Những điều bạn cần biết về răng khôn (răng số 8)
Tiến sĩ, bác sĩ Hồ Nguyễn Thanh Chơn, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - Răng hàm mặt Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, răng khôn còn được biết đến với các tên gọi khác như răng cùng, răng cấm hay răng số 8 theo cách đánh số răng trong nha khoa.
Thông thường, mỗi người trưởng thành có 28 chiếc răng và 4 chiếc răng khôn. Trong đó, 28 răng sẽ được hoàn thiện vào khoảng năm 12 tuổi sau khi quá trình thay răng sữa kết thúc.
Sau đó đến giai đoạn trưởng thành sẽ mọc thêm các răng khôn, độ tuổi bắt đầu mọc răng khôn có thể sớm hoặc muộn tùy theo mỗi người nhưng thông thường sẽ trong khoảng 18 - 25 tuổi, một số trường hợp 16, 17 tuổi răng khôn cũng đã mọc.
"Do răng khôn mọc sau cùng sau khi bộ răng của người trưởng thành đã gần như hoàn thiện nên tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi.
Nếu răng khôn mọc thẳng, quá trình mọc răng cũng tương tự như các răng khác thông thường, có thể gây một số khó chịu, sau khi mọc hoàn chỉnh răng khôn có thể tham gia vào quá trình ăn nhai bình thường của con người. Tuy nhiên, khi răng khôn mọc nghiêng lệch do thiếu chỗ hoặc mọc sai vị trí, chúng sẽ gây ra một số biến chứng", bác sĩ Chơn nói.
Dấu hiệu bạn cần nhổ răng khôn
Tốt nhất nên hỏi ý kiến nha sĩ, nhưng đây là một số dấu hiệu cho thây bạn cần phải nhổ răng khôn, nha sĩ Onika Patel, từ phòng nha Minted Dental cho biết, theo Insider.
Răng khôn bị chèn
Một chiếc răng bị chèn sẽ không thể mọc ra khỏi nướu một cách hoàn toàn và chính xác vì nó nằm trên răng, xương hoặc mô khác.
Theo Hiệp hội Các bác sĩ phẫu thuật Răng hàm mặt Mỹ, cứ 10 người thì đến 9 người có ít nhất một chiếc răng khôn gây hại.
Có nguy cơ nhiễm trùng và ổ áp xe
Một nghiên cứu nhỏ cho thấy trong số 52 bệnh nhân, 11,5% bị ổ áp xe xung quanh răng khôn bị chèn và 7,7% bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng xảy ra đối với răng khôn bị chèn vì chúng khó làm sạch và vi khuẩn dễ tích tụ.
Làm hỏng răng khác
Khi răng khôn bị chèn, nó có thể mọc thẳng vào răng khác, có thể gây hư hại.
Nếu răng khôn gây ra bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cần được đánh giá kỹ lưỡng và chụp X-quang để xác định xem có cần phải nhổ hay không, và nhổ có an toàn, không làm tổn thương dây thần kinh hàm dưới hay không, theo Insider.
Nhổ răng khôn có nguy hiểm hay ảnh hưởng gì không?
Tất nhiên không phải trường hợp mọc răng số 8 nào cũng cần phải nhổ bỏ, chỉ khi răng mọc lệch, mọc ngầm đâu vào răng số 7 gây nên hiện tượng đau nhức, ê buốt kéo dài thì nha sĩ mới chỉ định nhổ răng số 8.
Nhổ răng số 8 có nguy hiểm hay không sẽ phụ thuộc nhiều và sức khỏe của bệnh nhân và kỹ thuật của bác sĩ. Một số trường hợp có biến chứng khi nhổ răng số 8 xảy ra bởi vị trí đặc biệt của nó mà nguyên nhân chủ yếu là do bác sĩ thiếu chuyên môn và kinh nghiệm hoặc không tuân thủ các bước khám bắt buộc trước khi nhổ, không xác định được hình dáng và thế răng có tác động đến các răng khác hay không.
Ngoài ra, trong khi mọc răng số 8 có thể đẩy những răng khác bị xô lệch. Đó chính là những lí do khiến cho răng số 8 được khuyến cáo là nên nhổ bỏ để tránh những biến chứng cho răng miệng.
Tác hại của việc nhổ răng số 8 không đúng kỹ thuật
Nhổ răng số 8 là một kỹ thuật khó trong nha khoa bởi tư thế và vị trí mọc răng tương đối phức tạp. Nếu không thực hiện chuẩn, bệnh nhân sẽ gặp phải những tác hại khó lường:
- Khô ổ cắm răng: Đây là tác hại của việc nhổ răng khôn thường gặp nhất. Nguyên nhân do cục máu đông không hình thành, khiến cho ổ cắm răng bị khô. Dẫn tới ăn nhai và cử động miệng gặp nhiều khó khăn, các cơn đau, khó chịu kéo dài lâu hơn bình thường
- Chảy máu kéo dài: Thông thường sau khi nhổ răng số 8 thì tình trạng chảy máu có thể kéo dài trong khoảng 60 phút. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra lâu hơn thì đó là biểu hiện bất thường và bạn cần đến trung tâm nha khoa để kiểm tra lại.
Ảnh hưởng: Mất máu nhiều, ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của bệnh nhân
- Viêm nhiễm: Đã có nhiều trường hợp sau khi nhổ răng số 8, chỗ răng bị sưng nhức kéo dài, thậm chí sưng tím và cứng hàm. Đây hoàn toàn không phải hiện tượng bình thường. Hậu quả của việc viêm nhiễm là gây sưng tấy ổ răng, khiến vết thương khó lành. Viêm nhiễm vào máu, có thể làm nhiễm trùng máu và gây nhiều bệnh lý, biến chứng nguy hiểm đến tính mạng
- Tổn thương thần kinh: Tổn thương phần của dây thần kinh được gọi là dây thần kinh sinh ba là một biến chứng có thể loại bỏ răng khôn. Gây ra đau đớn, cảm giác ngứa ran và tê ở lưỡi, môi dưới, cằm, răng và nướu răng, gây cứng hàm.
Các món ăn nên sử dụng sau khi nhổ răng khôn
“Sau khi nhổ răng khôn, hãy uống nhiều chất lỏng, lạnh, ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng, đủ calo và nhiều protein để nhanh lành vết thương. Tránh để các mảnh vụn thức ăn bị mắc vào vị trí nhổ răng, nhai thức ăn cứng có thể gây đau đớn và khó chịu,” Tiến sĩ Marc Sclafani, nha sĩ tại One Dental ở Thành phố New York nói.
Trứng bác
Trứng bác là một trong những thực phẩm phổ biến nhất được khuyến nghị sau khi phẫu thuật răng khôn vì nó mềm nên không cần nhai nhiều. Hơn thế nữa, món ăn này đặc biệt chứa nhiều protein và chất dinh dưỡng.
Kem và sinh tố lạnh
Nha sĩ Lilya Horowitz, chủ sở hữu của Domino Dental, ở Williamsburg, Brooklyn, gợi ý: “Nên ăn những món ăn nguội được hòa tan thành chất lỏng để tránh mắc kẹt thức ăn tại vị trí nhổ răng. Kem không chỉ là thực phẩm “an toàn” mà còn là một món ăn tốt khi bạn đang hồi phục sau phẫu thuật”.
Tiến sĩ Sclafani cũng đồng ý rằng kem và các thực phẩm lạnh khác, như sinh tố lạnh, sữa lắc, là một lựa chọn tuyệt vời. Tuy nhiên, không nên uống bằng ống hút sau phẫu thuật vì nó có thể làm tan cục máu đông hoặc làm xước vết thương.
Súp
Súp là thức ăn lý tưởng sau khi nhổ răng khôn vì nó bổ dưỡng, ngon miệng và không cần nhai kỹ. Đặc biệt, súp cung cấp đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Chỉ cần chú ý tránh súp có nhiều hạt nhỏ hoặc miếng nhân lớn. Hãy đảm bảo rằng món súp bạn ăn không quá nóng và nên được xay nhuyễn.
Thức ăn nghiền
Sau khi phẫu thuật loại bỏ chiếc răng khôn, Tiến sĩ Latner khuyến nghị nên ăn bất cứ thứ gì mềm, nhão và nghiền, bao gồm khoai tây nghiền, sinh tố bơ, sữa chua hay bơ đậu phộng để tăng thêm protein cho bữa ăn. Ngoài ra, các loại phô mai mềm và tươi cũng được khuyến khích.
Yến mạch
Yến mạch mềm, chứa nhiều dinh dưỡng, chất xơ, hoàn hảo để chữa cơn đau hàm. Tuy nhiên, đảm bảo rằng các món ăn từ yến mạch không quá nóng khi bạn ăn, tránh gây kích ứng miệng.
Các thực phẩm cần tránh
Bác sĩ Horowitz đặc biệt lưu ý bệnh nhân nên tránh xa các loại thực phẩm có nhiều hạt và giòn như ngũ cốc, quả hạch và các loại hạt cho đến khi lành hẳn.
Greg Gelfand, một nha sĩ tại New York, cũng cảnh báo bệnh nhân tránh xa thức ăn cay, nóng và rượu vì chúng có thể gây kích ứng và cản trở quá trình chữa lành vết thương.
Lưu ý sau khi nhổ răng khôn
- Tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Uống thuốc tiêu viêm, chống viêm.
- Sau khi nhổ răng thường có những biểu hiện: Sưng, đau, sốt và chảy máu là rất bình thường.
Tuy nhiên, nếu sau 2-3 ngày nhổ răng khôn mà tình trạng đau, sốt tăng, chảy máu khó ngưng thì nên đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra và có thời có phương pháp xử lý an toàn.
Mẹo giúp mọc răng khôn mà không bị đau đớn
- Khi răng khôn mọc sẽ làm lợi bị sưng, tấy đỏ, nếu bạn vệ sinh răng miệng không sạch sẽ sẽ khiến nó dễ bị viêm nhiễm và tình trạng đau đớn tăng lên gấp bội. Do đó, nếu bạn đang có 1 vài chiếc răng khôn đang mọc thì hãy nên ngậm vài hạt muối hay súc miệng bằng nước muối loãng để sát trùng răng miệng, tránh tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài ra bạn cũng nên dùng thuốc sát trùng, thấm bông trực tiếp để rửa vùng lợi có răng mọc trong khoảng 15 phút/lần, rửa 2 lần/ngày.
- Sốt, sưng đau vùng má, nổi hạch, thậm chí là mệt mỏi bạn nên dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm và thuốc giảm đau, hạ sốt để không bị những cơn đau hành hạ, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của bạn.
-Súc miệng hay ngậm nước muối loãng ấm trong khoảng 5 phút/lần. Nước muỗi ấm sẽ giúp diệt khuẩn, giảm tình trạng ê buốt răng cho bạn. Nên làm 2 lần/ngày vào sáng sớm sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.
-Nhai hành tây hoặc đắp một miếng hành tây đập giập vào chỗ mọc răng khôn sẽ giúp bạn giảm sưng đau đáng kể.
- Lấy 1 nhánh tỏi đập nát, hòa với chén nước và vài hạt muối. Sau đó dùng tăm bông nhúng dung dịch này thấm vào khu vực bị đau do mọc răng. Nó có tác dụng làm dịu cơn đau của bạn. Hoặc bạn có thể giã nát tỏi trộn với vài hạt muối rồi đắp vào chỗ răng khôn mọc nó cũng có tác dụng giảm đau tương tự như dung dịch tỏi.
Để giảm cơ đau răng và bị sưng má bạn còn có thể dùng đá lạnh chườm lên vùng má để bớt đau và sưng.
Ngọc Anh (tổng hợp)