Đến lượt mình nhấc ống nghe bỗng dưng hai hàm răng va vào nhau cầm cập, đôi chân như muốn khụy xuống vì phải chờ đợi khá lâu trong cái rét “cắt da cắt thịt’ ở nơi xứ người và nỗi nhớ quê đắng đót cả hồn…
Những Việt kiều xa quê gói bánh chưng nhớ về Tết Việt Nam. Ảnh: Internet
Cho đến nay với 12 lần đón tết trên đất Đức vẫn còn lắng đọng trong tôi. Đó là 12 lần gần đến giao thừa tôi cùng nhiều người việt khác lầm lũi trong mịt mùng bụi tuyết tìm đến trạm điện thoại công cộng để được nghe giọng nói của người thân nơi quê nhà và gủi gắm những lời chúc mừng đầu xuân theo phong tục của người Việt. Nhưng mong muốn tưởng chừng đơn giản ấy không phải năm nào cũng thành công. Tuy nhiên đó là câu chuyện của ngày xưa. Còn bây giờ người ta có thể thoải mái trò chuyện được với nhau và không chỉ có vậy mà dù có cách nhau nửa vòng trái đất cũng có thể nhìn thấy và nhận biết niềm vui nỗi buồn của người thân nơi xứ người qua cầu nối Internet.
Bây giờ được đón tết ở quê nhà tôi lại thấy thương người Việt hiện đang sinh sống một mình ở nước ngoài, đặc biệt là ở những nước châu Âu. Dù rằng bây việc thông tin liên lạc không còn là cơn ác mộng, nhưng trong tâm thức của người con đất việt nỗi nhớ về quê hương xứ sở trong những ngày tết lại da diết hơn bao giờ tết. Và tôi tin rằng ngoại trừ những gia đình đã định cư lâu dài, còn những người đơn thân nơi đất khách quê người, trong nỗi buồn xa xứ, đều muốn tết Việt trôi qua thật nhanh!
Hằng năm, sau khi cùng dân bản xứ đón năm mới Dương lịch, thì những người Việt xa quê lại cùng với gia đình sửa soạn đón Tết dân tộc. Tết vẫn là ngày lễ thiêng liêng nhất trong năm của mọi người dân Việt. Ảnh: Internet
Với những người dân Đức và nhiều nước châu Âu khác thì thời khắc năm mới được đánh dấu vào thời khắc giao thừa khi màn pháo hoa sáng rực trời rồi sau đó mọi thứ trở nên nhạt nhòa và cuộc sống thường nhật lại lặng lẽ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Bởi trước đó lễ Giáng sinh mới là những ngày lễ thực sự và là điều mong chờ lớn nhất trong năm của mọi gia đình. Nhìn người dân bản xứ háo hức đi mua sắm trong dịp lễ Noel nhiều người Việt cảm thấy tủi thân và chạnh lòng. Trong khi người bản xứ ngập chìm vào men say của hạnh phúc thì người Việt Nam lại trở nên xa lạ và lạc lõng. Thế mới biết bản sắc văn hóa của mỗi nước, mỗi dân tộc khác nhau như thế nào?. Niềm vui của người dân bản địa nhiều lúc vô tình lại là nỗi buồn trong thẳm sâu tâm hồn của những người sống xa Tổ quốc.
... Những ngày trước tết dù bận bịu với công cuộc mưu sinh nhưng nhiều người Việt như chúng tôi đều luôn ý thức được lòng tự tôn về bản sắc văn hóa của dân tộc. Một mâm ngũ quả rồi hương trầm, đặc biệt là bánh chưng xanh được dọn sẵn đặt lên bàn thờ tổ tiên cũng đủ hiểu tấm lòng người Việt luôn hướng về quê hương với tất cả niềm tin yêu và tự hào. Trước đó, những người dân Việt, dù sống tập trung hay sống phân tán nhỏ lẻ; dù bận bịu với công việc mưu sinh nhưng chẳng ai bảo ai đều tự phân công nhau hay tự mình tìm đến các siêu thị để mua sắm những vật dụng cần thiết theo phong tục tổ tiên ông bà truyền lại.
Bồi hồi khi giờ khắc giao thừa đến và mong mỏi những tháng ngày sắp tới có thật nhiều niềm vui sống. Ảnh: Internet
Tết cổ truyền ở nước ngoài rất ngắn ngủi, chỉ duy nhất ngày đầu tiên của năm mới. Nhưng đó cũng là ngày thực sự có ý nghĩa nhất, bởi đó là dịp mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và cả trong công việc. Đồng thời cùng nhau hướng tới những dự cảm tười sáng trong năm mới và tạm thời quên đi nỗi nhớ đau đáu về quê hương xứ sở. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của người Việt trong ngày lễ trọng đại này. Sau màn chúc tết đầu xuân mọi người lại thi nhâu nâng ly và cùng thưởng thức hương vị của dưa món, bánh chưng trong ngan ngát khói hương trầm…
Trong giá lạnh xứ người, trong men rượu, trong khói hương ngan ngát gợi hồn xứ sở... tất thảy đều thầm mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân gia đình và quê hương đất nước trong năm mới.
Theo báo Hà Tĩnh