Nhọc nhằn kiếp “ma biển” đi săn hà đá

Nhọc nhằn kiếp “ma biển” đi săn hà đá

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

Đã xảy ra không ít tai nạn thương tâm cướp đi mạng sống của người làm nghề này.

Trời còn chưa sáng tỏ đã thấy bóng họ chập chờn, lẫn trong màn sương mờ của biển. Cũng có những khi tối nhọ mặt người những bóng dáng ấy vẫn đập đập, gõ gõ chênh vênh trên những bãi đá mong kiếm đủ miếng cơm manh áo. Quanh năm suốt tháng gắn bó với biển nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn cứ bám riết những phận người bé mọn làm nghề đánh hà trên các đảo đá của vùng biển Cát Hải (Hải Phòng).

Pháp luật - Nhọc nhằn kiếp “ma biển” đi săn hà đá

Quanh năm gắn bó với biển nhưng cái nghèo cứ bám riết lấy người dân nơi đây (ảnh minh họa)

Khoảng 5 giờ sáng, nơi biển đảo thời tiết lành lạnh, sương mù dày đặc. Sau chừng nửa giờ đồng hồ ngồi trên thuyền, vượt qua nhiều dãy núi, bà Hà (người cho tôi bám càng chuyến đi này) tiến gần đến khu vực có nhóm người đang cặm cụi trên các mỏm đá phía trước. Sương mù che lấp khiến những cái bóng đã nhỏ bé lại càng trở nên nhạt nhòa. Những con người ấy làm nghề gõ hà đá – người dân trong vùng đặt cho họ cái tên là “ma biển”. Những bí mật, trải nghiệm về cái nghề cực nhọc này dần được mở ra.

Hà đá là loại động vật 2 mảnh dùng chân và vòi làm điểm tựa rồi xoay toàn thân để những gai trên vỏ cứng cọ xát làm đá vỡ vụn. Người đánh hà thường tìm đến các ngọn núi, đảo đá cách bờ thật xa để thu được nhiều hà. Vỏ hà cứng và sắc nên rất dễ gây tổn thương. Người làm nghề này hầu như tay ai cũng bị trầy xước nham nhở, lúc nào cũng rơm rớm máu, nhăn nheo, bợt bạt. Thấy tôi nhìn đôi bàn tay đầy vẻ ái ngại, bà Hà cho biết: “Không lo bị nhiễm trùng đâu! Nước biển có muối nên vết xước sẽ khắc lành”. Tranh thủ tiếp chuyện tôi, nhưng tay bà Hà văn thoăn thoắt đập đá, cậy hà. Soi kỹ từng hốc đá nhỏ, ánh mắt ánh lên niềm vui, bà Hà nói: “Được hôm nay nước rút sâu. Cứ mực nước này, chỉ sợ không có sức mà gõ thôi”. Đồ nghề của những người gõ hà rất đơn giản, chỉ bao gồm một chiếc búa, một chiếc thuyền máy dùng chung cho nhóm khoảng 5 người.

Được biết, khoảng thời gian hà đá ngon và được giá nhất là từ tháng 10-12 âm lịch, khi thời tiết mưa rét triền miên kéo dài. Thời điểm này, những ngày trời nắng, nước rút sâu, mỗi người có thể đánh được 2-2,5 kg ruột hà/ngày, bán với giá 80-100.000 đồng/kg. Ngày cao điểm gặp may mắn, người dân nơi đây có thể kiếm được 16.0000 - 250.000 đồng/ngày, còn ngày thường, ai khá lắm cũng chỉ kiếm được chưa đầy 1 kg. Không những thế, nghề đánh hà đá lại phụ thuộc theo con nước, mỗi tháng chỉ có khoảng mươi, mười lăm ngày đi làm. Những hôm nước lên cao, bãi hà ngập sâu trong nước thì nhà nào nhà nấy đành ngậm ngùi ở nhà.

Những dân ở vùng biển này, phần lớn vì kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình có tới hai đến ba thế hệ cùng dắt díu nhau làm nghề đánh hà đá. Thương nhất là các cháu nhỏ, cũng phải theo mẹ mưu sinh trên biển để có tiền đi học. Tuy số tiền kiếm được không nhiều nhưng cũng giúp các em trang trải được phần nào tiền sách bút, đỡ đần cho cha mẹ. “Có ba ruộng muối, nhưng nhà có tới 8 miệng ăn thì lấy gì mà sống. Mấy tuần này tích cóp mãi mà chẳng đủ tiền mua mấy quyển vở cho con - Chị Hoa một người dân Phù Long than thở.

Phải phơi mình cả ngày dưới nắng gió nên việc ốm đau với người đánh hà đã trở thành chuyện thường. Cứ đến tầm 50-60 tuổi người nào làm nghề này cũng bị bệnh thấp khớp. Dù đau đớn, bệnh tật nhưng những người dân nơi đây vẫn không dám ngơi nghỉ. Bà Bảy (năm nay 60 tuổi) chia sẻ nỗi cực nhọc: “Tôi không những bị gai đầu gối mà còn bị đau cả hai khớp cổ tay. Hôm nào chỉ đau nhẹ thì còn cố được, nhưng khi trái gió trở trời, không nhấc chân lên nổi, muốn đi làm thì phải lê từng đoạn một”.

Nguy hiểm hơn, phải chênh vênh giữa những mỏm đá ngoài biển khơi, người đánh hà luôn lo sợ khoảng cách mong manh giữa sự sống và cái chết. Chiếc thuyền đưa họ đi về không hề được trang bị thiết bị bảo hộ hay cứu sinh nào. Bất kể ngày đêm, cứ khi nước rút là người dân nơi đây lại liều mình lao ra giữa biển khơi để kiếm tiền lo cho gia đình, con cái.

Cái chết thương tâm của cháu bé 11 tuổi

Những người mưu sinh bằng nghề đánh hà không ai có thể quên vụ chết đuối thương tâm của cháu Huệ (11 tuổi ở Phù Long. Cát Hải). Vì mải với tay gõ hà trên mỏm đá, Huệ đã bị trượt chân ngã xuống vụng nước sâu. Khi có người phát hiện thì đã không thể cứu được tính mạng cháu. Cũng trên vùng biển Phù Long, có không ít người đánh hà đá khi gặp nạn đã phải bỏ xác ngoài biển khơi do không biết bơi, hay do tuổi cao sức yếu.

Đồng Thị Duyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.