Phiên xử vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tiếp tục nóng với phần tranh luận, đối đáp giữa VKS và các luật sư bào chữa.
VKSND tỉnh này giữ nguyên cáo trạng truy tố đối với các bị cáo. Trong đó, cơ quan công tố nhận định đủ cơ sở cáo buộc nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La - Trần Xuân Yến nhận của ông Hoàng Tiến Đức (cựu Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 2 tờ danh sách ghi thông tin 8 thí sinh nhờ nâng điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 và nhận của ông Nguyễn Ngọc Hà (nguyên Trưởng phòng Giáo dục trung học, sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thông tin 4 thí sinh. Bản thân bị cáo Yến nhận xem điểm cho 3 thí sinh khác. Như vậy, đủ cơ sở kết luận bị cáo Trần Xuân Yến phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và bị đề nghị mức án từ 7 – 8 năm tù.
Tranh luận đến cùng với VKS về nội dung này, luật sư Nguyễn Thị Kim Thanh (bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến) cho rằng: Có uẩn khúc gì khi ông Hoàng Tiến Đức luôn vắng mặt trong cả hai phiên xét xử? Nội dung đối chất giữa ông Đức với bị cáo Yến về việc nhờ nâng điểm hay xem điểm cho 8 thí sinh chưa được cơ quan tố tụng làm rõ.
VKS đang cáo buộc bị cáo Trần Xuân Yến có hành vi nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018; vậy trách nhiệm của ông Hoàng Tiến Đức tới đâu và quá trình điều tra đối với ông Đức như thế nào là câu hỏi luật sư Thanh đặt ra trong phần tranh tụng, đề nghị VKS làm rõ.
Còn trong trường hợp nhờ xem điểm; điều này đã được bị cáo Yến khẳng định nhiều lần trước tòa và phù hợp với lời khai của ông Hoàng Tiến Đức tại cơ quan điều tra thì cơ quan tố tụng sẽ xử lý ra sao?
“Giai đoạn đó, ông Đức đang là Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, với tư cách là cấp trên của bị cáo Yến. Vậy, ông Đức có lợi dụng, chức vụ quyền hạn để đưa ra danh sách 8 thí sinh cho bị cáo Yến nhờ xem điểm? Trong khi Yến lại bị truy tố, xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn, thì ông Đức lại không bị làm sao? Do vậy luật sư đề nghị phải xem xét lại lời khai của ông Đức”, luật sư Thanh nói.
Từ dẫn chứng nêu trên, luật sư Kim Thanh đề nghị VKS tranh luận về động cơ, mục đích của ông Hoàng Tiến Đức khi đưa danh sách 8 thí sinh cho bị cáo Yến.
Tiếp tục bào chữa, luật sư Thanh phát biểu: “Cơ quan ANĐT, Công an tỉnh Sơn La đã vận dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13, BLTTHS để cho rằng ông Đức không có trách nhiệm. Vậy, trong trường hợp không đủ căn cứ kết tội ông Đức, trong khi chính ông này nhờ ông Yến nâng hay xem điểm 8 trường hợp, ông Nguyễn Ngọc Hà nhờ 2 trường hợp, ông Phan Ngọc Sơn (Chánh thanh tra sở GD&T tỉnh Sơn La) 1 trường hợp và bị cáo Yến 2 trường hợp. Ông Đức, ông Hà, ông Sơn đều ở trong nhóm trung gian. Còn lại 2 trường hợp của ông Yến lại quy kết vào tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vấn đề này cơ quan điều tra chưa làm rõ đến cùng”.
Đối đáp lại quan điểm của luật sư về nội dung vì sao bị cáo Trần Xuân Yến bị quy kết về hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, vì sao ông Hoàng Tiến Đức có nhiều trường hợp lại không sao, VKS cho rằng: Nội dung này, cáo trạng của VKS không cáo buộc hành vi phạm tội của bị cáo Trần Xuân Yến, mà xem đây là tình tiết trong vụ án và là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội tiếp theo của bị cáo. Cáo buộc của VKS xem xét vai trò của bị cáo là Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm.
Bị cáo Yến có nhiệm vụ công bố quyết định về việc thực hiện chấm thi trắc nghiệm, quyết định về thành lập tổ chấm thi, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và giám sát việc thực hiện các hành vi trong tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, chịu trách nhiệm về việc chấm thi trắc nghiệm.
Mặc dù bị cáo Yến đã thay đổi lời khai nhưng tại tòa, bị cáo khẳng định chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm. Song cơ quan công tố lập luận việc quy kết bị cáo Yến là chỉ lấy lời khai giai đoạn đầu của bị cáo và cho rằng lời khai này là phù hợp với tất cả hồ sơ cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác.
Đại diện VKS viện dẫn một loạt các bản cung và bản tự khai của bị cáo Yến khai rất rõ, bị cáo nắm rõ quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm theo quy định của bộ GD&ĐT và việc sửa bài thi trắc nghiệm từ khâu cắt mở niêm phong đến khi niêm phong lại bài thi.
Được quyền tự bào chữa, bị cáo Yến cho rằng các nội dung kiểm sát viên trích dẫn đều là lời khai trước khi bị cáo bị khởi tố.
“Lúc này tinh thần của bị cáo hoảng loạn, trong thời gian bị cáo bị ép cung tại cơ quan ANĐT và việc giải thích quy trình chấm thi này là do một người khác giải thích cho cơ quan ANĐT”, bị cáo Yến giải thích.
Trước đó, bị cáo Yến từng nhiều lần khẳng định bị ép cung, mớm cung trong giai đoạn điều tra.
Bị cáo Yến dẫn chứng: Trong một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung, điều tra viên ghi không đúng lời khai của bị cáo. Về việc này, HĐXX có thể so sánh biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung với biên bản tự khai trong cùng 1 ngày là khác nhau.
“Ngày 20/7/2018, làm việc tại cơ quan điều tra, bị giữ lại 3 ngày khiến bị cáo khủng hoảng tinh thần. Trong các biên bản lấy lời khai, bản tự khai, bị cáo đều khai là nhờ xem điểm, nhưng điều tra viên lại ghi là nâng điểm”, nguyên Phó Giám đốc Sở nói.
Cũng theo lời khai của bị cáo Yến, ngày 16/11/2018, sau khi đọc lại biên bản hỏi cung, thấy điều tra viên ghi không đúng lời khai của mình, bị cáo Yến đã đề nghị ghi đúng lời khai của bị cáo, nhưng điều tra viên không ghi lại mà bắt bị cáo ghi lời khai bổ sung.
Chưa hết, một số biên bản tự khai, bị cáo Yến bị bắt chép từ tài liệu cơ quan công an cung cấp. Lấy dẫn chứng ngày 21/2/2019, bị cáo Yến ghi rõ “lời khai dưới đây được chép từ lời khai trước do điều tra viên cung cấp”.
Bị cáo Yến khẳng định: “Sau đó, cán bộ đề nghị xóa từ chép, thay bằng từ ghi. Các mẫu biên bản này đều do cơ quan điều tra cung cấp, không phải ý chí của bị cáo”.
Sáng nay (26/5), phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện VKS với các bị cáo và luật sư bào chữa.