Nhớ những bữa cơm của cô giáo!

Nhớ những bữa cơm của cô giáo!

Triệu Kiều Chinh

Triệu Kiều Chinh

Thứ 7, 18/11/2017 07:00

Có ai như chúng tôi – lũ học trò nghèo vùng cao vẫn thường đến nhà cô "ăn trực", có bát cơm cô sẵn sàng nhường trò còn cô ăn sắn luộc.

Cafe8 - Nhớ những bữa cơm của cô giáo!

Ảnh minh họa. nguồn: Internet

Những cảm xúc của một thời đi học lại ùa về trong tôi khi ngày Nhà giáo Việt Nam đang tới gần. Có lẽ, cả cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người mẹ hiền thứ hai của mình – cô Thàm Thị Hà, giáo viên chủ nghiệm suốt 4 năm học cấp II của tôi dưới ngôi trường THCS Bảo Ái (huyện Yên Bình, Yên Bái). Và, tôi luôn cảm thấy may mắn, luôn thầm cảm ơn cô đã cho tôi của ngày hôm nay.

Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã được cô dìu dắt, yêu thương và có lẽ 38 người bạn học của tôi hay cả những thế hệ học trò được cô dìu dắt cũng đều chung cảm nhận như tôi về người mẹ ấy.

Học trò nghèo vùng cao khổ bao nhiêu thì thầy cô ở đó khổ bấy nhiêu. Tôi nói vậy bởi thầy cô trường tôi thời đó cũng làm ruộng, cũng trồng sắn, trồng khoai và đương nhiên không thể sống nếu chỉ dựa vào đồng lương.

Cô giáo tôi, sáng, chiều đến trường dạy học, tối về sau giờ soạn bài còn làm đậu phụ, làm giá đỗ, sớm hôm sau đem ra chợ đổ bán để kịp giờ lên lớp. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi thấy cô vơi tình yêu dành cho học trò của mình.

Chúng tôi quây quần bên cô như lũ chim non ríu rít bên mẹ, đi học về là chúng tôi chạy ùa vào nhà cô. Cô lấy tất cả những gì có thể ăn được cho chúng tôi, kể cả bữa cơm cô vừa nấu vội, có chút thịt, chút rau, đậu cô cũng nhường cho chúng tôi, rồi sau khi lũ “quỷ” chúng tôi ăn no nê cô lại phải luộc tạm củ sắn hay chút mì gạo lót dạ. Mặc dù bị học trò quấy rầy là thế nhưng cô luôn dành cho chúng tôi ánh mắt trìu mến, yêu thương và nụ cười tỏa nắng.

Học trò nhà nghèo lại là người dân tộc thiểu số nên nhiều gia đình bạn bè tôi không đủ điều kiện cho con đi học, rồi các bạn phải đi làm nương, làm rẫy phụ bố mẹ nuôi em nên không được đến trường.

Mỗi lần lên lớp, không thấy bóng học trò cô lại phải đi bộ, vượt qua những con đường đèo đất đỏ, bùn lầy vắng người qua lại để vận động phụ huynh cho các trò của mình đến trường. Thậm chí cô còn thuyết phục họ bằng cách ứng tiền học phí cho học trò trước, trong khi cô vẫn phải ở nhà thuê và hàng ngày cũng vật lộn bươn trải để lo cho gia đình nhỏ của mình. Nhưng cô luôn nói với chúng tôi, các trò ở vùng cao đã là một thiệt thòi, nếu không được đi học nữa sẽ không bao giờ thoát nghèo, vì thế dù thế nào cô cũng phải thuyết phục bố mẹ các em cho các em đi học.

Có hôm thuyết phục được phụ huynh học sinh trời đã tối om, cô phải đốt đuốc vượt mấy cây số đường rừng để về nhà.

Nhờ có cô, 4 năm học cấp II lớp chúng tôi vẫn bảo toàn được lực lượng. Không chỉ cho chúng tôi kiến thức mà cô còn trao cho chúng tôi cả những ân tình của một người thầy có tấm lòng cao cả.

Sau 30 năm gắn bó với nghề, cô giáo tôi giờ đã về hưu. Gặp chúng tôi cô vẫn dành ánh mắt trìu mến, tình yêu của người mẹ hiền cho những đứa con của mình. Còn chúng tôi - lũ “quỷ” nhỏ của cô giờ đã lớn tướng, mỗi đứa một nghề vẫn ríu rít bên cô khi có thể, vẫn làm nũng cô như ngày còn thơ.

Có một điều chắc chắn rằng cô vẫn mời chúng tôi những món ăn cô nấu và chúng tôi vẫn sà vào mâm cơm ấy vì ai không được ăn cơm cùng cô là một thiệt thòi.

Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, qua bài viết này tôi có đôi lời gửi đến cô giáo của tôi: “Cô ơi, con cảm ơn cô vì tất cả. Nếu không có cô có lẽ không có con của ngày hôm nay. Cả cuộc đời cô gánh chữ trên vai, cô đã hoàn thành xuất sắc sự nghiệp trồng người của mình, đối với con cô mãi là người thầy tuyệt vời nhất.

Con chúc cô luôn mạnh khỏe và giữ mãi nụ cười tỏa nắng, cô nhé!”.

Học trò của cô!

Triệu Kiều Chinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.