Các đoàn xe chở khách du lịch nối đuôi nhau thong thả leo dốc, để rồi cùng dừng lại chốn đỉnh đèo chiêm ngưỡng dấu tích của tiền nhân nhiều thế kỷ trước trên con đường thiên lý Bắc Nam nhiều huyền thoại.
Những quầy hàng trên đỉnh Hải Vân
Từ khi hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, lượng xe cộ qua lại trên đèo giảm hẳn, còn lại chủ yếu là những đoàn khách du lịch, hay những xe máy, xe quá khổ, quá tải chạy trên cung đường đèo này.
Được biết, trên đỉnh Hải Vân có khoảng 16 hộ, chủ yếu là buôn bán nước giải khát, hàng lưu niệm, quán ăn và một số dịch vụ khác. Còn lại khoảng 5 - 6 hộ sống lưng chừng đèo với vài tiệm vá xe, nước mui, cuộc sống cũng nhiều vất vả.
Dạo trước, khi hầm Hải Vân rậm rịch khánh thành, nhiều hộ dân buôn bán nơi đây sợ mất kế sinh nhai. Có nhiều hộ đã rời về quê cũ tính kế khác làm ăn, có người vào rừng đốn củi kiếm ngày mươi lăm ngàn nuôi gia đình.
Chỉ còn lại một vài hộ bất chấp khó khăn cố gắng bám trụ lại, hy vọng vào một điều gì đó tươi sáng hơn. Và bây giờ, những người dân ấy đã có được cuộc sống ổn định hơn, chắc chắn hơn nhờ vào lượng khách qua lại thường xuyên nơi đây.
Chị Lê Thị Hương, bán đồ lưu niệm, cho biết: "Ban đầu cũng chật vật lắm, một ngày bán được có một chiếc vòng giá năm ngàn, lấy gì nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học dưới nhà. Nhưng không bám trụ thì biết làm sao, rồi cuối cùng cũng qua cả. Bây giờ khách du lịch lên đây nhiều, buôn bán cũng khấm khá hơn".
Hiện tại, lượng khách du lịch qua lại nơi đây tương đối đông, mỗi ngày cũng vài chục đoàn, chưa tính khách đi lẻ. Những cung đường khúc khuỷu vờn mây, nhìn về phía Nam là thành phố Đà Nẵng trẻ trung sôi động với vịnh biển xanh ngắt trong nắng, phía Bắc là bãi biển Lăng Cô yên bình hiền hòa, trên đỉnh là Hải Vân quan với những làn mây trôi lờ lững chậm rãi, rất thích hợp cho tham quan, nghỉ dưỡng, tuor đường dài, tuor địa hình và là một trong những thắng cảnh của miền Trung.
Một điều thú vị nữa là tình trạng chèo kéo khách, giành giật khách tuyệt nhiên không còn xảy ra như nhiều năm về trước. Đó là nhờ các chiến sỹ đồn biên phòng 224, thuộc Đồn Biên phòng TP Đà Nẵng. Từ khi có sự xuất hiện của các chiến sỹ quân hàm xanh, nạn trấn lột, chèo kéo khách giảm hẳn.
Để quản lý được 16 hộ dân đăng ký kinh doanh và khoảng 60 người bán hàng rong, ngoài những biện pháp nghiệp vụ được áp dụng trong những tình huống cần thiết, hầu hết các chiến sỹ đồn 224 đều tác động vào tình cảm, khuyên nhủ, tuyên truyền để họ có cách bán hàng lịch sự, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch.
Bùi Hữu Cường