong khi một thời gian dài trước đó, kỳ hạn tín phiếu thường chỉ 14 ngày hoặc 28 ngày.

Ngay lập tức lãi suất tiền đồng liên ngân hàng thay đổi, kỳ hạn qua đêm từ chỗ khoảng 0,7-0,8%/năm đã tăng mạnh lên 1,5-1,7%/năm trước khi ổn định lại quanh 1,2-1,4%/năm.

Lãi suất qua đêm tăng đang khiến cho chi phí nắm giữ hoặc đầu cơ ngoại tệ, nếu có, từ phía các chủ thể trở nên đắt đỏ.

Thứ hai, việc bán ra ngoại tệ của NHNN đã điều tiết cung cầu thị trường và dù muốn hay không, tiền đồng cũng đã có cơ sở để ổn định giá trị ở một mặt bằng mới. Tỉ giá niêm yết chuyển khoản bán ra của các ngân hàng thương mại có khả năng dừng lại một thời gian quanh mức 23.100 đồng/ USD và tỉ giá thị trường tự do có thể cao thấp hơn đâu đó 1% so với tỉ giá ngân hàng.

Những ngày vừa qua tỉ giá thị trường tự do thường “nhảy nhót” trong những thời điểm giá vàng quốc tế rớt sâu. Việc gom USD mặt để nhập vàng lậu diễn ra liên tục khi chênh lệch giá vàng trong nước - ngoài nước vượt quá 2 triệu đồng/lượng SJC 9999. Trên thị trường thế giới, giá vàng đã có lúc xuống dưới 1.240 USD /ounce, tương đương 34,8 triệu đồng/lượng.

Có một thực tế không thể phủ nhận là vùng đáy của lãi suất tiền đồng đã quá rộng và trong khi cả thế giới nâng lãi suất, chúng ta có nên đi ngược trào lưu “một mình một chợ”.

Lúc này đang tồn tại hai luồng ý kiến về tỉ giá và điều hành tỉ giá. Một phía cho rằng tiền đồng nên được điều hành theo hướng tiếp tục giảm giá thêm 1-2% từ mức hiện hành so với USD do 2-3 năm vừa qua, tiền đồng đã ổn định “quá chắc chắn”.

Việc giảm giá tiền đồng hiện nay là để bù đắp cho sự “quá chắc chắn” đó. Đồng tiền các nước khu vực và cả thế giới đã mất giá ở mức độ cao hơn so với USD, tầm 3,5-7% tùy quốc gia.

Phía khác nhấn mạnh quan điểm bảo vệ giá trị đồng nội tệ là nhiệm vụ hàng đầu của NHNN. Hơn nữa trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, câu nói phổ biến một thời “phá giá là phá niềm tin” vẫn còn nguyên giá trị.

Việc giảm giá tiền đồng so với USD chỉ nên dừng ở mức 2% trong năm nay. Ngoài ra, các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng đang củng cố nền tảng thuận lợi cho việc bảo vệ giá trị tiền đồng.

Tăng trưởng GDP đang tốt, lạm phát được kiểm soát kịp thời và Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành giá cả để CPI những tháng cuối năm được kiềm chế. Cán cân thương mại được cải thiện khi xuất siêu nửa đầu năm đạt 3,3 tỷ USD.

Và quan trọng nhất lãi suất tiền đồng đang ở vùng đáy. Hầu hết các nước quanh Việt Nam đã nâng lãi suất đồng nội tệ một, hai lần từ đầu năm đến nay. Có nước nâng ba lần.

Trước mắt việc nâng lãi suất tiền đồng liên ngân hàng nằm trong tầm tay của NHNN. Lãi suất qua đêm ở mức 3%/năm được cho là hợp lý để giải tỏa sự nắm giữ ngoại tệ không cần thiết từ phía một số chủ thể.

Khi NHNN đẩy mạnh hút tiền đồng về qua cả hai ngả: bán ra ngoại tệ và phát hành tín phiếu kỳ hạn dài, thanh khoản của các ngân hàng sẽ bớt dồi dào.

Điều này đang được xem là có thể chấp nhận được vì năm nay các ngân hàng không có nhu cầu tăng trưởng tín dụng quá cao và tín dụng chọn lọc cần được phát huy.

Nên nhớ cho đến bây giờ, hạn mức tín dụng cao nhất hệ thống 15% mới được cơ quan quản lý cấp cho một số ngân hàng. Những ngân hàng nào đã tăng trưởng mạnh tín dụng trong sáu tháng đầu năm sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu trong nửa cuối năm cho phù hợp với hạn mức được duyệt.

Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng trở lên và xu hướng này là tất yếu. Hãy làm một bài toán thực tế: sau Tết Âm lịch, tỉ giá thị trường tự do ở mức 22.700 đồng/ USD, ngày 16/7/2018 là 23.280 đồng/ USD, tăng 2,56%.

Cùng thời gian sáu tháng nói trên, nếu gửi tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn sáu tháng, lãnh lãi cuối kỳ, người gửi nhận được mức lãi suất khoảng 3,4-3,5% (lãi suất phổ biến kỳ hạn sáu tháng lãnh lãi cuối kỳ của các ngân hàng là 6,8-7%/năm).

Mức chênh lệch của 2,56% và 3,4% cho việc nắm giữ USD hoặc tiền đồng, rõ ràng, là không quá hấp dẫn nếu chọn tiền đồng. Chưa kể một số ngân hàng lách luật để người gửi tiết kiệm ngoại tệ, tuy vẫn hưởng lãi suất 0% trên sổ, có những ưu đãi nhất định. NHNN không quy định lãi suất tiết kiệm đối với những ngoại tệ khác như euro, đô la Úc, đô la Canada, đô la Singapore...

Theo TBKTSG

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.