Hàng năm, dù bận rộn đến mấy tôi vẫn cố gắng dành ngày 20/11 cho thầy giáo cũ của mình, thầy Nguyễn Tiến Hùng – nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Văn học, Hiệu phó trường PTTH Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội). Đối với tôi, đây là người thầy có ảnh hưởng lớn làm thay đổi cuộc đời tôi.
Trước khi là thầy giáo thì thầy là hàng xóm của tôi. Thầy cũng là bác ruột thằng Minh Ngọc học cùng tôi cấp 1, 2.
Hồi chúng tôi còn nhỏ, mẹ thầy thường ghé cửa sổ lớp tôi đưa lọ mực hay sách bút để quên cho thằng Minh Ngọc. Một đôi lần thằng Ngọc mắc lỗi ở lớp, tôi thường đi qua nhà thầy để mách lẻo bố mẹ nó, có lần bố mẹ nó đi vắng thì tôi mách thầy.
Năm lớp 10 tôi thi đỗ vào trường PTTH Hoàng Diệu (năm 1996 sáp nhập với trường Phan Đình Phùng và đổi tên thành Phan Đình Phùng) - một trường cấp 3 thuộc tốp khá của Hà Nội. Tôi được phân vào lớp do thầy Hùng chủ nhiệm.
Ngay 1, 2 tuần đầu tiên tôi đã bị gây ấn tượng với thầy. Dạo đó, lũ chúng tôi bắt đầu biết cảm giác rung động đầu đời, có vài đứa thích nhau... Một tiết học của thầy, cả lũ chơi cờ caro sai khiến, tôi và cái Hạnh thua nên bị sai viết mảnh giấy "Tôi yêu Sơn", "Tôi yêu Hiếu" gửi hai bạn Sơn và Hiếu trong lớp. Thông điệp vừa ném đi, khổ chủ chưa kịp đọc lời tỏ tình đầu đời thì bị thầy Hùng bắt gặp.
Thầy yêu cầu tôi và cái Hạnh lên bục giảng đọc câu đó cho cả lớp nghe. Cái Hạnh sẵn thích Hiếu béo nên đọc luôn "Tôi yêu Hiếu", bị cả lớp cười ầm, sau đó Hạnh được tha về chỗ. Còn tôi vẫn đứng như trời trồng vì tôi kiên quyết không đọc. Kết quả là tôi bị mời lên xơi nước ở phòng giám hiệu.
Tôi còn nhớ như in thầy bảo: "Tôi mừng là em đã không đọc, như thế chứng tỏ em đã biết em không nên làm điều đó. Em mời phụ huynh đến gặp tôi vào giờ... ngày... ". Thế là tôi cúi đầu và nước mắt cá sấu bắt đầu rơi...
Thầy để tôi khóc một lúc rồi bắt đầu giảng giải, đại để là nhà mình cũng chỉ "chân phương", em phải biết nghĩ mà lo học hành chứ đừng đua đòi yêu đương sớm rồi hỏng cuộc đời... Tôi nhớ chính xác thầy đã dùng từ “chân phương” để nói về gia cảnh nhà tôi khi đó. Sau này tôi mới biết thầy là một nhà ngôn ngữ xuất sắc. Từ chân phương để nói giảm nói tránh về sự nghèo khó cơ hàn nhưng nó mang hàm ý tôn trọng chứ không hề miệt thị.
Cuối cùng thầy tha cho tôi tiết mục mời phụ huynh và tôi đã trả ơn sự tha thứ đó bằng cách suốt 3 năm cấp ba học hành nghiêm túc, không mắc thêm lỗi nào.
Sau này tôi trở thành một trong những học sinh khá môn Văn nhất lớp. Thầy dạy mạch lạc, ghi chép rõ ý và có khả năng truyền lửa đam mê. Tôi vẫn nhớ những tiết Văn thầy say sưa giảng bài, giọng trầm ấm, dáng thầy nhỏ nhắn đi lại dứt khoát trên bục giảng. Bên ngoài sân trường rợp bóng xà cừ, từng hồi ve kêu râm ran...
Yêu môn Văn nên từ khi còn học cấp 3 tôi đã chọn nghề bây giờ, cái nghề lấy ngôn ngữ và diễn đạt làm chất liệu. Giờ tuy vẫn chỉ nhạt nhòa thuộc về số đông nhưng tôi vẫn luôn biết ơn thầy và môn Văn. Văn là vẻ đẹp, văn là người, "văn học là nhân học", chỉ cần để bộc lộ điều mình muốn nói dễ dàng, để biết yêu thương và rung động bằng cảm xúc của mình là đủ.
Thầy cũng là người rất nghiêm khắc khi cho điểm. Các bài luận tôi thường chỉ được thầy cho điểm 8 là cùng. Cuối cấp, khi cả trường trộn vào nhau để thi thử tốt nghiệp, thầy cô lớp khác chấm tôi 9 văn, đến khi gửi điểm về lớp, thầy hạ xuống 8 vì bảo chỉ xứng đáng 8 thôi.
Thầy bảo: Học Văn đừng chỉ nắm ý mà nên cảm thụ bằng sự nhạy cảm của riêng mình… Thầy nói nhiều về Nguyễn Bính, Xuân Diệu vì thầy đặc biệt thích Thơ Mới. Tôi bắt đầu đọc và yêu thích Nguyễn Bính, Xuân Diệu.
Thật tuyệt khi đề thi đại học năm đó tôi đã đạt điểm rất cao nhờ phân tích toàn bộ sự nghiệp thơ Xuân Diệu.
Không chỉ dạy giỏi nhiều năm, thầy còn là giáo viên chủ nhiệm tận tâm và ấm áp với học trò. Hoàn cảnh từng bạn trong lớp thầy đều nắm rõ, để động viên giúp đỡ khi cần, tạo điều kiện để các bạn học khá giúp bạn học yếu…
Trong ngày chia tay tiễn lớp chúng tôi ra trường, thầy viết tặng bài thơ mà đến giờ cả đám vẫn còn nhớ mãi:
“Ba năm hơn tám trăm ngày,
Các con khôn lớn, tóc thầy hoa râm.
Trước sau vẫn một chữ TÂM,
Các con ghi nhớ những năm học này.
Hôm nay họp mặt sum vầy,
Chia tay lòng những vơi đầy nhớ thương.
Mai sau trên mọi nẻo đường,
Các con hãy nhớ mái trường mến yêu!”.
Thầy bây giờ già yếu đi nhiều, có năm bị tai biến còn run run khi chúng tôi đến thăm. Nhưng may thay thầy vẫn luôn nhớ tên từng đứa chúng tôi, dù chúng tôi đã ra trường 20 năm rồi.
Thật ấm lòng khi đã rời xa sách bút, không còn bị áp lực bởi thi cử điểm chác mà ta vẫn muốn đến thăm thầy giáo cũ. Nói một cách hình tượng, giáo dục có lẽ là thứ hàng hóa có giá trị sử dụng lâu dài nhất.
Pitago nói: "Giáo dục được một người đàn ông là giáo dục được một con người, giáo dục được 1 người đàn bà là giáo dục được một gia đình, giáo dục được một người thầy là giáo dục được nhiều thế hệ".
Xin kính chúc tất cả các thầy cô sức khỏe, thành công, hạnh phúc trong ngày cả nước tôn vinh sự nghiệp giáo dục này.
Trò cũ của thầy!
Nguyễn Hoàng Yến