Nhờ Trung Quốc, Nga viết tiếp tham vọng LNG bất chấp trừng phạt của Mỹ

Nhờ Trung Quốc, Nga viết tiếp tham vọng LNG bất chấp trừng phạt của Mỹ

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 3, 16/01/2024 14:06

Các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến việc Novatek hoàn thiện dây chuyền sản xuất của Artic LNG 2 ở Bắc Cực, đóng các tàu Arc-7 thế hệ thứ 2…

Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng gia tăng, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên độc lập lớn nhất của Nga là Novatek đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại dự án Arctic LNG 2 ở Bắc Cực, sau 5 năm xây dựng.

Đáng chú ý, chỉ vài tuần nữa, công ty có thể vận chuyển lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên từ Bán đảo Gydan ở Tây Siberia, sau khi thành công thay thế công nghệ phương Tây bằng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cơ sở sản xuất của mình và vượt qua các hạn chế đối với năng lực vận tải.

Tiến bộ nhanh chóng

Sự ra đi của các công ty phương Tây và một số lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã không thể ngăn cản Novatek hoàn thiện cả 3 dây chuyền sản xuất của dự án Artic LNG 2 trong 2 năm tới.

Dây chuyền sản xuất T1 được lắp ráp trên một bệ nổi gần Murmansk và được kéo đến nhà ga Utrenny vào mùa hè năm 2023, bắt đầu hóa lỏng khí đốt tự nhiên vào ngày 21/12 năm ngoái. Các nguồn tin của Upstream Online cho biết, T1 đã sản xuất LNG với công suất hơn 15.600 m3 (7.200 tấn) mỗi ngày kể từ cuối tháng trước.

Ông Mehdy Touil, chuyên gia về LNG, người trước đây từng giữ vai trò điều hành cấp cao cho dự án Yamal LNG của Novatek, đã chỉ ra các sửa đổi kỹ thuật mà Novatek đã thực hiện để hoàn thành dây chuyền sản xuất T1 bất chấp các lệnh trừng phạt.

Cụ thể, nhà cung cấp turbine khí đốt Baker Hughes của Mỹ chỉ kịp giao 4 trong số 7 turbine LM9000 cho Novatek trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Điều này đã buộc công ty Nga phải sửa đổi cấu hình của dây chuyền T1 và lắp đặt các turbine thay thế từ nhà cung cấp Cáp Nhĩ Tân Quang Hàn của Trung Quốc.

Ban đầu, T1 được thiết kế để sử dụng 7 chiếc LM9000, trong đó có 3 chiếc LM9000 để phát điện và 4 chiếc còn lại để làm lạnh. Tuy nhiên, vì chỉ có 4 chiếc LM9000, Novatek đã cho dây chuyền T1 chạy ở công suất thấp hơn, sử dụng 2 turbine cho mỗi khâu phát điện và làm lạnh.

T1 đã bắt đầu hoạt động theo cách này 3 tuần trước và đạt khoảng 50% công suất. Sau khi nhận được các turbine CGT30 từ Cáp Nhĩ Tân Quang Hàn, Novatek sẽ hoàn nguyên T1 về cấu hình công suất tối đa cuối cùng, sử dụng 4 chiếc LM9000 sẵn có để làm lạnh và 5 chiếc CGT30 để phát điện.

Thiết kế của T2 và T3 cũng sẽ được sửa đổi để không phải dựa vào turbine của nhà cung cấp Mỹ và thay thế bằng sản phẩm của nhà cung cấp Trung Quốc.

Thế giới - Nhờ Trung Quốc, Nga viết tiếp tham vọng LNG bất chấp trừng phạt của Mỹ

Sơ đồ 3 dây chuyền sản xuất của dự án Artic LNG 2 do Novatek cung cấp. Ảnh: Asahi Shimbun

“Như vậy, tất cả vấn đề liên quan đến máy móc của phương Tây cho T1, T2 và T3 đều đã được giải quyết. Tôi không thấy bất kỳ tác động nào khác từ các lệnh trừng phạt, trừ khi nó ảnh hưởng đến việc vận chuyển các module còn lại từ các nhà xưởng của Trung Quốc”, ông Touil nhận định.

Một số module còn lại hiện đang trên đường từ Trung Quốc đến bãi xây dựng bên ngoài thành phố Murmansk của Nga thuộc vòng Cực Bắc.

Trong khi các chuyên gia, bao gồm cả ông Touil, dự kiến dây chuyền T1 sẽ chạy với công suất 50% trong hầu hết năm 2024 cho đến khi Novatek có thể lắp đặt các turbine Trung Quốc, có vẻ như “gã khổng lồ” năng lượng Nga đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc tích hợp CGT30.

Ông Touil xác nhận rằng các turbine đã được tiếp nhận và lắp đặt thành công trên đất liền, giải quyết xong khâu phát điện cho dây chuyền sản xuất T1.

Theo đó, Novatek dự kiến có thể đạt được 100% công suất cho T1 trong những tuần và tháng tới trước thời hạn. Mỗi dây chuyền có công suất thiết kế khoảng 6,6 triệu tấn LNG/năm.

“Tuy nhiên, có một nguồn đáng kể gây ra sự không chắc chắn về mặt hậu cần”, ông Touil chỉ ra.

Thách thức hậu cần

Yếu tố hạn chế có thể là khả năng sẵn có của năng lực vận tải, ông Viktor Katona, nhà phân tích cấp cao tại Kpler, một công ty phân tích và dữ liệu về thị trường hàng hóa, giải thích.

“Dây chuyền sản xuất đầu tiên có thể cần phải chạy với công suất thấp hơn để không khiến các bể chứa đầy tràn”, ông Katona cho biết, chỉ ra rằng độ sẵn có của đội tàu chở hàng sẽ lộ rõ khi tốc độ sản xuất nhanh hơn tốc độ mà các tàu chở LNG có thể hấp thu.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm chậm quá trình đóng mới đội tàu chở LNG thế hệ thứ 2 của Novatek, gồm 15 chiếc Arc-7 có khả năng di chuyển trên biển băng – một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với hoạt động của dự án Artic LNG 2 ở Bắc Cực.

Tại Zvezda, một nhà máy đóng tàu của Nga ở Viễn Đông, một lô 5 tàu chở LNG Arc-7 đang được xây dựng. Theo ông Ben Seligman, chuyên gia dự án phát triển dầu khí ở Bắc Cực, xưởng đóng tàu Nga có thể đưa 2-3 chiếc đầu tiên vào hoạt động trong năm 2024.

Nhưng điều này còn phụ thuộc vào tính sẵn có của một số chi tiết như màng hệ thống lưu trữ LNG và hệ thống đẩy Azipod. Công ty GTT của Pháp và General Electric của Mỹ, nhà cung cấp các chi tiết trên, đã rút khỏi Nga vào năm 2023.

Thế giới - Nhờ Trung Quốc, Nga viết tiếp tham vọng LNG bất chấp trừng phạt của Mỹ (Hình 2).

Theo Novatek, tàu chở dầu Arc-7 có khả năng di chuyển qua biển băng mạnh hơn so với đội tàu hiện đang được dự án Yamal LNG sử dụng. Ảnh: Ship Technology

Zvezda ban đầu được ký hợp đồng hoàn thiện thêm 10 tàu Arc-7 với sự hợp tác của Samsung Heavy Industries (SHI), công ty cung cấp các khối thân tàu chính cho khâu lắp ráp cuối cùng tại nhà máy đóng tàu của Nga.

Nhưng dưới áp lực ngày càng tăng từ lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow, SHI đã ngừng đóng thân tàu dù chưa chính thức rút khỏi quan hệ đối tác.

“Zvezda hiện đang tìm đến Trung Quốc để được giúp đỡ”, ông Seligman cho biết.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm phương tiện vận chuyển, khi Novatek bắt đầu vận chuyển sản phẩm từ Arctic LNG 2 trong những tuần tới, công ty Nga có thể sẽ dựa vào phương thức chuyển hàng từ tàu sang tàu (STS).

Ban đầu họ dự định sử dụng các kho chứa nổi (FSU) mới được triển khai ngoài khơi Murmansk và Kamchatka, nhưng cả 2 đơn vị đều đã bị Mỹ trừng phạt kể từ tháng 11 năm ngoái và cho đến nay vẫn chưa được sử dụng.

“Với các biện pháp trừng phạt, tôi không rõ khi nào Novatek có thể bắt đầu hoạt động tại các kho chứa nổi Saam và Koryak”, ông Seligman  cho biết.

Novatek đã quay trở lại hoạt động STS cho dự án Yamal LNG, chuyển loại nhiên liệu siêu lạnh này từ tàu Arc-7 có khả năng vượt biển băng sang tàu thông thường ngoài khơi đảo Kildin. Trong những tuần gần đây, 5 hoạt động như vậy đã diễn ra.

Đối tác thuận tiện

Cho đến nay, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến việc hoàn thiện dây chuyền sản xuất của Artic LNG 2 ở Bắc Cực, đóng tàu Arc-7 thế hệ thứ 2 và việc sử dụng 2 kho lưu trữ nổi (FSU).

Các đợt trừng phạt bổ sung có thể ảnh hưởng hơn nữa đến khả năng của Novtek trong việc đảm bảo năng lực vận chuyển cần thiết hoặc bán LNG của mình. EU đã đàm phán trong suốt năm 2023 để hạn chế dòng LNG của Nga chảy vào khối này.

Ngược lại với các chuyến hàng dầu thô của Nga, nơi nước này đã phát triển thành công một “hạm đội bóng tối” vận chuyển những lô dầu bị trừng phạt, không có cơ hội nào như vậy đối với sản phẩm LNG của Nga.

“Đối với Novatek, sẽ rất khó để che giấu nguồn gốc hàng hóa của mình và cũng sẽ khó tương tự để thuê các hãng vận chuyển LNG”, ông Katona, nhà phân tích tại Kpler, giải thích.

Ông Jason Feer tại công ty tư vấn Poten & Partners đồng tình. Ông nói: “Đầu tiên, chỉ có khoảng 600 tàu chở LNG trên thế giới, và tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bất kỳ chủ sở hữu của những tàu này sẵn sàng cho phép sử dụng chúng để vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt vì chi phí vận chuyển LNG đắt đỏ hơn nhiều và rủi ro mà họ phải đối mặt sau khi bị lợi dụng để vi phạm các lệnh trừng phạt”.

Thế giới - Nhờ Trung Quốc, Nga viết tiếp tham vọng LNG bất chấp trừng phạt của Mỹ (Hình 3).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2/2022, vài tuần trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: Nikkei Asia

Vẫn còn phải xem liệu chế độ trừng phạt của phương Tây có thể tác động thêm đến hoạt động của Novatek tại Artic LNG 2 hay không và ở mức độ nào. Trong khi Mỹ không giấu giếm mục tiêu muốn “khai tử” dự án này, Novatek của Nga dường như có đủ phương tiện để đưa nó vượt qua “quỷ môn quan”.

Điều đó đặc biệt đúng, chừng nào Novatek còn thu được lợi nhuận từ Yamal LNG – dự án LNG lớn nhất ở Nga. “Hiện tại Yamal LNG vẫn là con bò sữa hái ra tiền, và Novatek đang nỗ lực hết sức để duy trì điều đó”, ông Touil, chuyên gia về LNG, giải thích.

Chỉ riêng các nước EU vẫn chi hơn 1 tỷ USD cho Novatek mỗi tháng để mua LNG từ dự án Yamal.

“Novatek có đủ tài chính và nền tảng để tự mình hoàn thành Artic LNG 2 nếu cần. Cuối cùng, khi các đòn trừng phạt càng bị siết chặt, thì khả năng dự án sẽ bị chi phối bởi Trung Quốc càng lớn”, ông Katona, nhà phân tích cấp cao tại Kpler, nhận định.

Việc dòng chảy dầu thô của Nga sang Trung Quốc ngày càng tăng, bao gồm cả thông qua tuyến đường biển phía Bắc (NSR) vào năm 2023, cho thấy rằng việc tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc có thể sẽ là lựa chọn ưa thích của Nga.

“Làm ăn với Trung Quốc là lựa chọn dễ dàng nhất đối với các thực thể Nga đang bị trừng phạt, vì lý do thuận tiện kinh doanh và tài chính”, ông Katona kết luận.

Minh Đức (Theo High North News, Upstream Online)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.