Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nhiều biến chứng nghiêm trọng như tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm… và khả năng gây tử vong cao.
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức. Nếu được cấp cứu đúng quy trình trong 3 - 4,5 giờ đầu (đúng thời điểm giờ vàng) hoặc trong vòng 6 giờ đầu thì khả năng cứu sống và hạn chế các di chứng càng cao.
Đột quỵ thường được chia làm hai dạng là đột quỵ thiếu máu não (chiếm khoảng 85% tổng số các ca bị đột quỵ hiện nay, nguyên nhân do tắc nghẽn một động mạch) và đột quỵ chảy máu não (nguyên nhân do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ gây nên tình trạng máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não).
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua. Nguyên nhân của tình trạng này là do dòng máu cung cấp cho não bộ bị giảm tạm thời. Người bệnh có những triệu chứng của đột quỵ nhưng chỉ kéo dài một vài phút.
Bất kỳ ai cũng có thể rơi vào tình trạng đột quỵ tuy nhiên, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ, nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới, đặc biệt người có tiền sử bị đột quỵ và mắc các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân béo phì… có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Nhiều dấu hiệu đột quỵ có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh, lặp lại nhiều lần, bao gồm:
Đột ngột tê cứng mặt, tay hoặc chân: Bạn đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, tê tay hoặc chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể. Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay (dấu hiệu đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc). Lý do là khi các động mạch bắt đầu đóng lại, tim phải làm việc vất vả hơn nên chỉ vận động nhẹ nhàng cũng khiến bạn thấy mệt mỏi.
Khó phát âm: Người bị đột quỵ có thể nói ngọng, nói không rõ chữ, dính chữ vì môi lưỡi bị tê cứng, khó mở miệng để thốt ra lời nói. Bạn có thể thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại, nếu không thể nhắc lại được thì người đó đang có những dấu hiệu đột quỵ.
Rối loạn việc đi đứng: Người bệnh đứng không vững, choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác.
Rối loạn thị giác: Đột quỵ có thể gây ra hiện tượng ảo ảnh kép, mắt không thể khép kín, mất thị lực một bên mắt hoặc suy yếu dữ dội. Đột quỵ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực vì vậy nếu thấy người thân có dấu hiệu này bạn hãy lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.
Đau đầu nghiêm trọng: Bạn thường xuyên đau đầu nhiều không rõ nguyên nhân, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Chữ viết tắt F.A.S.T là một cách ghi nhớ nhanh chóng những dấu hiệu của đột quỵ. FAST có nghĩa là FACE (mặt, kiểm tra bệnh nhân có bị tê hay rũ một bên mặt hay không), ARMS (tay, yêu cầu bệnh nhân có thể đưa cả 2 tay lên hay không), SPEECH (nói chuyện, xem bệnh nhân có gặp khó khăn trong nói chuyện hay không) và cuối cùng là TIME (thời gian, nếu có những dấu hiệu trên bạn cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức).
Để phòng tránh đột quỵ bạn nên thường xuyên khám sức khỏe tại bệnh viện để kiểm tra, theo dõi chỉ số huyết áp, phát hiện các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu … và chữa trị kịp thời. Đồng thời có chế độ dinh dưỡng, lối sống lành mạnh thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, không nên tắm khuya, suy nghĩ lạc quan, tránh stress, luôn giữ tinh thần thoải mái. Đây cũng là cách để bạn phòng tránh nhiều bệnh tật và có một sức khỏe thật dẻo dai.
Minh Hoa (t/h)